Đề xuất này hoàn toàn hợp tình, hợp lý trong bối cảnh giá xăng, dầu thế giới biến động và tình hình sản xuất kinh doanh trong nước còn nhiều khó khăn.
Sau gần 1 năm áp dụng giảm 50% thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, theo kế hoạch, từ 1/1/2024 loại thuế này sẽ quay trở lại mức trần ban đầu. Điều này được dự đoán sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý, đời sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, DN đang phục hồi sản xuất, kinh doanh, mới đây Bộ Tài chính đã có đề xuất tiếp tục kéo dài thời gian giảm 50% thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết năm 2024.
Cơ sở để Bộ Tài chính đưa ra đề xuất trên do xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Do đó, việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn không phân biệt đối tượng áp dụng sẽ hỗ trợ nền kinh tế, người dân và DN.
Nhìn nhận từ thực tế đề xuất này của Bộ Tài chính là hoàn toàn hợp tình, hợp lý. Bởi, trong bối cảnh giá xăng, dầu thế giới tăng cao, bất ổn như hiện nay, nếu tiếp tục được giảm thuế BVMT sẽ góp phần ổn định giá bán lẻ xăng, dầu trong nước. Trên cơ sở đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu thụ xăng, dầu và giảm các chi phí gián tiếp từ việc tiêu dùng các sản phẩm khác. Đồng thời, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp DN tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh...
Theo tính toán của Bộ Tài chính, với sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2024 tương đương sản lượng xăng, dầu, mỡ nhờn dự kiến tiêu thụ năm 2023 và với mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất nêu trên, số thu thuế BVMT giảm so với nếu thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 khoảng 38.929 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước, bao gồm cả phần giảm thuế VAT giảm khoảng 42.822 tỷ đồng.
Nếu nhìn vào lợi ích trước mắt, việc đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu có thể làm giảm thu ngân sách. Nhưng về lâu dài, đây lại là giải pháp căn cơ mang lại nhiều lợi ích, hỗ trợ tích cực cho đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, hỗ trợ DN giảm chi phí đầu vào. Từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần phục hồi kinh tế trong năm 2024.
Bên cạnh tác động tới giảm thu ngân sách, nhiều người cũng lo ngại việc giảm thuế BVMT có thể không khuyến khích người dân, DN tiết kiệm xăng, dầu, hướng tới các loại nguyên liệu sạch. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, cơ bản, việc kéo dài thời gian giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu sẽ không làm ảnh hưởng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, do mức gia tăng tiêu thụ xăng, dầu sẽ không quá lớn...
Hơn nữa, hiệu quả và tác động của việc giảm thuế BVMT với xăng, dầu, mỡ, nhờn đã được chứng minh trong thực tế. Do đó, việc cân nhắc tiếp tục kéo dài chính sách này trong năm 2024 là cần thiết, vì lợi ích chung của người dân, DN.