Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm ùn tắc và tai nạn giao thông cần chú trọng các “giải pháp mềm”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông (UTGT), bên cạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, cần đặc biệt chú trọng tới các "giải pháp mềm" nhằm mục tiêu nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ứng xử có văn hoá của người tham gia.

 Đây được xem là một trong những giải pháp căn cơ, góp phần giảm thiểu tai nạn, UTGT hiệu quả và bền vững.

 

Luật chưa sát cuộc sống

 

Mới đây, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an soạn thảo trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP. Trong đó, có hai vấn đề đáng lưu ý gồm: Tăng mức xử phạt vi phạm đối với người tham gia giao thông và thu giữ phương tiện vi phạm. Việc tăng nặng mức xử phạt là điều cần thiết, bởi hiện nay, mức xử phạt quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Tuy nhiên, việc thu giữ phương tiện có thể làm phát sinh nhiều hệ luỵ phức tạp, dễ nảy sinh tiêu cực, gây lãng phí (thời gian đi lại, phương tiện không phát huy được giá trị,…).

 
Vi phạm trật tự an toàn giao thông trên cầu vượt Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã. Ảnh: Hải Linh
Vi phạm trật tự an toàn giao thông trên cầu vượt Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã. Ảnh: Hải Linh
 

Lâu nay, chúng ta đã và đang áp dụng nhiều hình thức xử phạt đối tượng tham gia giao thông vi phạm, nhưng chưa triệt để. Các biện pháp xử phạt "nguội", hay còn gọi là xử phạt gián tiếp qua hình ảnh chưa phát huy được tính ưu việt dù cách làm này đã được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng và thực tế mang lại hiệu quả rõ rệt. Nước ta cũng đã từng thí điểm áp dụng hình thức xử phạt này ở Thủ đô, tuy nhiên do thiếu kinh phí đầu tư, việc quản lý phương tiện còn lỏng lẻo và lực lượng thực thi nhiệm vụ còn thiếu nên phương thức này mới chỉ tồn tại ở việc "bắn tốc độ" và cũng chỉ áp dụng được trên một số tuyến đường, quốc lộ nhất định.

 

Thông tư 89 năm 2007 của Bộ Tài chính quy định rõ mức chi tiền phạt từ vi phạm trật tự ATGT chia thành ba khoản: Chi cho các hoạt động của CSGT, Ủy ban ATGT và nộp vào ngân sách. Tỷ lệ thu chi như vậy khiến tình trạng "chỗ thì tiêu không hết, nơi lại không đủ kinh phí hoạt động" diễn ra phổ biến. Tiêu cực, mãi lộ bởi thế cũng tăng cao và diễn biến phức tạp. Vì vậy, nên để lại toàn bộ số tiền xử phạt cho đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ trên đường, phục vụ cho các hoạt động đảm bảo trật tự ATGT. Tuy nhiên, để hạn chế tiêu cực, việc chi tiêu sẽ phải theo cơ chế, chính sách cụ thể do Nhà nước quy định, theo nguyên tắc: Không "cào bằng" lợi ích từng cá nhân. Quyền lợi phải đi kèm với trách nhiệm. Khi tình trạng nhận hối lộ, đút lót vẫn diễn ra, các hành vi vi phạm luật giao thông bị làm ngơ thì tai nạn và UTGT sẽ còn diễn biến phức tạp.

 

Tăng giám sát, xử phạt “nguội”

 

Có không ít giải pháp nhằm mục tiêu giảm nhẹ tình trạng tai nạn và UTGT đã được đưa ra. Tuy nhiên, để các biện pháp này đi vào cuộc sống, các cơ quan chức năng còn rất nhiều việc phải làm. Hệ thống camera giám sát được nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới áp dụng và thực tế mang lại hiệu quả tích cực. Đây là một hình thức quản lý giao thông thông minh có mức đầu tư khá lớn. Tại Việt Nam, việc phát triển mô hình này nên đi theo hình thức xã hội hoá. Thay vì Nhà nước bỏ tiền đầu tư, nên cho phép tư nhân hay tổ chức xã hội đầu tư xây dựng hệ thống camera giám sát, quản lý vận hành tại các ngã tư, các cung đường có nguy cơ mất an toàn. Để làm được điều này, Nhà nước cần xây dựng cơ chế hợp lý nhằm khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp dám đầu tư, yên tâm đầu tư. Cơ chế ở đây có thể hiểu là việc chia lại một phần số tiền thu được từ xử phạt "nguội" cho doanh nghiệp, cá nhân chịu trách nhiệm xây dựng và duy trì hệ thống. Với số tiền xử phạt lên đến cả tỷ đồng/tháng, sẽ có không ít người sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư lắp camera giám sát, đầu tư vào hệ thống vận hành điều khiển giao thông.

 

Để có thể thực hiện xử phạt "nguội", đòi hỏi tất cả phương tiện phải chính chủ, có tên tuổi, có khai báo địa chỉ rõ ràng để cơ quan chức năng dễ dàng xử phạt khi xảy ra vi phạm. Vì vậy cần phải ban hành quy định cho phép đăng ký, chuyển đổi chính chủ dễ dàng, miễn hoàn toàn phí trước bạ khi thay đổi chủ xe. Nếu đã có quy định, ai không thực hiện sẽ tịch thu sung công quỹ phương tiện. Khi chủ phương tiện vi phạm không tự giác tới nộp phạt, sau 3 lần gửi thông báo theo địa chỉ đăng ký sẽ tịch thu phương tiện và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Để xử phạt công khai minh bạch cần xây dựng hệ thống tư liệu xử phạt trên website riêng, công bố xe vi phạm theo tháng. Người dân có thể vào tra cứu theo biển số phương tiện để biết mình đã vi phạm bao nhiêu lần trong tháng và tự giác đi nộp phạt. Cùng với đó, cần có chế tài khuyến khích ý thức tự giác của người dân, ví như tự giác nộp phạt ngay khi nhận được thông báo sẽ được giảm 10% số tiền xử phạt…

 

Các cơ quan chức năng cũng nên quy định rõ ràng việc thu, chi tiền thu được từ xử phạt "nguội". Số tiền này sẽ chia làm 2 phần theo tỷ lệ tương ứng, đơn vị đầu tư, duy trì hệ thống; đơn vị thực thi pháp luật và bộ máy vận hành. Có kinh phí, đầu tư có lãi, bộ máy hoạt động đảm bảo hiệu quả, không nảy sinh tiêu cực.Nếu làm được những vấn đề trên, ý thức chấp hành luật giao thông của người  dân chắc chắn sẽ được cải thiện đáng kể. Chưa cần phải đầu tư nhiều tiền để thay đổi cơ sở hạ tầng, chỉ tiêu giảm ùn tắc và tai nạn giao chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số khiêm tốn 5 - 10% mà sẽ lên đến 30%.