Gian nan bảo vệ an toàn hành lang tuyến

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cũng chẳng phải vì gánh nặng kiếm đồng lương nuôi vợ con, gia đình để đánh đổi, mà sâu thẳm trong đó là suy nghĩ “sinh nghề tử nghiệp”, mà các anh là người hiểu rõ nhất, đã chọn rồi thì cớ gì phải nề hà, khiếp sợ…

Những ngày đầu Xuân mới, tôi có chuyến công tác lên huyện vùng cao Sơn Tây (Quảng Ngãi). Nhớ anh em Điện lực nên liền bấm số gọi, cốt muốn ngồi với nhau tâm sự vài lời. Anh Bùi Đình Thi bốc máy, trả lời: "Anh về Sơn Hà rồi, không còn ở đó nữa".
 Treo mình trên cây cao ở vùng rừng núi để chặt cây vướng hành lang tuyến.

Nghe câu đó, tôi thầm vui trong bụng, như thể rằng những nỗ lực, cố gắng của các anh được đền đáp phần nào. Rồi tôi kết thúc câu chuyện bằng lời hứa: Hẹn gặp anh khi khác. Tiếng tút…tút… tút vọng lại từ đầu dây bên kia.

Tầm hơn nửa tiếng sau, anh Thi gọi lại cho tôi và nói như đinh đóng cột: “Một tí nữa anh đến Sơn Tây. Chú mày lâu lâu mới lên mà không gặp được thì tiếc”. Chắc có lẽ, cái tình cảm mộc mạc mà anh em dành cho nhau trong những lần đi cơ sở đã khiến cuộc hẹn ấy trở nên gần hơn, ngay hôm nay chứ chẳng khi nào nữa.

Trong bữa cơm trưa đạm bạc nơi miền sơn cước, tôi, anh Thi và một vài người bạn nữa lắng hồn lại, thu vào lòng những “thước phim” đã qua, từ trong công việc lẫn chuyện gia đình, buồn vui đều có, rồi chậm rãi kể tường tận để ai ngồi đó đều… hiểu.

Rất nhiều, rất nhiều câu chuyện được nhắc đến. Nhớ nhất là chuyện anh Thi kể về hành trình gian nan của anh em thợ điện khi vượt núi bảo vệ an toàn hành lang lưới điện. Từng lời, từng câu của anh như dẫn dắt mọi người, như một hình dung chân thực.
Chuyến đi ấy chỉ cách đây không lâu. Đoàn của anh Thi phải băng vào rừng sâu, leo lên tận đỉnh núi, men dọc theo lưới điện vắt vẻo trên đầu. Sau gần nửa tiếng đồng hồ đi bộ, đoàn bất ngờ gặp một cây ké cổ thụ với đường kính khá lớn, mọc chếch góc nghiêng, tán lá xum xuê, nguy cơ gây ảnh hưởng đến đường dây do đơn vị quản lý.

Tại nơi thâm sơn cùng cốc, các phương tiện chuyên dụng đều chẳng thể tiếp cận. Anh em thay phiên lên “kế sách”, rồi phương án hữu hiệu nhất được chọn là trực tiếp trèo lên đọt cây để phát tỉa. Những người lính áo da cam tận dụng đoạn dây điện cũ, chặt cây rừng thành nhiều khúc dài khoảng nửa mét; vòng dây điện quanh thân cây rồi buộc cố định những khúc cây ấy vào thân cây ké cổ thụ tạo thành chiếc thang dây dài để dễ di chuyển lên trên; và không quên thắt đai an toàn để đảm bảo an toàn tính mạng, phòng sự cố đáng tiếc xảy ra.

Chỉ trong tích tắc, người thợ điện đã chinh phục được độ cao hơn 15 mét so với mặt đất. Thay vì dùng máy cưa thì họ dùng rựa để chặt, rồi quấn dây thừng vào từng nhánh để mọi người bên dưới kéo theo hướng mình muốn, tránh ngã đổ vào đường dây sát bên.

“Từng nhánh một được chặt hạ trong niềm hân hoan của cả đoàn. Phải nói rằng, trong cái khó bao giờ cũng ló cái khôn; đoàn kết sẽ giúp ta vượt qua mọi trở ngại để dòng điện mãi sáng nơi đại ngàn”- anh Lê Hoạt chia sẻ.

Hình ảnh đó khiến tôi liên tưởng tới vua khỉ miền Tây - người cưa cây nổi tiếng ở xứ sở miệt vườn Nam bộ. Với tay không và cưa máy trong tay, vua khỉ miền Tây đã đốn hạ được nhiều cây cổ thụ gai góc, to lớn, thậm chí mọc ở những vị trí thật “khó đỡ” mà nhiều thợ lành nghề khác nhìn thấy thôi phải khiếp đảm. Anh cũng đã từng “giải cứu” nhiều đường dây điện trong nội thị lẫn vùng quê yên ả trước sự đe dọa của những thân cây như vậy. Công việc của anh được nhiều người thán phục.

Dẫu biết rằng chọn nghề điện đồng nghĩa với việc đương đầu nhiều hiểm nguy. Ấy vậy mà, tôi vẫn thấy sự quả cảm, hết mình vì công việc nơi các anh. Cũng chẳng phải vì gánh nặng kiếm đồng lương nuôi vợ con, gia đình mà đánh đổi, mà sâu thẳm trong đó là suy nghĩ “sinh nghề tử nghiệp”, mà các anh là người hiểu rõ nhất, đã chọn rồi thì cớ gì phải nề hà, khiếp sợ…