Thế nhưng, một phần vì công tác tuyên truyền còn hạn chế, một phần vì những đãi ngộ của loại hình này chưa hấp dẫn khiến người dân vẫn còn thờ ơ.
Bài 2: Chông chênh bảo hiểm xã hội tự nguyện
Thiếu thông tin
BHXH tự nguyện được áp dụng từ 1/1/2008 nhưng tính đến hết tháng 7/2016, toàn TP Hà Nội mới chỉ có hơn 23.000 người tham gia BHXH tự nguyện, con số này của cả nước cũng chưa đến 200.000 người. Thực tế, đa phần những NLĐ tự do đều nặng gánh “cơm áo gạo tiền”, ít có thời gian và điều kiện để tiếp cận những văn bản pháp luật. Trong khi đó, công tác tuyên truyền về BHXH tự nguyện hiện nay vẫn chưa được chú trọng, nội dung tuyên truyền chưa đi vào thực tế. Anh Bùi Văn Hiệu (Ứng Hòa, Hà Nội) chia sẻ, quanh năm suốt tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nên anh không biết và cũng không quan tâm đến BHXH tự nguyện. “Cứ tưởng phải đi làm cơ quan nhà nước mới có BHXH, tôi cũng chưa bao giờ nghe tuyên truyền về vấn đề này” - anh cho biết.
Bên cạnh những người không biết, không ít NLĐ tự do đã từng nghe nói đến BHXH tự nguyện nhưng lại không hiểu rõ cách thức tham gia và được lợi gì từ đó. Bà Nguyễn Thị Ngân (Quốc Oai, Hà Nội) chia sẻ, ở nhà buôn bán nhiều năm nay, cũng có nghe về BHXH tự nguyện nhưng chưa thấy cán bộ nào đến tuyên truyền. Do vậy, hàng tháng thay vì tham gia BHXH, bà đều mang tiền đi… gửi ngân hàng. Hay như chị Lê Hoài Thương (Gia Lâm, Hà Nội) mở tiệm may tại nhà lại tâm sự, chị hiểu về BHXH tự nguyện nhưng do thu nhập bấp bênh nên không dám tham gia.
Chưa hấp dẫn
Theo các chuyên gia, ngoài việc tuyên truyền còn hạn chế, chế độ cho người tham gia BHXH tự nguyện vẫn chưa thực sự hấp dẫn NLĐ. Cụ thể, nếu NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, được hưởng 5 chế độ: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động/bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất; thì người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất... Đây là nguyên nhân khiến phần lớn NLĐ chưa mặn mà tham gia BHXH tự nguyện. Nhiều người dân tại xã Phù Lưu (huyện Ứng Hòa) khi được hỏi đều rất băn khoăn giữa việc tham gia BHXH tự nguyện hay gửi tiền tiết kiệm. Chị Đặng Thị Liên - một người dân địa phương bày tỏ: “Để có lương hưu, mỗi tháng tôi dự kiến dành dụm vài trăm nghìn đồng đóng BHXH tự nguyện coi như khoản tiền tiết kiệm khi về già. Năm nay tôi 36 tuổi, sau khi đóng 20 năm (56 tuổi) mới được hưởng, thời gian đó quá dài. Hơn nữa, lúc ốm đau, sinh nở lại không được hưởng gì. Bàn đi tính lại, tôi quyết định không tham gia”.
Ông Lưu Quang Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH cho rằng, Luật BHXH năm 2014 đưa mức đóng dựa trên mức chuẩn nghèo nông thôn đã tạo điều kiện cho NLĐ tự do tham gia BHXH tự nguyện. Đây là điều hấp dẫn đối với NLĐ tự do. Vì vậy, BHXH phải có cách tiếp thị giống bảo hiểm nhân thọ của tư nhân. Vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để người dân biết được ích lợi khi tham gia, để về sau có cuộc sống an sinh. “Chúng ta có BHXH ở quận, huyện, tại sao không lan xuống cấp xã? Không cần phải có văn phòng ở đó, nhưng chúng ta cần phải xuống tận nơi để tiếp thị, giống như tiếp thị xã hội, để người dân có thể tham gia được” - ông Tuấn nhấn mạnh. Thực tế, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo hiểm ở cấp xã, phường hiện cũng mới chỉ chú trọng đến bảo hiểm y tế.
Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Giám đốc BHXH Hà Nội cũng cho rằng, cần thông qua các tổ chức đoàn thể tại địa phương, phối hợp, lồng ghép cùng tuyên truyền về BHXH tự nguyện. Cán bộ cơ quan BHXH, phụ nữ, đoàn thanh niên phải tiếp xúc với vấn đề này, họ sẽ là những kênh truyền thông chính trong hệ thống, để làm sao cho nhiều người biết được chính sách xã hội này và sẵn sàng tham gia.
Công dân Việt |
(Còn nữa)