Gian nan tái đàn lợn

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiệm vụ quan trọng hiện nay của ngành nông nghiệp là sớm tìm giải pháp bình ổn giá thịt lợn. Đây là nội dung chính được đề cập tới trong Hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn, diễn ra sáng 6/5.

Nguy cơ mất thị phần
Tính đến hết tháng 4/2020, tổng đàn lợn cả nước đạt 24,89 triệu con, tương đương 80,3% so với tổng đàn lợn trước khi có dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), tăng trưởng bình quân 5,78%/tháng. Dù vậy, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nhiệm vụ nâng tổng đàn lợn thêm 20% trong quý III/2020 vẫn rất gian nan. Nếu không thực hiện nhanh, hiệu quả việc tái đàn, chúng ta sẽ mất một góc thị phần của ngành hàng quan trọng trị giá 10 tỷ USD.
 Chăn nuôi lợn trên địa bàn xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Phạm Hùng
Đại diện HTX chăn nuôi lợn Tân Yên (Bắc Giang) chia sẻ: Trước khi có dịch, HTX chăn 100 lợn nái và 500 thương phẩm, tuy nhiên ảnh hưởng của DTLCP đến nay HTX chỉ còn 30 nái và 300 lợn thịt. Tuy DTLCP đã được khống chế nhưng việc tái đàn vẫn rất khó khăn do thiếu vốn và con giống. Đại diện HTX này kiến nghị, Nhà nước cần có cơ chế ưu tiên cho các HTX như được khoanh nợ, giãn nợ, có điều kiện vay các nguồn vốn ưu đãi… để tái đàn.
Với tỷ lệ chăn nuôi hộ gia đình chiếm 65% tổng đàn lợn của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, ngoài khó khăn về con giống, vốn, khu vực chăn nuôi nông hộ, gia trại trên địa bàn tỉnh còn thiếu thốn về kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học. Ông Duy kiến nghị, Chính phủ và Bộ NN&PTNT cần có giải pháp bình ổn, phát triển chăn nuôi lợn phục vụ trong nước và xuất khẩu, tránh mất cân đối cung cầu và biến động giá.
Theo Bộ NN&PTNT, ngoài 15 DN nòng cốt, hiện nay nhóm chăn nuôi nông hộ và HTX đang chiếm 65% thị phần chăn nuôi lợn của cả nước. Tuy nhiên, đây lại là nhóm đối tượng yếu thế trong chăn nuôi, bởi thiếu thốn cả về vốn, con giống, kỹ thuật, an toàn sinh học… Do đó khả năng tái đàn rất khó khăn.
Nhanh nhưng phải bền vững
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, thời điểm này việc tăng tốc tái đàn lợn là giải pháp quan trọng hàng đầu để cân đối cung cầu, hạ giá thành thịt lợn. Tuy nhiên, việc tái đàn cần bảo đảm nhanh nhưng phải bền vững, tránh tình trạng “vừa chữa nóng đã phải chạy lạnh”. Theo đó, các địa phương cần rà soát, xây dựng đề án tái cơ cấu đàn lợn theo chuỗi giá trị khép kín. Đối với người dân, phải liên kết, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, việc tái đàn ở các địa phương phải đảm bảo đáp ứng an toàn sinh học.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong tái đàn lợn của Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết: Hiện nay tổng đàn lợn trên địa bàn TP đạt 1,2 triệu con. TP đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục tái đàn đến cuối năm 2020 đạt 1,8 triệu con nhằm cung cấp đủ nguồn cung thịt lợn cho người tiêu dùng Thủ đô. Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội hỗ trợ 30% kinh phí mua lợn nái; hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay cho các tổ chức, cá nhân trong thời gian 6 tháng (từ tháng 6 - 12/2020) để mua giống, thức ăn duy trì phát triển đàn lợn; xây dựng các cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh. Hà Nội cũng đề xuất Bộ NN&PTNT tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất giống về khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần