Gian nan xử lý xe khách “rùa bò”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ lâu, hình ảnh những xe khách chạy với tốc độ “rùa bò”, đón khách sai quy định đã trở thành nỗi ám ảnh, sự phiền phức với nhiều người tham gia giao thông trên những tuyến đường xung quanh các bến xe.

Mặc dù các lực lượng như CSGT, Thanh tra GTVT, CSTT vẫn thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm, thế nhưng, dường như “thuốc đắng vẫn chưa dã được tật”, nhiều lái xe vẫn cố tình vi phạm.

Cứ kiểm tra... hết vi phạm

Ngày 25/7, cùng tổ tuần tra của Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội tiến hành kiểm tra, xử lý tình trạng xe khách “rùa bò” – chạy dưới tốc độ tối thiểu 30km/giờ trên đường Phạm Hùng, đoạn đối diện Bến xe Mỹ Đình. Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ trong khoảng 10 phút, thông qua máy đo tốc độ, lực lượng CSGT đã phát hiện và xử lý gần một chục trường hợp vi phạm. Điển hình như các xe khách BKS 29S – 5083, 19B – 004.68, 19L – 7301, 29B – 123.83, 33H – 5686, 21H – 5045... Những chiếc xe này chạy với tốc độ siêu rùa, vừa đi vừa mở cửa xe, sẵn sàng dừng đỗ ngay dưới lòng đường để đón khách, gây cản trở giao thông.
Xe khách Cẩm Phả – Cửa Ông dừng đón khách ngay giữa đường.     Ảnh: Vân trịnh
Xe khách Cẩm Phả – Cửa Ông dừng đón khách ngay giữa đường. Ảnh: Vân trịnh
Thế nhưng, chỉ sau khoảng 15 phút xử lý gần như 100% số xe khách xuất phát từ Bến Mỹ Đình hướng đi cầu Thăng Long, qua khu vực lực lượng CSGT mật phục đo tốc độ, vi phạm bỗng nhiên… sạch bóng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc vi phạm đột ngột biến mất, ngoài việc lái, phụ xe thông báo cho nhau thì có sự “giúp sức” không nhỏ của đội ngũ cò mồi, xe ôm trên dọc tuyến. Chỉ cần xe có dấu hiệu chạy “rùa bò”, bắt khách dọc đường, đội ngũ này sẽ ra hiệu thông báo cho lái xe biết để tránh bị xử phạt. Để kiếm thêm thu nhập, thậm chí, đội ngũ này còn chở khách di chuyển đến các địa điểm không có lực lượng chức năng để lên xe. Vì mỗi lần như vậy, cò xe, xe ôm ngoài việc nhận được tiền “đuổi xe” từ hành khách, sẽ nhận được thêm một khoản tiền từ nhà xe. Thế nên, từ lâu hình thành mối quan hệ lợi ích kinh tế giữa nhà xe, lái, phụ xe và đội ngũ cò mồi, xe ôm. Điều này khiến cho việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Quan trọng vẫn là ý thức

Tại thời điểm kiểm tra, theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các lái xe khi được thông báo lỗi vi phạm đều cho rằng mình bị oan và đưa ra mọi lý do nhằm chối tội. Đơn cử, trường hợp của lái xe Lương Ngọc Tú, điều khiển xe khách BKS 21H – 5045 vi phạm lỗi chạy dưới tốc độ tối thiểu (13/30km/giờ - PV), lái xe viện lý do  phía trước có chướng ngại vật nên không thể đi nhanh. Thậm chí, một số lái xe còn cho rằng, xe mình bị xe “đầu gấu” phía trước chèn ép, không cho vượt nên buộc phải đi chậm phía sau.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Thiếu tá Trịnh Tiến Thành - Đội Phó Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, tất cả những lý do trên đều không hợp lý. Thiếu tá Trịnh Tiến Thành cho biết, một trong những yêu cầu bắt buộc khi bắn tốc độ là lực lượng chức năng phải đứng phía trước phương tiện, không được bắn phía sau phương tiện vi phạm. Khi đã kiểm tra ở phía trước thì có chướng ngại vật hay không tất cả đã được thể hiện rõ ràng bằng hình ảnh. 

Liên quan đến phản ánh, nhiều xe khách chạy với tốc độ “rùa bò”, chạy qua mặt các lực lượng chức năng nhưng không bị xử lý. Thiếu tá Trịnh Tiến Thành cho biết, muốn xử lý được phải có bằng chứng, tuy nhiên, ở những chốt làm nhiệm vụ tổ chức phân làn giao thông không có máy móc, thiết bị để thực hiện điều này. “Muốn xử lý được xe khách chạy “rùa bò”, hay đón, trả khách sai quy định, bắt buộc lực lượng chức năng phải có bằng chứng bằng hình ảnh, camera hay thiết bị chuyên dụng nếu không lái xe sẽ cãi bay, cãi biến hòng chối tội, thậm chí kiện ngược lại các lực lượng chức năng” – Thiếu tá Thành nói.

Thực tế cho thấy, vấn đề xe khách chạy với tốc độ “rùa bò”, đón, trả khách sai quy định là thực trạng đã và đang diễn ra trên các tuyến đường quanh các bến xe tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Lái xe thì cho rằng, việc hành khách không chịu lên xe tại bến khiến nhà xe, lái xe buộc phải đón khách dọc đường. Trong khi đó, nhiều hành khách vẫn có thói quen bắt xe dọc đường. Như vậy có thể thấy, vấn đề ở đây chính là ý thức chấp hành các quy định của pháp luật ở hành khách và lái xe. Bởi sẽ không có một lực lượng, đơn vị nào đủ sức, đủ quân số ứng trực tại những nút giao, những khu vực trọng điểm 24/24 giờ để kịp thời nhắc nhở, xử lý vi phạm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần