Giàn sắt thép khủng “nuốt” ngôi đình cổ

Hà Văn An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khoảng hơn một tuần nay, một hệ thống khung sắt thép đồ sộ được dựng lên tại sân trong đình Trường Lâm (phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Các cấu kiện sắt “nuốt trọn” vẻ cổ kính của ngôi đình. Đáng chú ý là việc dựng hệ thống sắt thép này do Ban quản lý di tích tự ý thực hiện.

Khi đi qua đình Trường Lâm những ngày gần đây, không ai không cảm thấy "tức mắt" trước hệ thống khung sắt thép đang che kín toàn bộ sân đình, lấn át sự cổ kính của ngôi đình. Nhìn xa thấy sắt thép lổng chổng không khác gì hệ thống giàn giáo của một công trình xây dựng. Đáng nói là hệ thống sắt thép này được dựng trong khu vực bảo vệ cấp I của di tích.
Đình Trường Lâm là một di tích quan trọng trên địa bàn quận Long Biên.
Đình Trường Lâm bị ''sắt thép hóa'', phá hỏng cảnh quan di tích. Ảnh: Hà Văn An
Theo các nhà khoa học, các hạng mục ngôi đình được xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau. Trong đó, tòa đại đình được xây dựng khoảng giữa thế kỷ XIX. Một số hạng mục khác được hoàn thiện vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ngôi đình thờ tam vị Thành hoàng. Tây trấn Thượng đẳng thần Linh Lang đại vương, theo truyền thuyết là hóa thân của một vị hoàng tử triều Lý được thờ chính. Với những giá trị kiến trúc, nghệ thuật được khẳng định, đình Trường Lâm đã được Bộ VHTT&DL cấp bằng Di tích quốc gia từ đầu những năm 1990. Dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngôi đình được UBND quận Long Biên đầu tư tu bổ lớn, các hạng mục cổ được bảo tồn, hệ thống sân, ao đình được tôn tạo khang trang, tạo không gian văn hóa sạch đẹp cho cộng đồng.

Đình Trường Lâm vốn thuộc làng Trường Lâm, nay là các tổ dân phố 2, 3, 11. Người dân các tổ dân phố này hết sức bức xúc vì bỗng nhiên tòa đình cổ được người dân bao năm gìn giữ bỗng bị "sắt thép hóa". Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Ban Quản lý Di tích tự ý thuê người xây dựng những kết cấu này, để sau đó hoàn thiện bằng cách làm thêm mái che, tổng kinh phí hiện lên tới khoảng 100 triệu đồng.

Khảo sát thực tế cho thấy, các cột trụ chính được làm bằng thép có đường kính 10cm. Chân cột đều được đào lên, gia cố chắc chắn bằng bêtông. Điều đó cho thấy công trình này được xây dựng hết sức kiên cố. Các cấu kiện sắt được hàn chắc chắn theo hình vòm. Nhiều thanh sắt thép đâm thẳng vào gian giữa ngôi đình - điều tối kỵ đối với các di tích tâm linh. Nếu sau này mái che được phủ lên, thì nhìn xa, ngôi đình sẽ không khác gì một xưởng cơ khí, khi mái đình bị che khuất. Sở VH&TT Hà Nội cũng như người dân trong khu vực đều không được thông báo về việc sắt thép hóa ngôi đình này.

Trả lời phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, sáng 11/3, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết, theo đúng quy định, mọi công tác tu bổ sửa chữa của ngôi đình đã được xếp hạng cấp quốc gia phải làm hồ sơ xin ý kiến các cấp (phòng VH&TT quận, huyện gửi lên Sở VH&TT, trình Bộ VHTT&DL xem xét – phóng viên). Khi phương án tu bổ được phê duyệt mới được tiến hành tu bổ, sửa chữa. Trong trường hợp đình Trường Lâm (Bong Biên), Sở VH&TT Hà Nội chưa nhận được văn bản xin ý kiến về việc làm khung nhôm, sắt trong khu vực I di tích. Sau khi nhận được thông tin này, Sở VH&TT Hà Nội sẽ cho cán bộ đi kiểm tra, nếu đúng như thông tin phản ánh, ông Tiến đề nghị chính quyền địa phương yêu cầu Ban quản lý di tích dừng ngay việc xây dựng công trình vi phạm này.

Trước thực tế, hiện nay, rất nhiều di tích để tiện cho sinh hoạt tế lễ, hội hè đã làm khung sắt kiên cố, bao trọn phần sân trước của di tích, ông Trương Minh Tiến cho rằng, hành động này đã làm phá hỏng, che lấp kiến trúc cảnh quan của di sản. Việc làm hệ thống mái che "khủng" tại đình Trường Lâm vẫn chưa hoàn thành. Bởi vậy, rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ những sai phạm, kịp thời ngăn chặn việc tự ý xây dựng các hạng mục, phá hoại cảnh quan di tích.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần