“Giang hồ mạng” và sự lụi tàn

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những đoạn video văng tục, chửi bới, diễn cách hành xử kiểu giang hồ ngày càng thu hút nhiều người xem, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều hệ lụy đáng ngại có thể xảy ra từ thực trạng này. Rất nhiều người hy vọng đây chỉ là một trào lưu rồi sẽ lụi tàn.

 Ảnh minh họa
Với kịch bản chung là ngồi livestream cởi trần khoe rồng phượng xăm kín mình, thậm chí là cả chửi bậy, lớn tiếng thách thức “anh em giang hồ”, Khá "Bảnh", “thánh chửi” Dương Minh Tuyền hay Dũng “trọc” được nhiều người biết đến với tài khoản hàng chục nghìn người theo dõi. Nhưng những “dân chơi” nổi tiếng trên mạng đều có một đặc điểm chung là đều đã vướng vào vòng lao lý. Dù có nhiều “thành tích bất hảo” trong quá khứ cũng như lối sống chơi trội, để lại nhiều tai tiếng thế nhưng một bộ phận giới trẻ lại xem thanh niên này như “thần tượng”, hình ảnh Khá "Bảnh", Dương Minh Tuyền, hay Dũng “trọc” được nhiều học sinh vây quanh đón tiếp trong mấy ngày qua cũng đã khiến nhiều người... khó hiểu.
Nhiều chuyên gia cho rằng: Khi nhiều bạn trẻ thích những thứ đi ngược lại với giá trị đạo đức thông thường thì người lớn phải đặt câu hỏi tại sao? Người trẻ cũng như người trưởng thành, khi không còn tin vào những giá trị vốn được coi là chuẩn mực thì họ sẽ tìm đến những giá trị đối lập. Đó là phản ứng tự nhiên của con người, không đi đường này thì đi đường khác. Và đó cũng là vấn đề đáng quan ngại trong xã hội. Vì vậy, điều quan trọng là phải tạo ra một môi trường sống lành mạnh, người lớn phải là tấm gương cho trẻ, khi đó trẻ sẽ tự cảm nhận và biết lựa chọn nào là tốt cho bản thân mình.
Rất khó để tìm được một người trẻ muốn “giang hồ” như Khá "Bảnh". Bởi lẽ hình ảnh của Khá "Bảnh" chỉ thỏa mãn sự tò mò và niềm vui khi dạo mạng thôi, rất khó để ai đó học theo. Nhiều người tin rằng, thế hệ 9x, 2k là những thế hệ có sức "đề kháng" cao vì các em được trang bị một nền tảng giáo dục, kiến thức bài bản hơn những thế hệ trước. Điều mà phụ huynh, người lớn lo lắng ở đây là các em có thể bắt chước Khá "Bảnh" hớt tóc kiểu bờm ngựa dị hợm, xăm mình, mặc đồ lòe loẹt mà thôi. Ông bà, cha mẹ và thầy cô phải là người định hướng, giáo dục các em về việc này.
“Giang hồ trên mạng” cũng giống rất nhiều trào lưu mạng khác đã từng bùng lên rồi lụi tàn. Những hiện tượng nhất thời rồi cũng sẽ qua, khó có biện pháp nào của cơ quan quản lý có thể ngăn ngừa được tất cả các hiện tượng. Điều quan trọng để tránh những hệ lụy cho giới trẻ là việc giáo dục của gia đình và nhà trường phải tạo ra những biện pháp có thể đề kháng với tất cả các hiện tượng trên, thế mới tránh được những hành vi ứng xử “lệch chuẩn” văn hóa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần