Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảng viên bắt tay giám đốc doanh nghiệp để lừa đảo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai bị cáo Bùi Vinh Quang và Triệu Thị Trần Băng tại phiên tòa. Ảnh: Thiên Bình

Mặc dù có một công việc ổn định nhưng Triệu Thị Trần Băng (48 tuổi, HKTT tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) - nguyên là giảng viên trường Cao đẳng Y tế Hà Nội vẫn “bắt tay” với Bùi Vinh Quang (39 tuổi, HKTT tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa) - Giám đốc Công ty CP Tư vấn quốc gia Việt Nam (Công ty Tư vấn quốc gia) trong việc “chạy việc, chạy trường” để chiếm đoạt số tiền lên đến cả chục tỷ đồng. 

Ra giá cho... lời hứa

Mới đây, khi TAND TP Hà Nội đưa vụ việc Triệu Thị Trần Băng và Bùi Vinh Quang ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của dư luận, bởi tính chất phạm tội cũng như số lượng bị hại trong vụ án này rất lớn. 

Theo cáo trạng truy tố, Công ty Tư vấn quốc gia của Quang không có chức năng nhiệm vụ xin học, xin phúc tra điểm và xin việc làm. Nhưng với ý đồ “kiếm tiền bất chính”, Quang đã giới thiệu với Băng rằng mình làm DN nên có nhiều quan hệ với lãnh đạo các ban, ngành của T.Ư, Bộ Công an…, vì vậy có thể xin cho nhiều người vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước, ngân hàng, bệnh viện; xin học, xin chuyển trường, xin phúc khảo điểm cho các thí sinh bị thiếu điểm được vào học tại các trường đại học, cao đẳng, học viện và trung cấp. Tùy theo từng trường hợp mà Quang sẽ đưa ra các mức giá khác nhau, dao động từ 10 - 420 triệu đồng.
Hai bị cáo Bùi Vinh Quang và Triệu Thị Trần Băng tại phiên tòa. 	Ảnh: Thiên Bình
Kinhtedothi - Hai bị cáo Bùi Vinh Quang và Triệu Thị Trần Băng tại phiên tòa. Ảnh: Thiên Bình
Bị “u mê” bởi những lời giới thiệu đó, Băng tưởng thật nên đã liên kết với Quang để nhận hồ sơ xin việc, xin học cho những người có nhu cầu nhằm hưởng chênh lệch. Tuy nhiên, sau một thời gian cộng tác, phát hiện Quang khó có thể thực hiện được như đã giới thiệu, nhưng vì “lòng tham” nên Băng vẫn nhận hồ sơ và tiền của rất nhiều trường hợp có nhu cầu. Theo đó, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn (từ tháng 6 – 11/2012), Băng đã hứa hẹn sẽ xin được việc làm, được vào học, được phúc tra điểm rồi nhận tiền của 126 người trên địa bàn 16 tỉnh, TP trên cả nước. Khi nhận tiền của các bị hại, tùy vào từng trường hợp, Băng sẽ tự nâng chi phí lên cao hơn so với yêu cầu của Quang từ 5 – 120 triệu đồng. Cụ thể, với trường hợp xin vào làm việc ở ngân hàng, Băng yêu cầu nộp 200 triệu đồng, rồi trả cho Quang 100 triệu đồng. Trường hợp phúc tra điểm thi đại học, cao đẳng, Băng thu từ 50 - 100 triệu đồng.

Sau khi nhận hồ sơ xin việc, xin học và tiền từ Băng giao, Quang đã không thực hiện bất cứ công việc nào như đã hứa mà chiếm đoạt toàn bộ. Đồng thời, thông qua đầu mối là Đàm Thị Thu (công tác tại một học viện ở Hà Nội - PV), Băng còn lừa đảo chiếm đoạt tiền của các bị hại có nhu cầu xin việc, xin phúc tra điểm và vào học tại các trường đại học, trung cấp của lực lượng vũ trang với chi phí từ 200 - 290 triệu đồng.

Cáo trạng truy tố cũng thể hiện, ngoài hành vi “bắt tay” với Băng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người xin học, xin việc, Quang còn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 4 bị hại khác với số tiền 370 triệu đồng. Cụ thể, ngày 17/8/2012, bà N.T.B (SN 1958, ở huyện Thanh Trì) nhờ Quang xin cho con trai là anh H. bị Công an huyện Thanh Trì bắt về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Quang hứa hẹn sẽ xin cho anh C. được hưởng mức án tù treo 1 năm, với chi phí 195 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Quang đã không thực hiện lời hứa mà sử dụng tiền đó để chi tiêu cá nhân.

Tiếp đó, tháng 4/2013, ông P.A.H (SN 1945, ở quận Hai Bà Trưng) nhờ Quang tư vấn làm thủ tục sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho con trai của ông. Trong phi vụ này, Quang hứa hẹn thực hiện với chi phí 60 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng giống như những lần trước, sau khi nhận tiền, Quang đã không thực hiện như cam kết. Ngoài ra, ông H. còn tố giác, vào tháng 5/2012, Quang còn vay của ông 950 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán.

Với thủ đoạn tương tự, Quang còn chiếm đoạt của 2 bị hại khác số tiền 115 triệu đồng. Trong đó, ông V.T.Đ (SN 1952, ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) là 30 triệu đồng và anh Đ.V.C (ở xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất) là 85 triệu đồng. 

Ngoài ra, trong quá trình điều tra còn xác định, có nhiều cá nhân khác tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của 2 bị cáo Băng và Quang. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định đây là quan hệ dân sự nên không đề cập giải quyết trong vụ án này, mà yêu cầu các bị hại nộp đơn đến tòa dân sự để giải quyết trong một vụ án khác.

Còn đối với Đàm Thị Thu, được xác định có hành vi nhận số tiền nhiều tỷ đồng của các bị hại để xin học, xin việc nhưng số tiền này đã giao hết cho Băng. Đến nay, cơ quan điều tra không nhận được đơn tố giác Thu còn chiếm đoạt tiền nên đã không đề nghị xử lý hình sự, mà ra quyết định xử phạt hành chính. Tuy nhiên, do đã hết thời hiệu xử phạt hành chính nên Cơ quan CSĐT đã có công văn gửi tới học viện nơi Thu đang công tác để đề nghị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Chiếm đoạt hơn 12 tỷ đồng của 82 bị hại

Tại phiên tòa, bị cáo Băng khai nhận, khoảng giữa năm 2012, thông qua một người giới thiệu, bà Đoàn Thị Thẩm (HKTT ở TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) gặp Băng nhờ xin việc làm cho con gái tại một ngân hàng và phúc tra lại điểm thi cho 2 trường hợp tại Đại học Luật Hà Nội.

Sau khi có “mối làm ăn”, Băng đã trao đổi với Quang và được thông báo chi phí “cảm ơn” chạy việc là 100 triệu đồng, còn chi phí phúc tra điểm thi là 35 triệu đồng/suất. Tuy nhiên, khi thông tin cho bà Thẩm thì giá xin việc được Băng “thổi” lên gấp đôi là 200 triệu đồng, chi phí phúc tra điểm thi lần lượt là 50 triệu và 60 triệu đồng. Nhận tiền của bà Thẩm xong, Băng chuyển lại cho Quang một nửa, số còn lại thì đút túi và sau đó không hề có bất kỳ động thái gì để thực hiện “giao dịch” trên.

Tương tự, tháng 5/2012, ông Lại Văn Tất (ở Phủ Lý, Hà Nam) được người quen giới thiệu gặp Băng nhờ xin việc cho con trai vào một bệnh viện và đã đưa cho Băng 200 triệu đồng. Sau đó, Băng đã chuyển cho Quang 3/4 số tiền trên để “chạy việc”. Tuy nhiên, do sự việc không thành, Băng buộc phải trả lại cho ông Tất một nửa số tiền đã lừa đảo. Ngoài các bị hại này, từ tháng 5 – 11/2012, Băng còn nhận tiền và hồ sơ của 78 trường hợp với những lời cam kết sẽ xin được cho con, em họ đi làm ở nhiều cơ quan Nhà nước và vào học ở những trường thuộc lực lượng vũ trang với chi phí từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, tất cả 82 trường hợp mà Băng nhận tiền đều không thành công. Với việc làm này, Băng đã chiếm đoạt của các bị hại tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng (trong đó, Băng chuyển cho Quang một nửa). Quá trình điều tra, Băng mới khắc phục được hơn 3,5 tỷ đồng. Còn Quang, do đã sử dụng toàn bộ hơn 6 tỷ đồng vào làm ăn và thua lỗ hết nên không còn khả năng khắc phục hậu quả.

Trong suốt 3 ngày diễn ra phiên tòa, HĐXX TAND TP Hà Nội đã làm rõ, thực chất Băng và Quang không có khả năng xin việc làm, xin học hoặc thay đổi lại điểm thi đại học và cũng không có mối quan hệ với một số cán bộ cấp cao như đã khoe khoang. Tuy nhiên, các đối tượng này vẫn hết lời “ba hoa” để lừa đảo nhiều người với số tiền bị chiếm đoạt lên đến cả chục tỷ đồng.

Theo nhận định của HĐXX, hành vi nêu trên của bị cáo Băng và Quang được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, căn cứ vào lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra cũng như kết quả tranh tụng tại phiên tòa và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX sơ thẩm đã quyết định tuyên phạt bị cáo Triệu Thị Trần Băng 20 năm tù và bị cáo Bùi Vinh Quang 16 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.