Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giao dịch đột phá ở sàn chứng khoán Hà Nội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong ngày HNX đưa 4 cổ phiếu ngành chứng khoán vào diện cảnh báo vì lợi nhuận âm, giao dịch tại sàn Hà Nội ghi nhận mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay, với 63,35 triệu chứng khoán.

KTĐT - Trong ngày HNX đưa 4 cổ phiếu ngành chứng khoán vào diện cảnh báo vì lợi nhuận âm, giao dịch tại sàn Hà Nội ghi nhận mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay, với 63,35 triệu chứng khoán.

Mới hồi phục nhẹ phiên trước, HNX-Index sáng nay giảm 1,13 điểm, xuống 91,94 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản ghi nhận sự bứt phá lớn, khi tổng khối lượng giao dịch 63,35 triệu, trị giá 854,49 tỷ đồng, mức kỷ lục kể từ đầu năm đến nay. Gần 10 cổ phiếu có khối lượng giao dịch hơn một triệu, trong đó dẫn đầu là KLS (4,19 triệu), VND và BVS cùng có trên 2 triệu cổ phiếu chuyển nhượng.

4 cổ phiếu ngành chứng khoán niêm yết ở sàn Hà Nội sau khi bị đưa vào diện cảnh báo vì lợi nhuận âm đã giảm điểm ngay lập tức. Trong đó, BVS, SVS, KLS giảm sàn, riêng HPC mất 0,3 điểm. Tuy vậy, giao dịch ở BVS và KLS vẫn sôi động, khi có nhiều lệnh mua bán được đưa vào. Dư mua giá sàn trên 90 nghìn của BVS nhanh chóng bị vét sạch. Các cổ phiếu chứng khoán khác như: SME, SSI, SBS, VND cũng hòa chung xu hướng đi xuống, sau khi mất 0,2-0,8 điểm, còn WSS giảm hết biên độ.

Theo Trưởng phòng phân tích một công ty chứng khoán ở TP HCM, giao dịch đột biến ở sàn Hà Nội sáng nay do 2 nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất, HNX-Index xuống dưới 92 điểm và một số nhà đầu tư chờ gom vào ở vùng giá này đã đẩy mạnh giải ngân. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu ở HNX lùi về vùng giá mà tại đó thị trường từng chứng kiến sự trỗi dậy của giá cổ phiếu. Chính vì vậy, lực mua "canh me" từ nhiều ngày qua tranh nhau gom vào trong phiên sáng nay.

Thứ 2, hiện có nhiều nhà đầu tư lướt sóng hàng sẵn có. Khi giá cổ phiếu đi xuống, họ lao vào bắt đáy và bán ra ngay lúc thị trường khởi sắc nhẹ, chứ không phải đợi tới T+4. Theo ông, tình hình hiện tại chưa có gì đảm bảo thị trường sẽ tăng trưởng bền vững, nên không mấy nhà đầu tư ngồi chờ cổ phiếu về tới tài khoản mới bán ra, lúc đó giá có thể đã giảm mạnh. Sáng nay, cũng có trường hợp nhà đầu tư mượn hàng bán đầu phiên, cuối phiên thị trường giảm mua trả lại, vẫn hưởng được mức chênh lệch vài %... Chính những điều này giúp không khí mua bán ở sàn Hà Nội sôi động hơn thường lệ.

Trong khi đó, không khí mua bán tại HOSE có phần yên ắng hơn, ngoại trừ giao dịch thỏa thuận.

Tới lúc đóng cửa, sàn TP HCM có 36,12 triệu chứng khoán chuyển nhượng, trị giá 894,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đã chiếm 20%, tương đương 8,18 triệu, giá trị 296 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng PGD (Công ty CP Phân phối khí áp thấp dầu) giao dịch tới 6.187.500 cổ phiếu. Đây là hoạt động cơ cấu lại danh mục đầu tư của Công ty CP Kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc (PVG). Như vậy, hôm nay PVG bán toàn bộ lượng cổ phiếu PGD đã sở hữu trước đó.

Giao dịch của nhà đầu tư sáng nay tại HOSE trong trạng thái thận trọng. Lực cầu tập trung chủ yếu ở vùng giá thấp. Bên bán không đẩy mạnh cắt lỗ và có xu hướng đầu tư dài hạn do giá cổ phiếu hiện được cho ở mức hấp dẫn, thích hợp làm của để dành.

Thị trường thiếu thông điệp hỗ trợ, nên giao dịch lình xình kéo dài không dứt. Vn-Index sau khi được cộng 1,16 điểm ở đợt đầu đã nhanh chóng quay đầu và không có cơ hội đảo chiều cho đến lúc đóng cửa. Chỉ số sàn TP HCM vơi 1,64 điểm, chốt tại 457,88 điểm.

Không có sự tương quan khá đồng đều như hôm qua, số mã tăng giảm sáng nay có sự chênh lệch hẳn. Tại HOSE, có 61 mã tăng, trong khi cổ phiếu mất điểm trên 160. Một số blue-chip khởi sắc, nhưng mức tăng khá nhẹ nhàng (0,1-3 điểm): DPM, KDC, PVD, SJS, STB, VIC, VPL, nên chưa đủ sức giúp Vn-Index đảo chiều.

UPCoM-Index sau buổi sáng đạt 37,49 điểm, giảm 0,43 điểm, giao dịch 199.700 cổ phiếu, tương đương 1,8 tỷ đồng.