Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giáo dục đại học năm 2013: Giảm tối đa xin – cho

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đào tạo theo hình thức tín chỉ, quy định đào tạo liên thông, mở ngành… là những nét mới trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2013, đồng thời là những vấn đề nóng được các đại biểu đề cập tại Hội nghị giáo dục ĐH 2013 và Hội nghị thi và tuyển sinh 2013 diễn ra ngày 22/1. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 6 điểm cầu trên cả nước.

“Nóng” đào tạo tín chỉ

Hiện tại, mới có khoảng 20% các trường thực hiện đào tạo theo tín chỉ, dù đây là điều kiện cần thiết để nâng chất lượng đào tạo. Vụ trưởng Vụ GD&ĐT Bùi Anh Tuấn cho biết: Việc chuyển đổi cơ học đơn vị đo khối lượng học tập và chương trình đào tạo từ liên thông sang hệ thống tín chỉ chỉ ở hình thức, không thay đổi nhiều về nội dung chương trình. Hệ thống đào tạo theo tín chỉ chưa đáp ứng yêu cầu; các trường thiếu giảng viên trợ giảng; cơ sở vật chất chưa đầy đủ...

Giáo dục đại học năm 2013: Giảm tối đa xin – cho - Ảnh 1

Một giờ trên giảng đường của sinh viên trường Đại học Công đoàn, Hà Nội. Ảnh: Bảo Đức

Theo GS Nguyễn Hữu Dư, Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, đào tạo tín chỉ những năm qua không hiệu quả, chỉ là hình thức cắt giảm giờ dạy: "Chúng ta gặp phải mâu thuẫn đầu vào, linh hoạt trong đào tạo không đi đôi với nhau. Các nước trên thế giới đào tạo đại cương, sau đó mới đào tạo chuyên ngành, trong khi chúng ta đào tạo chuyên ngành ngay". Đồng quan điểm này, bà Đoàn Thị Thu Giang, Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương cho rằng, khó khăn nhất trong triển khai đào tạo hệ thống tín chỉ là đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên. Bà Giang đề nghị Bộ GD&ĐH mở rộng khuôn viên cho các trường để việc đào tạo tín chỉ khả quan hơn.

Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013 vẫn giữ ổn định như năm trước, song, Bộ khuyến khích các trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành xã hội có nhu cầu cao về nhân lực thuộc nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, nông - lâm - thủy sản, y dược, nghệ thuật. Chỉ tiêu liên thông ĐH chính quy chiếm không quá 20% tổng chỉ tiêu, chỉ tiêu vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng hai tối đa bằng khoảng 50% so với chỉ tiêu chính quy.

Trong khi đó, ông Lê Văn Một, Hiệu trưởng ĐH Thăng Long khẳng định, muốn đào tạo được tín chỉ, điều quan trọng nhất là phần mềm đào tạo và yêu cầu thiết kế các chương trình cũng phải mềm dẻo cho các khối. Do vậy, Bộ cần thiết kế phần mềm dùng chung, trong đó có mô-đun mở để các trường tùy theo điều kiện ứng dụng cho phù hợp. Lãnh đạo nhiều trường đề nghị, Bộ nên tổ chức tổng kết, đánh giá thực hiện đào tạo tín chỉ, tập huấn và hướng dẫn thực hiện.

Bức xúc chuyện mở ngành

Tại hội nghị, lãnh đạo các trường bày tỏ nỗi băn khoăn trước các quy định thực hiện Luật Giáo dục ĐH, đặc biệt là việc mở ngành đào tạo. Ông Vũ Viết Bình, Phó trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội đề nghị Bộ GD&ĐT cần xem xét lại cách tiếp cận để tạo ra tính tự chủ của các cơ sở giáo dục: "Chúng ta tổ chức đào tạo xuất phát từ nhu cầu xã hội, từ đó mới xuất hiện một ngành đào tạo mới, trên cơ sở đó chúng ta mới xây dựng chương trình đào tạo cho ngành đó. Đại diện Học viện Phòng không Không quân kiến nghị Bộ khi duyệt mở ngành cho các trường nên phê duyệt luôn mã ngành. Còn tại đầu cầu Nghệ An, nhiều ý kiến cho rằng, việc mở ngành do trường khác thẩm định rất tốn kém, nên chăng Bộ cho phép các trường mời chuyên gia ngoài trường thẩm định.

Liên quan đến việc thẩm định mở ngành, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: Tới đây, Bộ sẽ giao cho hội đồng giáo sư ngành thực hiện. Bộ nắm việc mở ngành mới vì các trường chưa làm chủ thực sự, và Bộ còn có trách nhiệm trong việc cân đối lao động của Nhà nước. Về đào tạo theo hình thức tín chỉ, quan điểm của Bộ là khuyến khích các trường khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để triển khai một cách thực chất. "Trong năm 2013, Bộ giảm việc xin - cho, chuyển từ xin - cho sang tạo điều kiện để các trường phát triển lành mạnh" - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết.

Nên quy định điểm sàn theo khu vực

Tại Hội nghị thi và tuyển sinh năm 2013 (chiều 22/1), Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Ngô Kim Khôi cho biết, Bộ sẽ bổ sung Ban chấm thanh tra trực thuộc Hội đồng tuyển sinh trường. Ban thanh tra có nhiệm vụ chấm thanh tra ít nhất 10% số bài thi của mỗi môn tự luận. Đồng thời, bổ sung đối tượng dự thi tuyển sinh liên thông; Phê duyệt Đề án tuyển sinh riêng thí điểm cho 10 trường thuộc khối văn hóa; Tuyển thẳng vào ĐH, CĐ những HS tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế, HS đoạt giải Hội thi sáng tạo khoa học quốc tế đã tốt nghiệp trung học. Năm nay, HS là người dân tộc thiểu số, HS có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tại các huyện nghèo theo quy định và HS 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ được ưu tiên xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn với kết quả thi thấp hơn điểm sàn 1,0 điểm và phải học dự bị 6 tháng.

Rất nhiều đại biểu đều đề nghị không cho thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi vì các trường không có khả năng thẩm định chức năng của các thiết bị này. Ngoài ra, các trường cho rằng, Bộ áp dụng điểm sàn chung cho các trường là chưa hợp lý, mà nên quy định điểm sàn theo khu vực, điểm xét tuyển đợt sau phải ngang bằng hoặc cao hơn đợt trước. Có ý kiến còn đề nghị tăng mức phí tuyển sinh do tình hình trượt giá…

"Mùa tuyển sinh 2013 vẫn cho phép mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi để phát hiện những tiêu cực. Tất cả các trường đều có quyền tự chủ tuyển sinh, Bộ không làm việc tháo khoán. Các trường lập phương án với đầy đủ các điều kiện triển khai đảm bảo thì Bộ sẽ duyệt",

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận