Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giáo dục đang chuyển động đúng hướng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một năm thực hiện đổi mới giáo dục mới là câu chuyện bắt đầu, nhưng đã có những lay động và tạo ra chuyển động khá rộng trong các cơ sở và ngành liên quan. Đó là dấu hiệu tốt để chúng ta tin vào sự thành công.

Giáo dục đang chuyển động đúng hướng - Ảnh 1

TS Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên T.Ư Đảng – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư
Tác động trực tiếp

Sự chuyển biến lớn nhất trong một năm qua là nhận thức lại rõ mục tiêu của giáo dục. Bây giờ mục tiêu của giáo dục là nhân cách, năng lực chứ không phải kiến thức sách vở. Chuyển biến này bắt đầu tác động trực tiếp vào cách dạy và cách học. Tất cả các loại trường đều có thể bắt đầu đổi mới mà không phải đợi hiệu lệnh chung.

Thay đổi cách thi, kiểm tra, đánh giá để có tác động trở lại đối với thay đổi cách dạy, cách học là lựa chọn đúng. Bởi lâu nay, học để đi thi đã trở thành nếp, giáo dục nặng về ứng thí, mục đích học chỉ để thi, thay vì thi để giúp cho việc học được tốt hơn. Với sức ép của thi cử như vậy nên việc thay đổi cách thi sẽ thay đổi cách dạy và học.

Trong thi cử, đã có chủ trương ra đề thi để kiểm tra năng lực. Đương nhiên trong đó có cả kiến thức, nhưng lúc này kiến thức đã được chuyển hóa biến thành năng lực, chứ không chỉ là nhớ. Thi để kiểm tra cái gì, cách ra đề thế nào đã được chuyển theo hướng đúng. Còn việc tổ chức thi cụ thể lại là câu chuyện dài, cả quá trình phải liên tục hoàn thiện.

Với tinh thần đổi mới giáo dục theo hướng này, năm 2015 tiếp tục hoàn chỉnh chương trình giáo dục phổ thông để từ đó là căn cứ biên soạn sách giáo khoa. Chương trình trước đây được xây dựng theo cách tiếp cận nội dung này hướng đến phát triển năng lực của người học, trong đó nêu được yêu cầu đầu ra của từng lớp học, cấp học. Nội dung tuy được trình bày trong chương trình, nhưng chỉ là  kiến thức cơ bản nhất, cốt lõi nhất, chứ không phải toàn bộ. Trong chương trình mới chủ yếu là cách tiếp cận, cách học, cách dạy, cách tự học, cách phân tích và giải quyết vấn đề, cách cập nhật kiến thức và tổ chức hoạt động học tập đạt hiệu quả.

Hoạt động tự học giữ vai trò vô cùng quan trọng. Nghiên cứu cho thấy, nếu nghe giảng theo cách truyền đạt áp đặt một chiều thì người học tiếp thu khoảng vài chục phần trăm, khi tự học tiếp thu được trên 50%, còn thông qua công việc hay hoạt động thực tế thì lên tới 80 - 90%. Trong hoạt động học tập cũng có sự tương tác giữa thầy và trò, giữa học sinh và học sinh với nhau. Người thầy trở thành bạn đồng hành của học trò trong quá trình đi tìm chân lý. Thầy và trò cùng thảo luận, trao đổi bình đẳng để tìm ra kết quả cuối cùng. Không những thế, mỗi học sinh có kiến thức khác nhau, có cách tiếp cận và cách nhìn nhận vấn đề không giống nhau, cùng ngồi trao đổi để tìm ra chân lý. Cách tiếp cận vấn đề như thế sẽ giúp học sinh nhớ và tiếp thu bài nhiều hơn, sâu hơn. Việc tổ chức các hoạt động học tập, ví dụ, như đi tham quan bảo tàng lịch sử cũng giúp các em có thêm kiến thức, năng lực tư duy về lịch sử, từ đó tăng tình yêu quê hương đất nước và ham thích học môn Lịch sử.

Để có người thầy đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục, cách đào tạo giáo viên cũng phải thay đổi căn bản. Các trường sư phạm phải tạo ra được những người thầy có khả năng dạy theo hướng phát triển năng lực của người học, thay vì truyền thụ kiến thức. Tất nhiên, có truyền thụ nhưng là cách để phục vụ phát triển năng lực. Điều quan trọng hơn nữa là người giáo viên phải biết tự đào tạo mình. Tất nhiên cần có ông thầy giáo giỏi đứng lớp bồi dưỡng và các học viên cùng trao đổi, thảo luận để rút ra cách dạy hiệu quả nhất. Bộ GD&ĐT, trường đại học cũng mở các lớp và chương trình bồi dưỡng giáo viên. Và, một điều người thầy không thể bỏ qua đó là chăm hỏi ý kiến học trò dạy thế nào để các em dễ hiểu và thích học hơn. 

Đảm bảo liên thông giữa các trình độ

Đổi mới đối với với bậc giáo dục đại học, cần đề ra cơ chế giải quyết sự bình đẳng giữa hai khối công và ngoài công lập để có sự phát triển song song. Kể cả bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực.  Ví dụ: Khi trường công được vay vốn thì trường tư cũng được ưu tiên. Trường công và tư cũng đều phải thu học phí để đầu tư cho hoạt động đào tạo. Không còn trường nào được Nhà nước cấp phát kinh phí hoạt động thường xuyên nữa. Chỉ có chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì còn lâu dài. Các đối tượng sinh viên là con gia đình nghèo, học giỏi, gia đình chính sách sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền học chuyển trực tiếp về trường các em học. Hay, trước đây các trường công không tính khấu hao cơ sở vật chất phục vụ đào tạo nay cũng phải làm việc đó. Tiền khấu hao được nộp về Quỹ phát triển giáo dục của Quốc gia.

Đào tạo giáo dục đại học cũng phải theo hướng phát triển năng lực để người học có cách tiếp cận và giải quyết vấn đề. Phải tổ chức tốt hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục, kể cả trực thuộc Nhà nước hay của các hiệp hội để kiểm định chương trình, đầu ra, từ đó giải quyết bài toán chất lượng. Giáo dục đại học có cơ chế thoáng đầu vào thì càng phải chặt chẽ đầu ra. Vấn đề trường vì lợi nhuận và trường phi lợi nhuận cũng phải được làm rõ.

 
Học sinh trường THCS Nghĩa Tân trong giờ thực hành Hóa học. Ảnh: Công Hùng
Học sinh trường THCS Nghĩa Tân trong giờ thực hành Hóa học. Ảnh: Công Hùng
Một vấn đề nữa trong đào tạo đại học là phải tạo ra sự tiếp cận liên tục giữa nhà trường với đơn vị sử dụng lao động. Cơ sở đào tạo lắng nghe ý kiến đóng góp hoặc trực tiếp hỏi nơi sử dụng lao động cần nguồn nhân lực ra sao, có yêu cầu gì để đáp ứng. Nhà trường cũng có thể mời các chuyên gia, kỹ sư từ cơ sở sản xuất đến trường chia sẻ và cung cấp cho sinh viên thông tin ngành nghề. Tốt nhất là nên có những cơ sở đào tạo của DN, để đầu tiên cung cấp nhân lực cho đơn vị chủ quản, sau đó đào tạo nhiều hơn để cung ứng cho xã hội thì rất hiệu quả. Đối với quản lý vĩ mô, cần có thông tin dự báo thị trường lao động trong nước những năm tới thiếu bao nhiêu và ở những ngành nào.

Một việc nữa rất quan trọng là nghiên cứu thiết kế, điều chỉnh và hoàn thiện hệ thống giáo dục. Xử lý cho được vấn đề liên thông giữa các khu vực, cấp học, ngành học và các trình độ đào tạo nhằm tạo thuận lợi cho người học và có cơ hội được học tập suốt đời. Lâu nay, hệ thống giáo dục như ngôi nhà nhiều tầng, chúng ta ở phòng phía đông muốn sang phòng phía tây, hay đang ở tầng hai muốn lên lầu ba thì phải xuống đất rồi mới đi lên. Khắc phục tình trạng này, phải xử lý được vấn đề liên thông. Để rồi, ai học phổ thông đến đoạn nào đó có thể học tiếp trung cấp, cao đẳng; học đến lớp nào đó thì vào đại học hoặc đi làm vài ba năm rồi sau đó muốn học tiếp ngành nghề nào thì vẫn có sự thuận tiện chứ không phải học lại từ đầu. Một lưu ý là liên thông cũng phải giải quyết đoạn cuối của bậc phổ thông khớp nối với cao đẳng và đại học sau này.

Đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo không thể thiếu vai trò của công nghệ thông tin. Bây giờ người thầy đi phát triển năng lực của người học, công nghệ thông tin nhận lãnh phần lớn việc cung cấp kiến thức. Người thầy sẽ chỉ cho học trò vào các trang mạng để đọc tài liệu và tìm kiếm thông tin. Khi có thông tin nhiều chiều, người học sẽ được kích thích phát triển tư duy. Công nghệ thông tin cũng tham gia vào công việc quản lý, tạo ra những thiết bị dạy và học, trong đó có sách giáo khoa điện tử, một thiết bị nhỏ vẫn có thể thay thế cho ngàn quyển sách. Đặc biệt là cung cấp tài liệu học và sách giáo khoa một cách cập nhật kiến thức nhanh nhất mà sách in không làm được.

Đổi mới giáo dục theo hướng truyền thụ qua phát triển năng lực và xây dựng nền giáo dục mở là phù hợp với thực tế khách quan. Nếu chúng ta làm tốt, chỉ khoảng 5 năm sẽ nhìn thấy rõ sự thay đổi; còn không thì lâu dần sẽ ỳ ra, không đổi mới được sẽ bị chậm dây chuyền, ảnh hưởng đến các thế hệ sau. Cho nên phải làm cho đúng, tích cực để có sự đổi nhanh nhất.