Giáo dục di sản: Dấu hỏi về sự hấp dẫn

Hoàng Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây nhiều di tích ở Hà Nội mở những khóa học mang tính trải nghiệm theo chủ đề, hướng dẫn học sinh hiểu về lịch sử và văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều chương trình thành công, cũng có chương trình chưa đủ sức hút thiếu nhi.

 Chương trình “Em làm nhà khảo cổ” tại Trung tâm Di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Ảnh: Hoàng Vũ
Chương trình chỉ dành cho thiếu nhi
Theo khảo sát của các trung tâm điều tra xã hội học, 90% du khách tham quan các di tích của Hà Nội (Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, nhà tù Hỏa Lò…) đều từ 18 tuổi trở lên, phần lớn là trên 30 tuổi; trong đó hơn 50% là khách nước ngoài. Chính vì vậy, thời gian gần đây các ban quản lý di tích quan tâm nhiều đến các hoạt động trải nghiệm, giáo dục di sản nhằm tạo sức hút cho du khách là thiếu nhi.

Lần đầu tiên, bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè 2018, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám dành cả không gian Hồ Văn để tổ chức các hoạt động di sản "Sĩ tử nhí" cho thiếu nhi. Không giống các trại hè hoặc trung tâm vui chơi khác, các em đến để tô tượng, chơi các trò chơi điện tử… mà ở hồ Văn, trẻ được dạy làm đồ gốm Bát Tràng, nón lá Việt Nam, diều hay tham gia các trò chơi “Lều chõng”.
Thực tế, trước khi tổ chức chương trình, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã thử nghiệm các chương trình giáo dục di sản cho học sinh với các chương trình liên kết với các trường Tiểu học Nghĩa Tân, Đoàn Thị Điểm, Ba Đình… bằng các chương trình “Rung chuông vàng”, “Khám phá kiến trúc Khuê Văn Các”, “Mãnh hổ hạ sơn”, “Lớp học xưa”...

Cũng với tiêu chí tạo sân chơi giáo dục di sản cho thiếu nhi, năm 2017, có mặt trong gala chung kết “Em tập làm thuyết minh viên” tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, ai cũng ngạc nhiên khi chứng kiến những thuyết minh viên nhí thể hiện phần thi của mình. Một trong những phần thi ấn tượng nhất là câu chuyện về cây bàng – một nhân chứng lịch sử trong nhà tù Hỏa Lò do bé Minh Ngọc giới thiệu. Qua chương trình, các em cũng hiểu thêm về “Cuộc vượt ngục đêm Noel năm 1932”.
Theo bé Minh Ngọc: “Khóa học chỉ có 4 buổi, nhưng cách khơi gợi của các cô chú trong nhóm hướng dẫn giúp chúng em hứng thú tìm hiểu đọc thêm các sự kiện liên quan đến di tích và sự kiện lịch sử. Khóa trải nghiệm cũng giúp chúng em tự tin thuyết trình trước đám đông”. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long lại có chương trình “Em làm nhà khảo cổ” - hoạt động được tổ chức từ nhiều năm nay và duy trì trong năm 2018.

Quy mô hạn hẹp

Dù các chương trình giáo dục di sản trải nghiệm được duy trì tại các di tích Hà Nội 2 - 3 năm trở lại đây, nhưng vẫn chưa thật sự là sân chơi phổ biến, bởi mỗi chương trình đều hạn chế về số lượng người tham dự.

Ví dụ như “Em tập làm thuyết minh viên” tối đa chỉ 12 học sinh ở các trường Thủ đô. So với hàng trăm nghìn các em học sinh đang ở lứa tuổi thiếu nhi thì chương trình quả là hạn hẹp. Hoặc muốn tham gia chương trình “Em làm khảo cổ”, “Rung chuông vàng”… phải nằm trong kế hoạch liên kết giữa các trung tâm di sản với trường học, Ban tổ chức không nhận đăng ký tự do.

“Sĩ tử nhí” là sân chơi duy nhất rộng cửa đón thiếu nhi không chỉ của Hà Nội mà còn của du khách đến với Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Tuy nhiên, hạn chế của chương trình là hoạt động ngoài trời, thời tiết nắng nóng nên cũng chưa thật sự tạo sức hút. Các hoạt động trải nghiệm còn chưa phong phú, hấp dẫn với trẻ nhỏ. TS Nguyễn Thành Nam - thành viên nhóm “Cánh buồm”, người có kinh nghiệm về sự tương tác trong giáo dục di sản đã nhận định: Giáo dục di sản gần đây có nhiều chuyển biến với hình thức mới, thu hút được lớp trẻ, trong đó có thiếu nhi. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn có những hạn chế, chưa lan tỏa rộng. Thiếu các chương trình chuyên biệt, chuyên đề dành cho thiếu nhi, hoặc là cách thể hiện chưa có sức hút là lý do khiến thiếu nhi đến, và chưa quay lại với chương trình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần