Kinhtedothi - Ngày 17/3, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật cho người dân ở cơ sở năm 2014 và triển khai công tác năm 2015. Phó Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch Hội đồng PBGDPL TP Lê Hồng Sơn đã chủ trì hội nghị.
Trong năm 2014, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn TP Hà Nội đã đi vào nề nếp, có trọng tâm, trọng điểm với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Đặc biệt đã tập trung vào tuyên truyền về “Năm trật tự văn minh và đô thị 2014”giải tỏa nhiều thắc mắc trong lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, sử dụng lòng hè đường, an toàn thực phẩm…
30/30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch về PBGDPL với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Tổ chức 8.317 hội nghị tập huấn, giới thiệu các văn bản pháp luật tới hơn 1,2 triệu lượt người dân. Các văn bản pháp luật được tuyên truyền, phổ biến là: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật đất đai 2013, Luật Thủ đô, Luật PBGDPL…
Một số quận, huyện, đã tích cực tổ chức Hội nghị tuyên truyền pháp luật, biên soạn tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền như quận Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Đan Phượng, Mỹ Đức...
Đặc biệt, trong năm 2014, các cấp, các ngành Thành phố quan tâm, đẩy mạnh công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù với nhiều nội dung, hình thức như: Đối với người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; Đối với người lao động trong các doanh nghiệp; Nạn nhân bạo lực gia đình, người khuyết tật, người đang chấp hành hình phạt tù, người đang áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc,...
Tuy nhiên, công tác PBGDPL trên địa bàn thành phố dù phong phú và đa dạng về hình thức song việc tuyên truyền, phổ biến chưa thực sự sâu, rộng... Một số quận, huyện, hoạt động PBGDPL còn mang tính hình thức, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân; một số quận, huyện chậm ban hành Kế hoạch triển khai Đề án về tăng cường PBGDPL cho thanh niên; Kết quả thực hiện các Đề án về PBGDPL trên địa bàn các quận, huyện chưa thật sự đáp ứng được mục tiêu đề ra.
Nguyên nhân của những tồn tại này theo đánh giá của Hội đồng PBGDPL là do kinh phí cho công tác này còn hạn hẹp, một số quận, huyện đầu tư kinh phí cho công tác PBGDPL còn ít nên ảnh hưởng đến kết quả triển khai tại đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó là đội ngũ báo cáo viên pháp luật tuy đông đảo về số lượng, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu.
Chính vì những nguyên nhân này, tại Hội nghị hầu hết đại diện các đơn vị sở, ngành, quận huyện đều có chung đề xuất TP Hà Nội kiến nghị với HĐND TP cần xây dựng cơ chế phân bổ kinh phí cho công tác PBGDPL. Về nguồn lực con người nên có những lớp tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ làm công tác này.
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch Hội đồng PBGDPL TP Lê Hồng Sơn cho biết, để công tác PBGDPL có hiệu quả cao cần các cấp, ngành, đơn vị đưa ra những giải pháp cụ thể khắc phục những khó khăn tồn tại. Công tác lập kế hoạch cho công tác này cần được xây dựng sớm, thật cụ thể và bài bản. Bám sát nhiệm vụ chính trị của T.Ư và TP. Công tác giải ngân kinh phí cho công tác này cần đúng tiến độ. Việc triển khai trang tin điện tử về phổ biến pháp luật cần làm một cách hiệu quả.
Hiện nay, nhu cầu quản lý đô thị của TP đang rất cần thiết, đó là việc xây dựng một Hà Nội văn minh, hiện đại và thah lịch. Cụ thể là việc xây dựng văn hóa người Hà Nội, trật tự xây dựng hạ tầng đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ… Do đó các nhiệm vụ của Hội đồng PBGDPL cần đồng hành với TP trong việc thực hiện các nhiệm vụ này.
Công tác PBGDPL là công việc lâu dài, muốn tạo được nguồn kinh phí để thực hiện tốt công tác này thì cần có những biệ pháp thật cụ thể như: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp, cải cách hành chính… để kêu gọi nguồn lực trong xã hội, trong nhân dân...
Cách làm nên hướng về cơ sở, về từng đường làng ngõ phố, từng gia đình, làm bài bài căn cơ và bền vững hướng vào các đối tượng cụ thể như học sinh, sinh viên, …Bám vào lực lượng cán bộ cơ sở để làm công tác phổ biến pháp luật. Tăng cường tập huấn kỹ năng, kiến thức pháp luật cho các cán bộ cơ sở, in các bộ tài liệu có tình huống thật cụ thể, thực tế phát cho lực lượng này để họ thực hiện tốt công tác PBPL.
Tại Hội nghị, các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền PBGDPL năm 2014 đã được trao Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch Hội đồng PBGDPL TP Lê Hồng Sơn phát biểu chỉ đạo hội nghị. |