Diễn ra trong ba ngày (từ 10 - 12/12), nhiều chuyên gia, nhà khoa học quốc tế và trong nước đã cùng thảo luận về các vấn đề cụ thể trong cấu trúc nội dung, phương pháp và điều kiện cần thiết nhằm xây dựng cơ sở khoa học cho Đề án đổi mới CT, SGK phổ thông sau năm 2015 tại Việt Nam.
Các đại biểu đã chia làm 4 nhóm (gồm toán, khoa học xã hội, mỹ thuật và văn- tiếng Việt) để bàn thảo về mục tiêu và chuẩn giáo dục phổ thông sau năm 2015 ở các môn học cụ thể. Tư tưởng chung là việc xây dựng CT, SGK sẽ hướng đến quá trình hình thành năng lực của HS thông qua giáo dục tích hợp, giảm số môn học bắt buộc và tăng chủ đề/môn học tự chọn.
Cơ cấu giáo dục phổ thông sau 2015 dự kiến vẫn là 12 năm với cơ cấu 3 cấp học như hiện nay (tiểu học, THCS, THPT). Tuy nhiên, việc tổ chức kỳ thi THCS, THPT sẽ giao hoàn toàn cho các trường; Sở GD&ĐT tổ chức và xử lý kết quả thi tốt nghiệp THPT. Kết quả xếp loại bằng tốt nghiệp là một trong những điều kiện để phân luồng HS sau tốt nghiệp THPT. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức đánh giá định kỳ quốc gia đối với HS lớp 5, lớp 9 và lớp 11).
Tại hội thảo các chuyên gia Đan Mạch đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc đào tạo chuyên môn cho GV; về việc bồi dưỡng năng lực sư phạm cho GV; về cách đánh giá GV...
Đây là hội thảo mở đầu cho hàng loạt các hội thảo chuyên sâu về mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học ở từng bộ môn, dự kiến diễn ra trong thời gian tới làm cơ sở cho việc xây dựng Đề án đổi mới CT, SGK phổ thông sau năm 2015.