KTĐT - Với sự phát triển nhảy vọt của khoa học và công nghệ, đặc biệt là ICT và việc nhân loại đang quá độ sang nền kinh tế tri thức, các nhà hoạch định chiến lược trên thế giới đều nhấn mạnh đặc điểm của giáo dục trong thế kỷ 21 là lấy "học thường xuyên suốt đời" làm nền móng.
Tại hội thảo khoa học quốc gia lần đầu tiên về giáo dục mở và từ xa do Viện Đại học Mở Hà Nội tổ chức ngày 23/10, hầu hết các tham luận được trình bày đều cho thấy, giáo dục mở và từ xa có vai trò đặc biệt trong xu thế đại chúng hóa đại học.
Với sự phát triển nhảy vọt của khoa học và công nghệ, đặc biệt là ICT và việc nhân loại đang quá độ sang nền kinh tế tri thức, các nhà hoạch định chiến lược trên thế giới đều nhấn mạnh đặc điểm của giáo dục trong thế kỷ 21 là lấy "học thường xuyên suốt đời" làm nền móng.
Hội nghị thế giới về Giáo dục đại học tại Paris tháng 7/2009 cũng điểm lại những biến động lớn của giáo dục đại học trong thập niên đầu thế kỷ 21 và khẳng định đang có hiện tượng bùng nổ quy mô sinh viên đại học trên thế giới. Năm 2007, toàn thế giới có 152,5 triệu sinh viên, tăng 50% so với năm 2000.
Xu thế đại chúng hóa đại học là một quy luật tất yếu hiện nay trên toàn cầu. Tại Việt Nam, giáo dục đại học cũng đang là một nhu cầu không ngừng gia tăng. Để đón đầu xu thế đại chúng hóa đại học, giáo dục từ xa được xem là một phương thức kinh tế phù hợp cho các nước còn khó khăn.
Một số báo cáo khoa học tại hội thảo đã nêu lên kinh nghiệm từ Trung Quốc, Thái Lan với số sinh viên tăng mỗi năm 30%, Chính phủ nhiều nước đã phát huy mạnh vai trò của giáo dục mở và từ xa.
Tại Việt Nam, từ 16 năm trước đã hình thành 2 Viện Đại học Mở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí minh. Đến nay có thêm 15 trường đại học thành lập các Trung tâm giáo dục từ xa.
Tổng số học viên đã tốt nghiệp đại học theo phương thức từ xa là 159.947 sinh viên. Hiện đang có 232.781 sinh viên đang theo học các chương trình giáo dục từ xa, chủ yếu là các ngành sư phạm (44,3%); kinh tế tài chính (32%); điện tử, tin học (8,9%), các ngành Luật (12,4%)...
Cùng với khẳng định vai trò không thể thiếu của giáo dục mở và từ xa, các tham luận tại hội thảo cũng đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo cho phương thức giáo dục này phát triển bền vững và đảm bảo chất lượng.
Đó là cần phải có học liệu và phương tiện phù hợp. Các cơ sở giáo dục từ xa ở Việt Nam hiện nay chủ yếu dựa vào học liệu in ấn. Học liệu đôi khi còn giống với giáo trình của hình thức học chính quy tập trung, chưa được thiết kế và biên soạn nổi bật tính riêng biệt của loại hình đào tạo từ xa về phương pháp dạy - học và nội dung chuyên môn.
Ngoài ra cần có học liệu điện tử bổ trợ dưới dạng đĩa CD, VCD, CD-ROM. Phương pháp kiểm tra, đánh giá trong giáo dục từ xa cũng cần phải rất khách quan và trung thực.
Hội thảo khoa học quốc gia về giáo dục mở và từ xa lần đầu tiên được xem là bước chuẩn bị cho Hội nghị thường niên lần thứ 24 của Hiệp hội các trường đại học Mở châu Á sẽ diễn ra vào 2010 tại Việt Nam.
Tham gia hội thảo có gần 300 nhà quản lý giáo dục, giảng viên đến từ các trường đại học trong cả nước và đại diện một số thành viên của Hiệp hội các trường đại học mở châu Á./.