Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giáo dục ý thức ngay từ trong nhà trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm gần đây, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động các tầng lớp Nhân dân chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ. Nhờ đó, số người chết và bị thương do TNGT đã giảm qua từng năm.

Tuy nhiên, để TNGT giảm một cách bền vững thì việc giáo dục ý thức chấp hành đúng luật giao thông ngay từ trong nhà trường đang là yêu cầu cấp thiết.

Tại Việt Nam, mỗi ngày có hàng chục người chết và bị thương do TNGT. Trong số đó, có không ít học sinh, sinh viên là nạn nhân hoặc là thủ phạm gây ra các vụ TNGT. Nhiều gia đình, các bậc phụ huynh nuông chiều, cho con cái điều khiển mô tô, xe gắn máy đến trường khi chưa đủ tuổi. Trong độ tuổi thích "thể hiện" nên có nhiều học sinh điều khiển xe máy lạng lách, "đánh võng", phóng nhanh vượt ẩu và đây là nguyên nhân dẫn đến mất ATGT cho người đi đường và còn có thể dẫn đến tai nạn cho chính bản thân.

Từ ý thức đến...

Thực tế, đảm bảo ATGT không chỉ là việc của mỗi cá nhân mà phải có sự chung tay của toàn xã hội. Tùy theo khả năng, điều kiện, nhiệm vụ được giao mà mỗi cá nhân, tổ chức có những cách thức thực hiện khác nhau. Đối với người tham gia giao thông, phải tuân thủ các điều kiện sau. Thứ nhất, phải đi đúng làn đường theo quy định và luôn có thói quen chấp hành thực hiện đúng luật lệ giao thông. Thứ hai, phải hình thành thói quen văn minh đô thị khi tham gia giao thông; học cách chờ đợi (chờ đèn xanh), nhường đường, rẽ phải, trái đúng quy định. Thứ ba, không uống rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, điều khiển phương tiện phải có đủ giấy tờ quy định; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, hành lang ATGT…
Cảnh sát giao thông TP Hà Nội tuyên truyền, nhắc nhở thực hiện luật giao thông đối với học sinh, sinh viên.        Ảnh: Phạm Hùng
Cảnh sát giao thông TP Hà Nội tuyên truyền, nhắc nhở thực hiện luật giao thông đối với học sinh, sinh viên. Ảnh: Phạm Hùng
Do đó, mỗi người dân hãy là một người có văn hóa khi tham gia giao thông. Và muốn xây dựng được văn hóa giao thông (VHGT), hãy bắt đầu từ các em học sinh. Thực tế, tâm sinh lý của học sinh còn nông nổi, bồng bột, dễ bị kích động, đặc biệt là các em chưa hiểu biết pháp luật một cách toàn diện và sâu sắc. Do kỹ năng sống còn hạn chế, các em chưa đủ chín chắn để nhìn nhận mọi vấn đề nên dễ chịu tác động của môi trường và những người xung quanh. Các em chưa có điều kiện và khả năng để có những tư tưởng, quan niệm, quan điểm về pháp luật ATGT trong đời sống cũng như kỹ năng vận dụng pháp luật vào cuộc sống. Do đó, phải tập trung tuyên truyền vào đối tượng này để hình thành nên ý thức chấp hành luật giao thông của các em sau này.

 ... hình thành văn hóa giao thông

Từ những yếu tố nêu trên, có thể thấy, nhà trường có vai trò rất lớn trong việc giáo dục, tuyên truyền cho các em cũng như các bậc phụ huynh những kiến thức cơ bản về Luật Giao thông đường bộ, nhằm khơi dậy trong họ những tiêu chí về VHGT, góp phần đảm bảo ATGT. Xây dựng VHGT cũng chính là giúp các học sinh và các bậc phụ huynh có những nhận thức đúng đắn hơn về ATGT. Nhà trường là nơi các em có thể hoàn thiện mình, là nơi các em có thể tiếp thu những kiến thức. Chính vì thế, nhà trường có vai trò quan trọng trong việc làm thay đổi nhận thức của các em về những vấn đề này. Để làm được điều đó, nhà trường và ngành giáo dục cần phải phối hợp và vào cuộc tích cực, cần có những buổi tập huấn, tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ và được tuyên truyền dưới nhiều hình thức.

Bên cạnh đó, để làm gương cho học sinh thì đội ngũ giáo viên càng phải có ý thức chấp hành luật giao thông, không những đảm bảo an toàn cho chính bản thân mà còn là bài học để các em noi theo. Đối với học sinh, những lời nói, hành động của giáo viên đều là những tấm gương để các em soi vào. Các thầy cô giáo dục các em thông qua những hành vi đúng - sai, qua tranh ảnh, băng đĩa, cùng trò chuyện để trẻ hiểu hơn về luật giao thông. Giáo dục về VHGT cần phải sinh động hơn, hấp dẫn hơn, thay đổi nội dung lẫn hình thức, tổ chức nhiều hơn các buổi tuyên truyền, các cuộc thi tìm hiểu. Bên cạnh đó, cũng cần cho các em tiếp xúc với những hình ảnh vi phạm giao thông bị xử phạt và nhiều hình ảnh TNGT khác để các em thấy được những hậu quả của việc không chấp hành luật giao thông. Chính các em sẽ tác động phần nào tới ý thức chấp hành luật giao thông của các bậc phụ huynh.

Chấp hành luật giao thông còn thể hiện một nếp sống mới, nếp sống văn minh đô thị. Nếu mỗi người tham gia giao thông tự giác tuân thủ và vận động gia đình, người thân nghiêm túc chấp hành các quy định về ATGT có nghĩa là đã tự bảo vệ mình và có trách nhiệm với cộng đồng khi tham gia giao thông.