Giao lưu, tọa đàm trực tuyến “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan”

Kinh Tế Đô Thị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 27/12, Ban Biên tập báo Kinh tế & Đô thị tổ chức giao lưu-tọa đàm trực tuyến với độc giả báo điện tử tại địa chỉ http://kinhtedothi.vn với chủ đề: “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan”.

 

Hiện nay, các khách mời đã có mặt để tham gia buổi giao lưu – tư vấn pháp luật trực tuyến với độc giả của báo Kinh tế & Đô thị online với chủ đề: “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan”.

KHÁCH MỜI THAM DỰ
  • Giao lưu, tọa đàm trực tuyến “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan” - Ảnh 2

    Luật sư

    LS Nguyễn Quốc Việt

  • Giao lưu, tọa đàm trực tuyến “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan” - Ảnh 3

    Luật sư

    LS Phan Nhật Luận

  • Giao lưu, tọa đàm trực tuyến “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan” - Ảnh 4

    Luật gia

    LG Phạm Thu Hương

Nội dung giao lưu trực tuyến
Bạn đọc Ly Kim Minh (kimminh@gmail.com) hỏi:

Hiện vợ chồng tôi sắp sinh thêm con thứ ba. Hành vi sinh con thứ ba có bị xử phạt không? 

Giao lưu, tọa đàm trực tuyến “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan” - Ảnh 5
LG Phạm Thu Hương trả lời:
Theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP quyết đình xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 31/12/2013, thay thế cho Nghị định 114/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em, không có quy định xử phạt về việc sinh con thứ 3. Tuy nhiên, nếu bạn là đảng viên thì sẽ bị xử lý kỷ luật theo quyết định 181/2013/QĐ-TW với hình thức khiển trách.
Bạn đọc Phạm Quỳnh Lan (quynhlan@gmail.com) hỏi:

Tôi và chồng tôi đã kết hôn với nhau được 5 năm. Nhưng anh ta luôn có những hành vi mà tôi không thể chấp nhận được, anh ta thường xuyên đánh đập, chửi bới tôi, thậm chí trước mặt bố mẹ chồng anh ta vẫn có thể đánh tôi, anh ta còn thường xuyên chửi cả bố mẹ ruột tôi. Luật sư cho tôi hỏi với hành vi bạo lực của anh ta, tôi có thể làm gì và mức xử lý anh ta như thế nào?

Giao lưu, tọa đàm trực tuyến “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan” - Ảnh 6
LG Phạm Thu Hương trả lời:
Theo Điều 52 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, xử phạt hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình bị phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chỉ chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình
Bạn đọc Trần Quỳnh Mai (maitran0978@gmail.com) hỏi:

Hiện nay ở địa phương tôi có tình trạng công dân chưa đủ tuổi kết hôn nhưng sống với nhau như vợ chồng không tổ chức lễ cưới. Đến nay, công dân đủ tuổi đăng ký kết hôn thì mới đến UBND xã để đăng ký kết hôn. Vậy, UBND xã có thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tảo hôn đối với trường hợp này không?

 

Giao lưu, tọa đàm trực tuyến “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan” - Ảnh 7
LG Phạm Thu Hương trả lời:
Theo Điều 47 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định về hành vi tảo hôn và tổ chức tảo hôn như sau: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chống khi chưa đủ tuổi kết hôn; phạt tiền từ 1.000.000 – 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn, mặc dù đã có quyết định ucar Tòa án Nhân dân buộc chấm dứt quan hệ.
Căn cứ vào Điều 5 của Luật Hôn nhân và Gia đình, 2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
3. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
4. Danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư và các quyền riêng tư khác của các bên được tôn trọng, bảo vệ trong quá trình giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình.
Bạn đọc Nguyễn Thái Nhật (nguyennhat@gmail.com) hỏi:

Luật sư có thể cho tôi được biết quyền, nghĩa vụ của bên mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được quy định như thế nào trong Luật Hôn nhân và gia đình?

Giao lưu, tọa đàm trực tuyến “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan” - Ảnh 8
LS Phan Nhật Luận trả lời:

Tôi xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:

1. Người mang thai hộ, chồng của người mang thai hộ có quyền, nghĩa vụ như cha mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc, nuôi dưỡng con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ; phải giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ.

2. Người mang thai hộ phải tuân thủ quy định về thăm khám, các quy trình sàng lọc để phát hiện, điều trị các bất thường, dị tật của bào thai theo quy định của Bộ Y tế.

3. Người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ. Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày. Việc sinh con do mang thai hộ không tính vào số con theo chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

4. Bên mang thai hộ có quyền yêu cầu bên nhờ mang thai hộ thực hiện việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản.

 Trong trường hợp vì lý do tính mạng, sức khỏe của mình hoặc sự phát triển của thai nhi, người mang thai hộ có quyền quyết định về số lượng bào thai, việc tiếp tục hay không tiếp tục mang thai phù hợp với quy định của pháp luật về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

5. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con thì bên mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con.

Bạn đọc Trần Minh Thuận (tranthuan45@gmail.com) hỏi:

Hai vợ chồng tôi ly hôn đã hơn một năm nay. Trong bản án Tòa án tuyên chồng tôi phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mổi tháng 2 triệu đồng. Tuy nhiên từ đó đến nay chồng tôi không đưa cho tôi một đồng nào để tôi nuôi con. Vậy làm cách nào để tôi lấy được tiền để nuôi con? Tôi hiện nay tuổi đã cao, ốm đau bệnh tật và không có công việc ổn định.

Giao lưu, tọa đàm trực tuyến “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan” - Ảnh 9
LG Phạm Thu Hương trả lời:
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình thì cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi;  Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Như vậy, bạn liên hệ trực tiếp với bố cháu để yêu cầu thực hiện đúng nghĩa vụ cấp dưỡng của người cha. Nếu người cha thực sự có khó khăn không thể thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì phải yêu cầu tòa án giải quyết thay đổi mức cấp dưỡng. Nếu người cha vẫn đủ điều kiện mà trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng còn bị xử lý hình sự về Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 152 Bộ luật Hình sự). Theo đó, hành vi này bị xử lý như sau: Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt từ ba tháng đến hai năm.

Bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà người cha không thực hiện nghĩa vụ của mình thì có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện công việc phải làm… theo bản án, quyết định (Điểm a, khoản 3 Điều 52 Nghị đình 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hỗ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân dự, phá sản DN hợp tác xã. 


Bạn đọc Phạm Thị Mùi (ptmui55@gmail.com) hỏi:
Vợ chồng tôi ly hôn đã 3 năm nay. Khi ly hôn chúng tôi thỏa thuận tôi nuôi con trai lớn, còn con trai nhỏ để chồng tôi nuôi. Nay vì nhiều lý do như sức khỏe giảm sút, tôi lại mắc nhiều bệnh nên không đi làm thường xuyên được, thu nhập không ổn định. Cuộc sống của mẹ con tôi hiện nay rất khó khăn. Tôi biết chồng tôi có công việc và thu nhập ổn định. Nếu tôi muốn thay đổi để chồng tôi nuôi con có được không vì cháu là trai đã lớn, quyền uy của người mẹ đối với con trong việc nuôi dạy cũng khó? Tôi rất sợ vì tôi cố níu kéo quyền nuôi con sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý, điều kiện về vật chất và định hướng phát triển của con. Như vậy có được không nhỉ?
Giao lưu, tọa đàm trực tuyến “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan” - Ảnh 10
LS Nguyễn Quốc Việt trả lời:
Theo Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:
1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
Như vậy, bạn nên thỏa thuận với bố cháu trước về việc này nhưng cũng phải hỏi ý kiến của con nếu con đã 7 tuổi trở lên.
Bạn đọc Phạm Thi Đa (phamda.htk@gmail.com) hỏi:
Tôi về làm dâu trong gia đình nhà chồng đã 18 năm. Chúng tôi đã có 2 con đã lớn. Vợ chồng tôi ở cùng bố mẹ chồng. Trong thời gian này chúng tôi không có tài sản gì khác. Vợ chồng tôi chỉ mua sắm một số đồ đạc thiết yếu trong gia đình. Thời gian gần đây, vợ chồng tôi phát sinh nhiều mâu thuẫn, chồng tôi đòi ly hôn nhưng tôi không muốn. Nếu Tòa án vẫn giải quyết cho chồng tôi được ly hôn thì quyền lợi của tôi khi ly hôn được giải quyết như thế nào? Tôi có được ở lại phòng mà trước đây tôi vẫn ở không? Bản thân tôi không có người thân thích ở Thủ đô, tôi chỉ biết có gia đình nhà chồng. Tôi rất muốn được tư vấn để yên tâm hơn.
Giao lưu, tọa đàm trực tuyến “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan” - Ảnh 11
LS Phan Nhật Luận trả lời:
Theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn thì vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Trong trường hợp của bạn, khi vợ chồng sống chung với gia đình nhà chồng mà ly hôn, nếu có tài sản chung trong khối tài sản của gia đình và không xác định được thì vợ được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Như bạn trình bày, bạn không có công sức trong việc tạo lập, sửa chữa, cải tạo ngôi nhà, và ngôi nhà này là của bố mẹ chồng thì vợ chồng bạn cũng không có căn cứ để chia tài sản trong khối tài sản chung của gia đình.
Trong trường hợp Tòa án giải quyết cho chồng bạn được ly hôn, khi đó, bạn có khó khăn về chỗ ở thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết cho mình được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Bạn đọc Phạm Thanh Sơn (thanhson@gmail.com) hỏi:

Tôi đang nuôi con nhỏ 11 tháng. Gần đây vợ chồng tôi có nhiều mâu thuẫn không thể hàn gắn được. Tôi muốn làm đơn xin ly hôn. Chồng tôi không đồng ý. Vậy tôi muốn đứng đơn xin ly hôn một mình có được không? Tôi chỉ có mong muốn được nuôi con còn không yêu cầu về việc chia tài sản. Yêu cầu của tôi liệu có được đáp ứng không? Tôi rất lo sợ vì cháu là cháu nội đầu tiên của gia đình nhà chồng. Ông bà nội rất yêu quý cháu.

Giao lưu, tọa đàm trực tuyến “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan” - Ảnh 12
LG Phạm Thu Hương trả lời:
Theo Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn thì vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
 Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Như vậy, căn cứ vào điều luật đã viện dẫn trên, nếu bạn có căn cứ cho rằng vợ, chồng không còn thương yêu nhau, không chăm sóc, bỏ mặc nhau hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì bạn yêu cầu Tòa án nơi người chồng có hộ khẩu thường trú để được giải quyết mặc dù bạn đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Trong trường hợp của bạn, nếu người chồng đứng đơn xin ly hôn thì Tòa án sẽ bác đơn vì bạn đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn là quyền và nghĩa vụ của cha mẹ. Vì cháu mới được 11 tháng tuổi nên bạn là người được trực tiếp nuôi dưỡng chăm sóc, vì theo quy định của Luật, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi.

Chúc bạn có đủ nghị lực, sức khỏe để nuôi con khôn lớn.

Bạn đọc Phí Lan Anh ( philanh.hn@gmail.com) hỏi:
Vợ chồng tôi có khối tài sản chung là một ngôi nhà ở quận Ba Đình với diện tích là 50m2, đã được UBND quận cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở quyền sử dụng đất ở tên 2 vợ chồng. Số tiền mua ngôi nhà này là do vợ chồng tôi bán ngôi nhà cũ (tài sản chung của chúng tôi) để mua. Xin hỏi khi bán ngôi nhà trên, vợ chồng tôi được hưởng quyền lợi thế nào?
Giao lưu, tọa đàm trực tuyến “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan” - Ảnh 14
LS Phan Nhật Luận trả lời:
Ở trường hợp của bạn, tôi xin trả lời như sau:
Theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình quy định tài sản chung của vợ chồng như sau:
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Căn cứ vào quy định trên thì ngôi nhà trên đã được UBND quận cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở quyền sử dụng đất ở đứng tên vợ chồng ông bà là khối tài sản chung của vợ chồng bà tạo lập được trong thời kỳ hôn nhân; vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Do vậy, một nửa diện tích nhà đất trên là tài sản của ông có trong khối tài sản chung vợ chồng. Một nửa diện tích nhà đất còn lại là tài sản của bà có trong khối tài sản chung vợ chồng.
Khi chuyển nhượng ngôi nhà trên, vợ chồng bà mỗi người sẽ được hưởng một nửa trị giá tài sản. 
Bạn đọc Bùi Minh Thắng (minhthang21186@gmail.com) hỏi:

Khi vợ, chồng đã chia tài sản chung và đang xin ly hôn mà một bên chết thì người còn sống có được quyền thừa kế di sản của người đã chết không?

Giao lưu, tọa đàm trực tuyến “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan” - Ảnh 15
LS Nguyễn Quốc Việt trả lời:
Theo Điều 655 Bộ luật Dân sự năm 2015: Trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản; Trong trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Toà án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
Theo quy định của pháp luật nêu trên. Vợ chồng chỉ chấm dứt khi đã có bản án hoặc quyết định của Tòa Án đã có hiệu lực pháp luật cho ly hôn. Do đó, khi vợ chồng đang xin thuận tình ly hôn hoặc một bên xin ly hôn, mà tòa án  mới thụ lý, đang hòa giải, hoặc mới xét xử sơ thẩm mà một bên còn kháng cáo, hoặc bản án đang bị viện kiểm soát kháng nghị, tòa cấp phúc thẩm chưa xét xử, thì chưa có bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án. Vì vậy trong trường hợp này vợ hoặc chồng chết thì bên còn sống vẫn được thừa kế của bên kia.
Bạn đọc Trần Thị Lệ Thu (tranlethu@gmail.com) hỏi:

Từ ngày kinh doanh làm ăn thua kém (do gặp rủi ro), kinh tế gia đình tôi vì thế mà sa sút. Không những vậy tôi lại bị chồng và gia đình chồng hắt hủi, xúc phạm và ngăn cách về quan hệ gia đình…. Tôi cảm thấy rất ức chế và muốn có sự can thiệp của chính quyền để bảo vệ mình. Vậy tôi phải làm gì để nhờ chính quyền vào cuộc giải quyết tình trạng của tôi?

Giao lưu, tọa đàm trực tuyến “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan” - Ảnh 16
LG Phạm Thu Hương trả lời:
Bạn Lệ Thu thân mến, một trong các nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình là Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng; Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con. Nếu sự thật đúng như bạn trình bày thì một trong các thành viên trong gia đình bạn đã vi phạm nghiêm trọng Luật Hôn nhân và gia đình và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
  Bạn có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (công an phường, chính quyền địa phương, Ban Công tác mặt trận tổ dân phố, Hội phụ nữ phường…) giải quyết để ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bạn.
Theo quy định tại Điều 52 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi: a) Cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó; b) Không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc; c) Không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh.
Trường hợp các thành viên trong gia đình bạn cũng có hành vi nêu trên đối với bạn thì cũng được coi là bạo lực gia đình (theo khoản 2 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình). Bạn có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (công an phường, chính quyền địa phương, Ban Công tác mặt trận tổ dân phố, Hội phụ nữ phường…) giải quyết để ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bạn.
Bạn đọc Hoàng Thị Hà (hoangthihavn1983@gmail.com) hỏi:

Tôi ly hôn với vợ, khi con gái tôi mới 20 tháng tháng tuổi, sau khi ly hôn vợ tôi là người trực tiếp nuôi con. Tôi có nghĩa vụ cấp dưỡng mỗi tháng 02 triệu đồng, nay vợ tôi đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, gửi lại con cho ông bà ngoại nuôi dưỡng. Nay tôi muốn mang con gái về nuôi nhưng ông bà ngoại không đồng ý. Vậy tôi phải làm thể nào để được trực tiếp nuôi con?

Giao lưu, tọa đàm trực tuyến “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan” - Ảnh 18
LS Nguyễn Quốc Việt trả lời:
Trả lời: Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
Từ viện dẫn quy định pháp luật nêu trên thì cha, mẹ là người trực tiếp nuôi dưỡng con. Trong trường hợp này bạn nên thỏa thuận với mẹ của cháu bé về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con cho phù hợp với lợi ích của con, trường hợp không thỏa thuận được bạn có thể yêu cầu tòa án giải quyết.
Bạn đọc Nguyễn Cẩm Tú (camtu12@gmail.com) hỏi:

Năm nay tôi đã ngoài 20 tuổi, có ngoại hình cũng không tồi lắm, do đó hiện có nhiều bạn trại "theo đuổi", trong số đó có một người đã từng là cha nuôi của tôi và cũng là người có điều kiện hơn so với những người khác. Hiện tại tôi đang rất khó lựa chọn sao cho đúng mà không bị pháp luật cấm. Vậy xin hỏi: Tôi có thể kết hôn với người đã từng là cha nuôi được không?

Giao lưu, tọa đàm trực tuyến “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan” - Ảnh 19
LG Phạm Thu Hương trả lời:
Theo quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014, luật cấm các hành vi: Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
Nếu bạn cố tình kết hôn với người đã từng là cha nuôi, thì bạn sẽ bị phạt vì hành vi trên với mức phạt từ 1.000.000 – 3.000.000 đồng (Mục 35 Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quyết định xử phạt Văn phòng hành chính. Trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Tình yêu có những lý lẽ riêng mà trái tim không thể điều khiển được. Chúng tôi rất thông cảm với hoàn cảnh của bạn nhưng cũng mong bạn sáng suốt, tỉnh tảo và tìm được tình yêu đích thực và chấp hành đúng quy định của pháp luật. Chúc bạn hạnh phúc trong tình yêu và cuộc sống.
Bạn đọc Nguyễn Đăng Linh (danglinh@gmail.com) hỏi:

Chúng tôi chưa đăng ký kết hôn, nhưng đã có con chung. Khi gia đình tôi đi làm giấy khai sinh cho con, cán bộ của xã yêu cầu phải xuất trình giấy đăng ký kết hôn. Vì nhiều lý do nên chúng tôi chưa làm được thủ tục đăng ký kết hôn. Tôi muốn giấy khai sinh của con tôi có đầy đủ cả tên bố và tên mẹ để bảo vệ quyền lợi cho con. Vậy làm thế nào để trong giấy khai sinh có cả tên bố và mẹ?

Giao lưu, tọa đàm trực tuyến “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan” - Ảnh 20
LG Phạm Thu Hương trả lời:
Bạn Đăng Linh thân mến, theo quy định của pháp luật về hộ tịch, bạn có thể thực hiện theo hai cách sau:
- Các bạn nên làm thủ tục đăng ký kết hôn, sau đó làm khai sinh cho cháu tại Uỷ ban nhân dân xã (phường) nơi hai bạn cư trú, như vậy trong giấy khai sinh sẽ ghi đầy đủ cả tên bố đẻ và mẹ đẻ vì theo quy định tại Khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình thì “Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng”;
- Trường hợp nếu các bạn không đăng ký kết hôn, thì có thể đăng ký khai sinh cho cháu tại UBND xã (phường) nơi người mẹ cư trú. Trong trường hợp này giấy khai sinh chỉ ghi tên mẹ đẻ của cháu.
 Luật gia Phạm Thu Hương trả lời câu hỏi của độc giả tại buổi giao lưu, tọa đàm trực tuyến
Nếu bố cháu muốn nhận làm cha cháu bé và đứng tên trong giấy khai sinh nhưng chưa tiến hành đăng ký kết hôn thì người cha phải làm thủ tục đăng ký nhận con theo quy định tại Điều 44 Luật Hộ tịch. Cụ thể:
1. Người yêu cầu đăng ký nhận con nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha con cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, công chức làm công tác hộ tịch xác minh, niêm yết việc nhận con tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời gian 07 ngày liên tục, đồng thời gửi văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được nhận là con niêm yết trong thời gian 07 ngày liên tục tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.
3. Phòng Tư pháp báo cáo và đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc đăng ký nhận con, nếu thấy đủ điều kiện thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.
4. Khi đăng ký nhận con các bên phải có mặt; công chức làm công tác hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng các bên ký vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục cho các bên.

Bạn đọc Nguyễn Thị Thúy (thuynguyen100668@gmail.com) hỏi:

Nếu giấy đăng ký quyền sở hữu tài sản ghi tên một người vợ (hoặc chồng) thì tài sản đó là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ hoặc chồng?

Giao lưu, tọa đàm trực tuyến “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan” - Ảnh 22
LS Nguyễn Quốc Việt trả lời:
Theo Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung như sau: Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
Như vậy, giấy chứng nhận đó căn cứ xác định đây là tài sản chung của vợ và chồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng chỉ có những tài sản có giá trị rất lớn, rất quan trọng đối với đời sống gia đình thì giấy chứng nhận trong quyền sở hữu, quyền sử dụng mới ghi tên của cả vợ chồng (như sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất), nhưng ngay cả trong những trường hợp này có khi cũng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng. Đối với tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu trong giấy chứng nhận thường chỉ ghi tên vợ hoặc chồng là người trực tiếp sử dụng như (xe môtô, xe ô tô, tàu thuyền vận tải). Vì vậy trong những trường hợp này, phải đối chiếu thêm quy định về việc vợ chồng có thỏa thuận về việc phân chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân để xác định đây là tài sản chung hay riêng. 
Bạn đọc Trần Trọng Minh ( trongminh.hc@gmail.com) hỏi:
Việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có hiệu lực khi nào?
Giao lưu, tọa đàm trực tuyến “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan” - Ảnh 23
LS Phan Nhật Luận trả lời:
Tôi xin trả lời câu hỏi của bạn như sau: Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được xác định như sau:
- Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản.
- Trong trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định.
Trong trường hợp Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Quyền, nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm việc chia tài sản chung có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Bạn đọc Hà Thị Thương (hathuong.pl@gmail.com) hỏi:

Ai có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ con?

Giao lưu, tọa đàm trực tuyến “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan” - Ảnh 24
LS Phan Nhật Luận trả lời:
Theo quy định tại Điều 102 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, người có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con gồm:
- Cha, mẹ, con đã thành niên, không bị mất năng lực hành vi dân sự, có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp không có tranh chấp.
 - Cha, mẹ, con, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp  có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết.
 Luật sư Phạm Nhật Luận trả lời câu hỏi của độc giả
- Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; xác định con cho cha, mẹ chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự trong các trường hợp có tranh chấp hoặc người  được  yêu cầu xác định là cha,mẹ, con đã chết.
+ Cha, mẹ, con, người giám hộ;
+ Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
+Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
+ Hội liên hiệp phụ nữ.
Bạn đọc Phùng Minh Phúc (minhphucajc@gmail.com) hỏi:

Xác định tài sản riêng của vợ hoặc chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 được hiểu như thế nào?

Giao lưu, tọa đàm trực tuyến “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan” - Ảnh 26
LS Nguyễn Quốc Việt trả lời:
Theo Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì tài sản riêng gồm có:
Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng (trong trường hợp vợ chồng thỏa thuận phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân); tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
 Luật sư Nguyễn Quốc Việt trả lời bạn đọc tại cuộc giao lưu, tọa đàm trực tuyến
Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại: Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng. 
Bạn đọc Mai Đức Chính - Mê Linh, Hà Nội (maidchinh@gmail.com) hỏi:

Chúng tôi kết hôn năm 2000, năm 2010 bố mẹ tôi có tặng cho hai vợ chồng một ngôi nhà mái bằng tọa lạc trên diện tích 68m, thời gian qua vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, vợ tôi đơn phương ly hôn và đòi chia tài sản một nửa nhà đất trên. Trong khi vợ tôi không có công sức đóng góp gì, việc vợ tôi đòi ½ nhà đất tôi không đồng ý. Vậy nhà bố mẹ tôi cho có phải chia cho vợ tôi không?

  

Giao lưu, tọa đàm trực tuyến “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan” - Ảnh 28
LS Phan Nhật Luận trả lời:
Theo như bạn trình bày và căn cứ vào Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì ngôi nhà tọa lạc trên diện tích 68 m2 là tài sản chung của hai vợ chồng vì bố mẹ “tặng cho hai vợ chồng”.
Khi vợ bạn đơn phương xin ly hôn thì Tòa án căn cứ vào lý do xin ly hôn của người vợ có chính đáng và hợp pháp hay không để giải quyết cho ly hôn.
Khi giải quyết cho ly hôn thì vấn đề về phân chia tài sản được quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:
Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Theo quy định của pháp luật nêu trên thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng còn tính đến công sức đóng góp của vợ chồng để tạo lập ra khối tài sản. Tốt nhất trong trường hợp này hai vợ chồng bạn nên thỏa thuận với nhau về việc phân chia tài sản để đảm bảo quyền lợi của mỗi bên và giảm bớt được việc phải nộp án phí khi yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản.
Bạn đọc Phạm Thu Dung ( phamdung.tc@gmail.com) hỏi:
Trong những năm gần đây tôi thấy nói nhiều đến chuyển chuyển giới, xác định lại giới tính và nhất là có những trường hợp kết hôn đồng giới. Tôi muốn biết quy định của pháp luật đối với trường hợp cụ thể này là như thế nào?
Giao lưu, tọa đàm trực tuyến “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan” - Ảnh 29
LS Phan Nhật Luận trả lời:
Cảm ơn câu hỏi của bạn, tôi xin trả lời câu hỏi của bạn như sau: Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình thì kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường:
- Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
- Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
- Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Như vậy, với những trường hợp kết hôn cùng giới tính không bị cấm như trước đây nhưng nhà nước cũng không được pháp luật công nhận.
Bạn đọc Đào Thành Công (thanhcongbkhn@gmail.com) hỏi:
Xác định phần tài sản của người đã chết trong khối tài sản chung của vợ chồng như thế nào?

Giao lưu, tọa đàm trực tuyến “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan” - Ảnh 30
LS Nguyễn Quốc Việt trả lời:
 Tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
 Toàn cảnh cuộc giao lưu, tọa đàm pháp luật trực tuyến "Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan"
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi. Phần của người đã chết được chia theo di chúc hoặc chia theo quy định của pháp luật.
 

Bạn đọc Ngô Quốc Minh (minhngobadinh@gmail.com) hỏi:
Xin bà cho biết một số điểm mới của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014?
Giao lưu, tọa đàm trực tuyến “Hôn nhân và các vấn đề pháp lý liên quan” - Ảnh 32
LG Phạm Thu Hương trả lời:
Thưa độc giả, một số điểm mới của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
1. Nâng độ tuổi kết hôn: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.

2. Không cấm kết hôn đồng giới: Khoản 2 Điều 8 quy định “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính".

3. Cho phép mang thai hộ: Luật Luật HN&GĐ đã chính thức thừa nhận và cho phép mang thai hộ với mục đích nhân đạo (từ Điều 93 đến Điều 98), song phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.

4. Tài sản của vợ chồng: Luật bổ sung quy định về tài sản riêng của vợ, chồng (khoản 2 Điều 43): “Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng”.

Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng: “Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn” (Điều 47).

5. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

Luật quy định ngoài vợ, chồng hoặc cả hai người yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Chồng không có quyền ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

6. Nghĩa vụ đối với con khi ly hôn

Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên, thì phải xem xét nguyện vọng của con.

7. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

Bổ sung điểm mới nổi bật: “Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến yếu tố: Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần