Ngoài ra còn có sự hiện diện các chuyên gia và nhiều người dân trên địa bàn TP Hà Nội cùng đại diện các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và Hà Nội.
Phát biểu tại buổi giao lưu trực truyến, ông Nguyễn Minh Đức cho biết: “Đã từ lâu, Đường sắt đô thị được xem như xương sống của hệ thống giao thông vận tải tại các đô thị lớn, hiện đại trên thế giới. Tại Hà Nội, nhu cầu phát triển mạng lưới Đường sắt đô thị lại càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh thành phố luôn phải đối diện với vấn nạn ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Đường sắt đô thị là loại hình vận tải khối lượng lớn văn minh, hiện đại và ưu việt. Nhưng tại nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn còn rất mới mẻ, lạ lẫm đối với đa số người dân. Nhằm mục đích truyền thông một cách hiệu quả để người dân hiểu và có cái nhìn toàn diện, tích cực về đường sắt đô thị, vai trò của nó trong sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội, hôm nay, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đường sắt Hà Nội, tổ chức Chương trình Tọa đàm, giao lưu trực tuyến Tuyên truyền hướng dẫn sử dụng tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh – Hà Đông.Đây là cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý tiếp thu, trao đổi thông tin về đường sắt đô thị với người dân Hà Nội. Đồng thời cũng là dịp để giới thiệu hình ảnh thực tế của đường sắt đô thị đến Nhân dân Thủ đô, trực tiếp thông qua minh chứng cụ thể là tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông.”Toàn cảnh buổi giao lưu |
Ông Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh: “Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội cũng như cả nước, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã bắt đầu được đưa vào vận hành thử nghiệm, dự kiến sẽ chính thức khai thác thương mại trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Là tuyến tàu điện đầu tiên xuất hiện, đánh dấu sự ra đời của loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn với nhiều đặc tính ưu việt, nổi trội, nên đường sắt Cát Linh - Hà Đông chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ từ đông đảo Nhân dân Thủ đô và giới truyền thông. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng sẽ có không ít những vấn đề liên quan đến vận hành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên mà người dân muốn tìm hiểu.Buổi tọa đàm, giao lưu trực tuyến hôm nay bao gồm 2 phần: Phần 1 là giới thiệu công tác tổ chức xây dựng, vận hành của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Phần 2 là giao lưu trực tuyến giữa độc giả và khách mời của buổi tọa đàm đối với những vấn đề được quan tâm trong quá trình vận hành, kết nối đồng bộ giữa đường sắt trên cao với hệ thống giao thông công cộng khác và chiến lược thu hút người dân.Ban tổ chức mong muốn sau buổi Tọa đàm, giao lưu trực tuyến hôm nay, đường sắt đô thị số 2A Cát Linh – Hà Đông sẽ được người dân đón nhận một cách tích cực. Thay mặt Ban tổ chức, xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo UBND TP Hà Nội; Vụ Vận tải, Cục đường sắt Việt Nam, Ban QLDA Đường sắt Bộ GTVT; BQL Đường sắt Hà Nội; Trung tâm quản lý và điều hành GTĐT; Tổng Công ty Vận tải Hà Nội; Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB); Công ty Tokyo Metro Việt Nam; Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội; Các chuyên gia trong và ngoài nước; Các cơ quan thông tấn báo chí.Các cơ quan, ban ngành, các cơ quan thông tấn báo chí và người dân Hà Nội đều mong muốn trong công tác vận hành đường sắt đô thị Hà Nội với mục tiêu vận hành thành công tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông và các tuyến đường sắt tiếp theo trong tương lai.”Phát biểu tại buổi giao lưu, GS. TS Từ Sỹ Sùa - Đại học Giao thông Vận tải cho biết: Các giải pháp phát triển đô thị bền vững cần lấy đường sắt làm nòng cốt. Các giải pháp phát triển đô thị bền vững cần lấy đường sắt làm nòng cốt. Tàu điện vốn là sản phẩm từ cuộc cách mạng công nghiệp 1.0. Tại Việt Nam, hệ thống đường sắt đã tồn tại gần 90 năm, cho đến nay đã không còn đáp ứng được tiêu chí an toàn, vốn là tiêu chuẩn hàng đầu của hàng khách khi lựa chọn phương tiện giao thông.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Hà Nội triển khai tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông rất đáng hoan nghênh. Với tư cách người dân, tôi rất ủng hộ và mong muốn trải nghiệm, đồng thời kỳ vọng các nhà cung cấp dịch vụ vận tải theo tiêu chí an toàn, thuận thiện, nhanh chóng và giá cả hợp lý .
Ngoài ra, GS.TS Bùi Xuân Phong – Hội Kinh tế-Vận tải Đường sắt Việt Nam cũng chia sẻ thêm: Thông tin từ hội nghị hôm nay cho thấy các bên liên quan, đặc biệt là Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đã có sự chuẩn bị trong công tác triển khai dự án này.
Đây là dự án mới với Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, do đó không thể tránh khỏi khó khăn. Tuy nhiên với sự chuẩn bị, ủng hộ của người dân và lãnh đạo của TP thì tôi tin tưởng dự án sẽ thành công, góp phần phát triển đô thị Hà Nội.
Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước, chính quyền TP và các bên liên quan cũng cần quan tâm tới công tác truyền thông cũng của dự án để đảm bảo người dân tiếp cận dịch vụ vận tải một cách hiệu quả.
-
Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội
Ông Vũ Hồng Trường
-
Phó Ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội
Ông Phạm Thanh Học
-
Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam
Ông Vũ Quang Khôi
-
Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội - Sở GTVT Hà Nội
Ông Nguyễn Hoàng Hải
Cục Đường sắt Việt Nam đã và đang có hỗ trợ gì cho đường sắt đô thị đầu tiên Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành?
Cục Đường sắt Việt Nam đã tham gia dự án ngay từ đầu. Tôi là người đầu tiên từ lúc giải phóng mặt bằng tới khi khởi công ở hồ Đống Đa. Về phía TP Hà Nội, Thành phố cũng phối hợp rất sát sao với Cục Đường sắt Việt Nam và các cơ quan liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng, đền bù hỗ trợ tái định cư cho dự án ngay từ những thời gian đầu.
Ông Vũ Quang Khôi - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Bộ GTVT trả lời độc giả. |
Bên cạnh đó, ngay từ năm 2013, Cục Đường sắt Việt Nam đã tham gia vào công tác tuyển dụng nhân lực và đưa đi đào tạo để phục vụ cho dự án sau khi hoàn thành. Về mặt hoàn thiện hành lang pháp lý cho dự án, Cục Đường sắt Việt Nam cùng TP Hà Nội tham gia Ban chỉ đạo thành lập Công ty Khai thác Đường sắt Hà Nội. Trong quá trình đó, Bộ Giao thông Vận tải cùng TP Hà Nội thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu phương án đưa tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào vận hành, khai thác sau khi dự án hoàn thành.
Về hệ thống văn bản pháp luật, hiện có Bộ Luật đường sắt, 4 Nghị định và 18 Thông tư liên quan đến đường sắt đô thị. Trong những văn bản luật này có đưa ra nội dung rất cụ thể về mặt quy hoạch, đầu tư, khai thác các dự án đường sắt đô thị.
Trong thời gian tới, với 48 lái tàu đã được cử đi học nước ngoài về, Cục Đường sắt Việt Nam sẽ phối hợp với Công ty Đường sắt đô thị Hà Nội tiến hành sát hạch, cấp phép cho những lái tàu này để họ có thể làm việc tại các dự án đường sắt đô thị. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với TP Hà Nội, Công ty Đường sắt Đô thị Hà Nội và các cơ quan liên quan trong việc quản lý, vận hành tuyến Đường sắt Đô thị Cát Linh – Hà Đông trong thời gian tiếp theo.
Đối với Sở GTVT, công tác quản lý nhà nước đối với tuyến ĐSĐT Cát Linh-Hà Đông?
Ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội - Sở GTVT Hà Nội trả lời câu hỏi của độc giả. |
Quá trình triển khai và chạy thử tuyến ĐSĐT đã vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành. Đây là tuyến đường sắt trên cao đầu tiên nên nhiều cái mới, nhiều vấn đề phát sinh khó lường, các bên giờ đã tích cực phối hợp cùng tinh thần hợp tác cao để khắc phục mọi khó khăn.
Ông Vũ Hồng Trường – Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội trả lời độc giả |
Trước tết nguyên đán, về mặt bộ máy sẵn sàng, tuy nhiên còn phải qua trình vận hành thử chúng tôi mới đánh giá được độ sẵn sàng của nguồn nhân lực. Theo kinh nghiệm quốc tế, Nhật Bản quy định chạy thử 6-9 tháng, Trung Quốc quy định 6 tháng, trong khi chúng ta đang dự kiến triển khai chạy thử trong 3-6 tháng.
Ông Vũ Hồng Phương – Phó phụ trách Ban Quản lý Đường sắt, Bộ GTVT cũng cho biết thêm:
Công tác vận hành thử được thực hiện theo các quy trình, kéo dài từ 3- 6 tháng, với sự kết hợp của nhiều chuyên ngành. Trong tuần qua, phía tổng thầu cũng như ban quản lý dự án tiến hành công tác vận hành thử và kết quả đánh giá qua công tác này đều chưa có tình huống đặc biệt phát sinh.
Ông Vũ Hồng Phương - Phó phụ trách Ban Quản lý Đường sắt, Bộ GTVT trả lời câu hỏi của độc giả. |
Việc đánh giá kết quả toàn tuyến sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Theo kế hoạch, chúng tôi hướng đến kết quả cuối cùng là dự án vượt qua các kỳ kiểm định, đảm bảo tiêu chuẩn kĩ thuật, đảm bảo tuyệt đối an toàn. Có hai tài liệu quan trọng đánh giá quá trình này Thứ nhất là chứng nhận nghiệm thu dự án của Hội đồng nghiệm thu nhà nước và thứ hai là đánh giá an toàn từ một tư vấn độc lập.
Để đi đến 2 kết quả này, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch từ 3-6 tháng và nỗ lực rút ngắn hơn trong các điều kiện có thể.
Xin ông cho biết tuyến đường sắt sẽ được vận hành như thế nào? Kết nối với hệ thống xe buýt hiện có như thế nào để thuận tiện cho người dân đi lại?
Bộ máy công ty đã được kiện toàn, 80% nhân lực được đào tạo ở Nhật Bản, Trung Quốc và theo dự án của ADB. Nhân lực 681 người vận hành sẽ được thực nghiệm tại hiện trường, sau sát hạch ai đủ tiêu chuẩn mới được vận hành chính thức.
Về việc kết nối với hệ thống bus, năng lực thiết kế của tuyến 144 chuyến/ngày với 960 hành khách/chuyến, một ngày 160.000 – 180000 hành khách/ngày, gấp 10 lần tuyến BRT. Công ty đã có phương án giải tỏa ở các nhà ga, đường sang từ các bến xe, trạm xe bus để hành khách tiện đi lại.
Sở GTVT đã có tờ trình, Chủ tịch TP cho triển khai đường tiếp cận để cho hành khách lên bến, thông qua thang máy, thang cuốn và thang bộ.
Công ty xác định mọi dịch vụ ở nhà ga phải lấy khách hàng là trọng tâm, phục vụ tối đa cho người dân. Nhà ga sẽ có địa điểm bán đồ ăn, nước uống …
Ông Phạm Thanh Học phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến. |
Ông Phạm Thanh Học bổ sung thêm: Hành khách sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin hướng dẫn phục vụ nhằm thuận tiện di chuyển bằng xe bus hoặc các phương tiện khác sau khi dời khỏi ga của tuyến đường sắt trên cao.
Các cơ quan của TP sẽ cùng phối hợp và đưa ra giải pháp nhằm tạo điều kiện tối đa cho hành khách đi lại.
Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc trung tâm quản lý & điều hành giao thông đô thị cho biết: Mạng lưới xe bus sẽ được thay đổi để tích hợp với tuyến đường sắt. Xác định xe bus là loại hình cung ứng và giải tỏa hành khách chính cho tuyến đường sắt. Tư vấn nước ngoài cũng có nghiên cứu nếu phối hợp tốt, hành khách cho xe bus sẽ tăng mạnh.
Trên hành lang tuyến đường sắt có khoảng hơn 30 tuyến xe bus, trong đó các tuyến đầu cuối sẽ được tăng cường lượng xe. Nếu kết nối 12 ga của đường sắt với các tuyến xe bus sẽ tăng mạnh hiệu quả đi lại của người dân.
Về hạ tầng, các điểm dừng đỗ xe bus sẽ có trực tiếp ở nhà ga. Ưu tiên tiếp cận nhà ga, đặc biệt cho người đi bộ. Phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô … sẽ có vị trí thuận lợi để gửi xe, tạm thời có thể bố trí 8 nhà ga cho các phương tiện dừng đỗ và sẽ mở rộng trong tương lai.
Chính sách vé sẽ có nhiều ưu đãi tương tự như các phương tiện công cộng khác đang được Hà Nội áp dụng.
Nhà báo Hữu Việt đặt câu hỏi tại buổi giao lưu. |
Sở Giao thông Vận tải đã gửi tờ trình lên UBND TP Hà Nội về phần đi bộ cho người dân và các khu vực lân cận ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, theo đó để hành khách tiếp cận khu vực ga tàu sẽ có 3 phương thức bao gồm thang máy, thang cuốn và thang bộ.
Về tính hấp dẫn, chiến lược xây dựng của Hà Nội là giai đoạn đầu sẽ dành cho nâng cao tiện ích cho người dân thay vì mục tiêu kinh danh, hạn chế quảng cáo và tập trung thông tin cho khách hàng.
Theo khảo sát, phần đông người dân đề nghị bổ sung các cửa hàng tiện ích, ATM, máy bán hàng tự đông, khu vực đồ ăn nhanh tăng tiện ích cho hành khách.
Trước mắt, chúng tôi ưu tiên dành vị trí, không gian giới thiệu cho hành khách về tổng quan sử dụng tuyến tàu và trong thời gian tới sẽ tích cực gắn các nét văn hóa với không gian đường sắt.
Trả lời 3 câu hỏi của phóng viên đến từ báo An Ninh Thủ Đô, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm TGĐ Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, Vũ Hồng Trường cho biết, hiện bộ máy nhân lực vận hành Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã được kiện toàn, với 80% nhân lực đã qua đào tạo tại Tokyo Metro, Bắc Kinh Metro… với thời gian đào tạo từ 1 – 1,5 tháng. Tới đây, Ban QL Đường sắt sẽ triển khai việc thực hành tại hiện trường, vận hành thử, sát hạch, những người đủ tiêu chuẩn mới được vận hành chính thức.
Còn về kế hoạch liên quan tới việc giải quyết lượng hành khách xuống tại các tuyến đường sắt đô thị, ông Vũ Hồng Trường cho biết, theo dự tính ban đầu, 1 ngày, Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông dự kiến vận hành được 144 chuyến, mỗi chuyến vận chuyển khoảng 960 hành khách, trong giờ cao điểm vận chuyển trên 1.000 hành khách. Đối với công tác giải tỏa lượng hành khách xuống tại các nhà ga, Ban QL đã có kế hoạch bố trí các trạm xe buýt và các phương tiện khác, ở các nhà ga dọc đường.
Còn về 3 phương án liên quan tới giá vé của Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Ban QL đang hướng tới chọn phương án 2, với bình quân hành khách đi khoảng 5 - 6km giá vé sẽ cao hơn vé xe buýt khoảng 37%, còn đi toàn tuyến sẽ cao hơn hẳn.
Đồng quan điểm với ông Vũ Hồng Trường, Phó Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học cho rằng, để hoàn thiện công tác vận hành, cần có bảng nghiên cứu tài liệu để người dân có cơ hội tiếp cận thông tin liên quan tới các tuyến đường sắt đô thị. Bên cạnh đó, đối với việc giải quyết lượng hành khách xuống tại các ga đường sắt, Ban QL cũng cần chuẩn bị những phương án bổ sung để giải quyết tình trạng quá tải, các cơ quan TP phải tập trung, tạo điều kiện tối đa cho hành khách tham gia các tuyến đường sắt đô thị.