Giao thông kỳ nghỉ lễ: Gia tăng vi phạm do bia, rượu

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 4 ngày đã chính thức kết thúc với nhiều tín hiệu tích cực về tình hình trật tự, ATGT. Dù vậy vẫn có những mảng tối trong bức tranh chung có phần tươi sáng, đáng mừng.

Công tác kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn của lực lượng CSGT đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt. Ảnh: Đặng Nguyễn
Mạnh tay xử lý lái xe sử dụng rượu, bia
Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an cho thấy, trong 4 ngày nghỉ lễ năm nay, toàn quốc xảy ra vụ 111 tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 58 người, bị thương 64 người. Trong đó, trên đường bộ xảy ra 109 vụ, làm chết 56 người, bị thương 64 người; đường sắt xảy ra 1 vụ, làm 1 người chết; đường thủy xảy ra 1 vụ, làm 1 người chết. So với cùng kỳ năm 2020, TNGT đã giảm sâu cả 3 tiêu chí. Cụ thể, số vụ TNGT giảm 22 vụ, giảm 21 người chết và giảm 12 người bị thương.

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 là thời điểm nóng về vi phạm giao thông trên khắp cả nước, nhất là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Thống kê của Cục CSGT cho thấy, trong 4 ngày nghỉ lễ, lực lượng CSGT cả nước đã phát hiện và xử lý trên 32.000 trường hợp vi phạm; phạt tiền gần 32 tỷ đồng và tạm giữ 207 ô tô, 7.171 mô tô. Trong tổng số hơn 32.000 trường hợp vi phạm có tới 3.476 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 15 trường hợp tài xế dương tính với ma túy. So với cùng kỳ năm 2020, số tài xế vi phạm nồng độ cồn tăng gần 90%, lái xe dương tính ma túy tăng 400%. Cùng với đó, các đội CSGT trên cao tốc thuộc Cục CSGT đã xử lý 536 trường hợp, phạt tiền trên 1,7 tỷ đồng.

Trên thực tế, cuộc đấu tranh loại trừ “ma men” và “con nghiện” trong đội ngũ lái xe đã được lực lượng CSGT trên cả nước triển khai liên tục trong nhiều năm qua. Trước thời điểm nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, Cục CSGT đã triển khai cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn. Đây chính là “cú đấm thép” góp phần kéo giảm một cách rõ rệt các vụ TNGT do tài xế sử dụng rượu, bia gây ra trong thời gian qua. Và với kết quả xử phạt vi phạm nồng độ cồn trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2021 một lần nữa cho thấy hiệu quả mà “cú đấm thép” này đã mang lại trong công cuộc đảm bảo trật tự, ATGT trên cả nước.

Trạm thu phí BOT lại là tâm điểm

Cùng với TNGT, ùn tắc giao thông là một trong những vấn đề nổi cộm vào những dịp nghỉ lễ, Tết, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhìn chung, trong kỳ nghỉ năm nay, tình hình ùn tắc giao thông vẫn diễn ra. Các tuyến đường ra vào cửa ngõ Thủ đô vẫn xuất hiện ùn tắc cục bộ do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, đặc biệt trong ngày đầu và cuối kỳ nghỉ. Đây là điều khó tránh trong bối cảnh hạ tầng giao thông vốn bị quá tải từ lâu trước tốc độ phát triển chóng mặt về số lượng các phương tiện giao thông cá nhân. Tuy nhiên, nhờ các lực lượng chức năng TP đã chuẩn bị sẵn phương án phân luồng, điều tiết giao thông cũng như cắt cử cán bộ, chiến sĩ ứng trực tại các điểm nóng nên giao thông trên hầu khắp các tuyến đường nội đô cũng như cửa ngõ Hà Nội vẫn được đảm bảo. Tương tự, tình hình giao thông tại TP Hồ Chí Minh tương đối ổn định tại khu vực nội thành và cửa ngõ TP.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề nổi cộm khiến dư luận đặc biệt quan tâm trong những ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua chính là tình trạng ùn tắc trên các tuyến cao tốc, quốc lộ. Điều đáng nói, tác nhân góp phần khiến các điểm ùn tắc trở nên nghiêm trọng hơn lại chính là các trạm thu phí BOT. Theo quy định, khi xuất hiện ùn tắc kéo dài tại các trạm thu phí, nhà đầu tư BOT và đơn vị quản lý trạm phải tiến hành xả trạm để đảm bảo giao thông. Tuy nhiên, trong kỳ nghỉ lễ vừa qua, không ít trường hợp đơn vị quản lý trạm thu phí vẫn cố tình không xả trạm khi có ùn tắc kéo dài. Điều này khiến cho nhiều tài xế bức xúc và dư luận lên án. Điển hình nhất là sự việc xảy ra tại Trạm thu phí Long Phước trên cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.

Trước vấn đề này, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, Bộ GTVT cần đưa ra hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu, có thể quy định cứ xuất hiện tình trạng phương tiện xếp hàng dài từ 1km trở lên trước trạm thu phí phải xả trạm, không cần biết là ùn tắc hay ùn ứ để các DN BOT không tìm “lách” quy định.
Trong khoảng thời gian từ 6 - 8 giờ ngày 30/4, lưu lượng phương tiện trên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tăng đột biến, dẫn đến ùn tắc kéo dài từ Km3 đến Km11+115 thuộc khu vực Trạm thu phí Long Phước. Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6, thuộc Cục CSGT, Bộ Công an đã nhiều lần yêu cầu cán bộ quản lý Trạm thu phí Long Phước và lãnh đạo Công ty VECE cho xả trạm, tuy nhiên, cả lãnh đạo VECE và trạm thu phí này đều cố tình phớt lờ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần