Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gieo mầm khởi nghiệp trong sinh viên

TS Vũ Trọng Nghĩa (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày càng có nhiều dự án khởi nghiệp thành công xuất phát từ ý tưởng kinh doanh của các bạn sinh viên (SV) còn ngồi trên giảng đường.

Để ươm mầm và phát triển những ý tưởng đó từ khi còn trong “trứng nước”, sẽ cần nhiều hơn những bàn tay nâng đỡ và môi trường hỗ trợ khởi nghiệp tốt như trường Đại học Kinh tế quốc dân (ĐH KTQD).
“Gieo mầm khởi nghiệp từ giảng đường”
Với quan điểm đó, GS.TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng ĐH KTQD cho biết, ngay từ rất sớm, nhà trường đã luôn coi trọng việc đào tạo và trang bị những kiến thức cần thiết về kinh doanh và khởi nghiệp kinh doanh cho SV. Các môn học được thiết kế trong chương trình đào tạo như Quản trị Kinh doanh, Khởi sự kinh doanh, lập kế hoạch kinh doanh… luôn hấp dẫn SV tham gia học tập. Nhiều hoạt động và chương trình hỗ trợ SV khởi nghiệp thường xuyên được tổ chức cho SV ngay từ năm thứ nhất.

Các bạn trẻ giới thiệu dự án khởi nghiệp đến khách tham quan tại Festival 2016 diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Theo TS Ngô Thị Việt Nga - Trưởng Bộ môn Quản trị kinh doanh Tổng hợp, phụ trách môn học Khởi sự kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp là rất quan trọng, tạo cho SV ý thức tự làm chủ, làm giàu chính đáng chứ không chỉ đi xin việc, đi làm thuê, từ đó góp phần vào việc phát triển DN mới, tạo cơ sở để phát triển kinh tế. Chương trình đào tạo về Quản trị kinh doanh của nhà trường đã bố trí môn Khởi sự kinh doanh ngay từ rất sớm. Trong đó lồng ghép các nội dung như: Đưa SV đi tham quan thực tế một số mô hình kinh doanh, một số DN; mời một số doanh nhân thành đạt tới để trao đổi kinh nghiệm khởi nghiệp nhằm giúp SV hun đúc tinh thần khởi nghiệp. Nhờ đó, tinh thần khởi nghiệp được SV bắt nhịp nhanh chóng, không chỉ tập trung học tập, nghiên cứu khoa học, nhiều SV đã tham gia các hoạt động, thực hiện các dự án khởi nghiệp đạt kết quả tốt.
Nhằm tiếp tục thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đầu năm 2017, Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo DN Xã hội của trường được thành lập với nhiệm vụ tư vấn, giải đáp cho SV về kinh doanh và khởi nghiệp kinh doanh, cũng như những điều kiện để tiến hành khởi nghiệp… Ngoài Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo DN Xã hội, năm 2016, nhà trường chỉ đạo Khoa Quản trị Kinh doanh thành lập Câu lạc bộ (CLB) doanh gia tương lai – CFE. Các CLB khác như CLB Nhà kinh tế trẻ… cũng được thành lập để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp trong SV. Hiện nay, nhà trường đang cùng Đoàn Thanh niên xúc tiến thành lập CLB SV khởi nghiệp khối ngành Kinh tế và tham gia xây dựng không gian hỗ trợ khởi nghiệp tại trường. Đáng chú ý, Quỹ hỗ trợ Khởi nghiệp sẽ được trường thành lập nhằm hỗ trợ cho SV thực hiện các dự án khởi nghiệp khả thi.
Chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị, GS.TS Trần Thọ Đạt cho rằng, SV muốn khởi nghiệp thành công thì phải được đào tạo đầy đủ kiến thức về kinh tế, quản trị kinh doanh, khởi sự kinh doanh cũng như được trang bị một năng lực thực hành tốt. Nhà trường sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ hết sức để SV biến các ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực. Khởi nghiệp trong SV cũng là một hoạt động được nhà trường quan tâm, chú trọng và thực tế là đã đạt kết quả rất tốt trong những năm qua.
Hỗ trợ thanh niên địa phương khởi nghiệp
 Với tinh thần hết mình vì SV khởi nghiệp, phong trào khởi nghiệp lan tỏa trong nhiều thế hệ SV ĐH KTQD, nhiều dự án đã nhận được giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và trường ĐH KTQD, ĐH Ngoại Thương tổ chức.
Nhưng không chỉ hỗ trợ SV khởi nghiệp, GS.TS Trần Thọ Đạt cho biết, trường ĐH KTQD còn phối hợp với các địa phương để thúc đẩy tạo điều kiện cho thanh niên địa phương khởi nghiệp. Tháng 12/2016, trường ĐH KTQD và UBND huyện Quản Bạ (Hà Giang) tổ chức diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp và thông tin hỗ trợ thanh niên huyện Quản Bạ khởi nghiệp. Đoàn Thanh niên của hai đơn vị cũng đã ký thỏa thuận hợp tác về việc hỗ trợ cho Thanh niên huyện Quản Bạ khởi nghiệp trong giai đoạn 2017 - 2020, Đoàn trường ĐH KTQD là đầu mối kết nối các chuyên gia và nguồn lực để đáp ứng nhu cầu và hỗ trợ thanh niên huyện Quản Bạ khởi nghiệp;
Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên và Hội SV ĐH KTQD đã triển khai mô hình hoạt động tình nguyện "chuyển giao các mô hình kinh tế cho thanh niên địa phương" từ năm 2012 đến nay. Cụ thể, năm 2013 triển khai mô hình nuôi gà đồi tại huyện Như Xuân (Thanh Hóa) và hỗ trợ xây dựng 3 mô hình mẫu trị giá 15 triệu đồng cho thanh niên địa phương. Năm 2014, triển khai mô hình nuôi thỏ tại huyện Ân Thi (Hưng Yên) trị giá 10 triệu đồng và mô hình nuôi chim bồ câu Pháp tại huyện Sơn Động (Bắc Giang) trị giá 15 triệu đồng. Năm 2015, triển khai mô hình nuôi chim bồ câu Pháp tại huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) trị giá 15 triệu đồng.
Đây là các hoạt động khởi nghiệp thu hút đông đảo SV của trường tham gia, từ đó thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong SV. Cùng với lời phát động của Thủ tướng Chính phủ và truyền thống hun đúc tinh thần khởi nghiệp trong SV của trường ĐH KTQD, mong rằng tinh thần khởi nghiệp sẽ tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ và sôi động trong các thế hệ thanh niên, SV trong thời gian tới.