KTĐT - Sang Nga, những tháng đầu có việc làm, anh Lãnh đã ứng dụng thông thạo nghề được học và làm, việc rất hiệu quả. Thế nhưng từ khi phải trở về nước trước thời hạn do không có việc làm, anh Lãnh làm đủ thứ nghề như đi rừng,phụ xây, quét vôi… để kiếm sống mà không còn có cơ hội để làm nghề may nữa.
Họ được làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp và được đánh giá rất cao. Nhưng sau khi về nước, họ đã không được làm việc ở môi trường đúng với tay nghề. Đây là một sự lãng phí lớn.
Không kể số về trước thời hạn vì rủi ro, mỗi năm cả nước có khoảng 75.000 – 85.000 lao động hết hạn trở về. Họ có tay nghề và kinh nghiệm. Tuy nhiên, chỉ khoảng 20% trong số đó tìm được công việc ổn định đúng tay nghề.
Giỏi nghề về nước… làm thuê thời vụ
Trước khi đi xuất khẩu lao động ở Nga anh Nguyễn Văn Lãnh ở xã Phúc Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) đã được đào tạo rất kỹ nghề may công nghiệp. Sang Nga, những tháng đầu có việc làm, anh Lãnh đã ứng dụng thông thạo nghề được học và làm, việc rất hiệu quả.
Thế nhưng từ khi phải trở về nước trước thời hạn do không có việc làm, anh Lãnh làm đủ thứ nghề như đi rừng,phụ xây, quét vôi… để kiếm sống mà không còn có cơ hội để làm nghề may nữa.
Tương tự, anh Phan Văn Đình ở Tiểu Khu 10, thị trấn Hoàn Lão (Bố Trạch) trước khi đi lao động ở Libi cũng đã được đào tạo nghề thợ hàn một cách căn bản. Anh Đình chỉ có việc làm được một thời gian rồi phải về nước trước thời hạn. Để mưu sinh anh buộc phải làm nghề “thợ đụng” (ai thuê gì làm nấy), còn nghề hàn thì đành “để dành”…
Khác với trường hợp của anh Đình, anh Lãnh, anh Nguyễn Văn Lương (Yên Khánh, Ninh Bình) có một chuyến xuất ngoại thành công. Sau 3 năm ở Đài Loan trở về, anh tích cóp được hơn trăm triệu, sửa nhà, mua xe, trả nợ, số còn lại anh gửi ngân hàng để “ ăn dần”.
Anh Lương thở dài: “Lúc mới về nước cũng chẳng nghĩ được đến chuyện phải làm một cái gì đó với số tiền mình có. Sau đó mới nhận ra là mình lại thất nghiệp như ngày chưa đi xuất khẩu lao động. 3 năm làm nghề cơ khí tại Đài Loan giờ cũng không đủ tiền để mở xưởng làm nghề”.
Ông Lê Xuân Dục- Trưởng phòng Chính sách lao động, Sở LĐ- TB&XH Quảng Bình trao đổi: “Nhiều lao động về sau khi về nước cảm thấy thỏa mãn với số tiền kiếm được và bắt đầu ăn tiêu thoải mái, họ cũng không nghĩ đến việc phải tận dụng nghề được đào tạo để tìm việc làm. “Miệng ăn núi lở”, rồi “nghèo lại hoàn nghèo” nếu không biết sử dụng vốn và tay nghề mình có”.
“Lao động sau xuất khẩu là nguồn lao động có chất lượng và đã được đào tạo bài bản. Họ được làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp và được đánh giá rất cao. Nhưng sau khi về nước, họ đã không được làm việc ở môi trường đúng với tay nghề. Đây là một sự lãng phí lớn”.
Lãng phí nguồn lực
Theo ông Đào Công Hải- Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), lao động sau xuất khẩu là nguồn lao động có chất lượng và đã được đào tạo bài bản. Họ được làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp và được đánh giá rất cao.
Nhưng sau khi về nước, họ đã không được làm việc ở môi trường đúng với tay nghề. Đây là một sự lãng phí lớn trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực của nước ta. Nguyên nhân có thể do người lao động chưa được định hướng rõ ràng và một phần do chủ sử dụng lao động trong nước chưa được nhạy bén…
Theo thống kê của Cục quản lý Lao động ngoài nước, số lao động về nước được “tận dụng” đúng nghề chỉ có khoảng 20%, phần lớn trong số đó là những người đi làm việc tại thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. Khoảng 80% lao động từ 2 thị trường này về nước tìm được việc làm ổn định trong các công ty của Nhật Bản, Hàn Quốc tại VN. Theo ông Đào Công Hải, ở các thị trường khác như Đài Loan, Malaysia… người lao động về nước có việc theo ý muốn không nhiều.
Ông Chang Hee Lee- chuyên gia về lao động đối ngoại và xã hội của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng, lao động VN đã được đánh giá tốt trong thời gian làm việc tại nước ngoài, đặc biệt là ở Hàn Quốc.
Nếu xét về tính cạnh tranh, đây là nguồn lao động tạo ra tính cạnh tranh cao hơn lao động đã qua đào tạo nghề trong nước. Bởi lẽ tuyển dụng nguồn lao động này các công ty sẽ giảm được chi phí đào tạo học nghề và học tiếng. Nếu không tận dụng được lực lượng này quả là một sự lãng phí lớn về nhân lực của VN.