Văn hóa giao thông chính là biểu hiện một khía cạnh của văn hóa người Hà thành như câu nói “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” và “Nhất cao là núi Ba Vì/ Nhất thanh, nhất lịch Kinh kỳ Thăng Long”.
Khi tham gia giao thông, có thể thấy, phần lớn người Hà Nội đã chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. Điều đó được thể hiện tương đối rõ trên đường phố. Chẳng hạn, khi gặp đèn đỏ, phần lớn người tham gia giao thông đều dừng đúng vạch sơn. Tình trạng vượt đèn đỏ, đứng tràn lên cả vạch đường dành cho người đi bộ đã hạn chế hơn rất nhiều so với trước đây. Nét đẹp trong văn hóa tham gia giao thông của người Hà Nội đang được định hình ngày càng rõ nét hơn. Hiện cả nước có hơn 22 triệu học sinh, sinh viên, chiếm gần 30% dân số toàn quốc (chưa kể đến đội ngũ thanh niên không theo học tiếp cấp THPT và các đối tượng lao động khác là thanh niên). Đây là nhóm đối tượng chiếm khoảng một nửa số người tham gia giao thông hàng ngày trên đường. Đồng thời, cũng là thế hệ có tính chất quyết định đối với kỷ cương giao thông của cả nước trong tương lai gần. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Thanh niên là người chủ tương lai của đất nước, nước nhà thịnh hay suy, mạnh hay yếu một phần là do họ”. Thực tế nhóm lực lượng này đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nhiều tuyến phố, nhiều con đường xanh – sạch – đẹp, xây dựng nhiều con đường giao thông nông thôn, bảo vệ và giữ gìn, xây dựng nhiều công trình giao thông công cộng. Họ là đội ngũ tuyên truyền viên tích cực về văn hóa giao thông. Ngoài nhiều đợt ra quân, diễu hành xây dựng văn hóa giao thông có rất nhiều hình thức tuyên truyền mà lực lượng thanh niên đã đang tham gia như: tổ chức tuyên truyền qua hệ thống bảng tin, website, biên tập, in ấn và phát tờ rơi, pano, áp phích và băng đĩa, cờ khẩu hiệu, các tài liệu tuyên truyền về văn hóa giao thông, tổ chức các diễn đàn, tọa đàm trao đổi văn hóa giao thông… Lực lượng học sinh, sinh viên, thanh niên đã dương cao khẩu hiệu “văn hóa giao thông đồng hành tuổi trẻ”, “Một ý thức giao thông, triệu nụ cười hạnh phúc” “Xây dựng xã hội giao thông văn minh, đầy tình người và không tai nạn”. Học sinh, sinh viên, thanh niên cũng là lực lượng xung kích, lực lượng chủ chốt tham gia vào công tác giữ gìn trật tự ATGT, tiêu biểu như sinh viên, thanh niên tình nguyện phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông điều khiển giao thông trên các tuyến đường hay xảy ra ùn tắc. Thanh niên, sinh viên với màu áo xanh và lá cờ đỏ cầm tay trên các đường phố chính là một hình ảnh đẹp của đất nước. Thiết nghĩ, chỉ có học sinh, sinh viên mới có thể tự thay đổi được tư duy và nhận thức của bản thân mình khi tham gia giao thông. Từ đó thu hút đông đảo người dân trong công cuộc xây dựng nền tảng văn hóa giao thông. “Con ma” giao thông không chừa bất cứ một ai và có thể đến trong bất kỳ tình huống nào. Vì vậy, muốn giảm thiểu vấn nạn giao thông, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng cũng phải cần đến ý thức tham gia giao thông của chính bản thân mỗi con người mà giới trẻ phải là lực lượng nòng cốt. Văn hóa giao thông không có gì to tát cả, đó chỉ là chấp hành quy định khi tham gia giao thông, tôn trọng chính bản thân mình và những người xung quanh. Bản thân thanh niên cần gương mẫu đi đầu trong việc giữ gìn trật tự ATGT, xây dựng văn hóa giao thông. Đồng thời tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, cổ động về văn hóa giao thông tại Hà Nội nói riêng và trên mọi miền đất nước, kể cả vùng sâu, vùng xa nói chung. Quan trọng họ phải tự đấu tranh mạnh mẽ với những biểu hiện tiêu cực từ các hành vi vi phạm trật tự ATGT mà trong số đó phần lớn nguyên nhân lỗi đều xuất phát từ chính họ. Có vận động, tuyên truyền thì phải có kiên quyết nhận lỗi xử phạt do chính bản thân mình gây ra mới mong vãn hồi được các hành vi vi phạm có chiều hướng gia tăng. Thanh niên, học sinh, sinh viên phải sống và làm việc đúng như câu nói: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.
Thanh niên Thủ đô tại Lễ ra quân hưởng ứng ''Năm ATGT 2016''. Ảnh: Công Hùng |