KTĐT - Tầm 5h chiều hoặc chập choạng tối, các cửa hàng giảm giá nườm nượp khách. "Thượng đế" phần đông là giới trẻ tranh thủ mua sắm quần áo diện trong ngày Tết.
Chạng vạng tối, các cửa hàng quần áo giảm giá nườm nượp khách. "Thượng đế", phần đông là giới trẻ, luôn chân luôn tay lật lật đống đồ để chọn mặt hàng ưng ý.
Đi dọc các tuyến phố Tôn Đức Thắng, Hai Bà Trưng, Chùa Bộc, Nguyễn Lương Bằng, Thái Hà (Hà Nội) nhan nhản các biển giảm giá, từ 30 đến 50%, "xả hàng cuối năm" kèm các hình thức khuyến mãi như "mua 1 tặng 1", "lì xì năm mới"... Quần áo giảm giá đa dạng từ hàng xuân hè cho đến thu đông bày la liệt thành khu riêng biệt hoặc chất đống trong từng thùng. Các cửa hàng quần áo thường bán kèm phụ kiện như giày dép, guốc, khăn quàng...
Chiều muộn tại cửa hàng thời trang Made in Vietnam trên phố Chùa Bộc, hàng chục khách hàng chen nhau mua đồ giảm giá. Thùng quần áo chất đống với giá 85.000 đồng được nhiều khách hàng quan tâm. Lòng vòng suốt hơn 2 tiếng đồng hồ, chị Ngân Hà (một nhân viên ngân hàng) cũng mua được chiếc áo khoác mỏng, 2 chiếc quần bò với giá chưa đến 300.000 đồng. Theo chị, giáp Tết là thời điểm lý tưởng để săn quần áo vì giảm giá sâu. Chị cho biết, phải tranh thủ mua ngay tối để sáng mai bắt tàu về quê Thanh Hóa sớm. “Nhà có cháu nhỏ, tranh thủ mua mấy đồ về làm quà luôn”, chị chia sẻ.
Hà Thu (sinh viên ĐH Ngoại ngữ Hà Nội) cho biết mua hàng ở các shop có tiếng thường yên tâm về mặt chất lượng nhưng mức giảm giá không nhiều, tầm khoảng 10-20%. Ngược lại, các hàng đổ đống bình dân có giá "bèo", chỉ khoảng 50.000 đồng-75.000 đồng mỗi chiếc áo nhưng mẫu mã xấu hơn. "Các loại quần áo này, thường để sâu trong thùng nhàu nhĩ, hoặc có một vài vết bụi bẩn nhưng chỉ cần giặt sạch là lại thành hàng "chuẩn", Hà Thu chia sẻ.
Quần áo hạ giá thường bán dưới dạng "đổ xô" không ít trường hợp bị rách, bục chỉ, sờn hoặc lỗi mốt. Tuy nhiên, theo Hà Thu, khi mua hàng giảm giá, cô ít khi quan tâm đến thương hiệu vì thực tế nhiều hàng xuất khẩu đã bị cắt nhãn để "tuồn" ra ngoài. "Thấy chất vải mềm, mịn, mát kết hợp màu sắc ưng ý, giá cả phải chăng là mua", Hà Thu nói.
Thanh Hương (nghề PR), tín đồ của việc săn hàng giảm giá, cho hay, ngoài việc lang thang trên phố lớn hoặc các chợ nhỏ, cô còn thường xuyên cập nhật các trang web bán hàng qua mạng để mua đồ Việt Nam xuất khẩu của các hãng OldNavy, GAP, American Eangle Outfitter (AE)... Không quá mất thời gian phải lang thang dạo phố, chỉ cần click chuột trên các diễn đàn lớn như muare, raovat, enbac... là có thể mua được đồ ưng ý.
Cô cho biết, cuối năm, muốn đẩy hàng nhanh nên ngoài việc giảm giá, các chủ cửa hàng còn sẵn sàng miễn phí tiền giao hàng. Năm nay, chiến lợi phẩm cô "rinh " về là chiếc áo gi-lê lông màu kem hãng OldNavy mềm mại với giá hơn 200.000 đồng và chiếc áo khoác mùa thu bằng cotton 120.000 đồng, giảm gần một nửa so với với thời điểm bình thường.
Trao đổi với PV, ông Trần Ngọc Duy, quản lý cửa hàng Made in VietNam 2B Phạm Ngọc Thạch cho hay, các hãng thời trang đua nhau giảm giá từ 23 Tết. Lượng khách hàng đông nghịt vào dịp 25-26 Tết và ngày cao điểm có thể lên tới hàng trăm người, trong đó 85% là giới trẻ, đông nhất vẫn là giờ tan tầm và chiều tối.
Ông Duy lý giải, quần áo là mặt hàng rất dễ bị lỗi mốt nên nhiều shop phải đẩy hàng đi thật nhanh tránh tồn lại cho năm sau. Ngoài ra, đánh đúng tâm lý người miền Bắc rất thích mua đồ giảm giá, các cửa hàng đã đua nhau hình thức khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng. "Tuy nhiên, cũng không ngoại trừ có cửa hàng tự ý nâng giá sau đó treo biển giảm giá để đánh lừa khách hàng. Trong những trường hợp đó, khách hàng phài cẩn trọng tham khảo giá ở nhiều nơi", ông Duy cảnh báo.