Song chỉ đến tập truyện ngắn "Gã thợ săn" ra mắt dịp này, tác giả Đinh Đức Cường mới thực sự khẳng định giọng điệu và cái nhìn từng trải của một người lính, một nhà doanh nghiệp có duyên với văn chương chữ nghĩa.
Nói về "giọng" của tác giả Đinh Đức Cường, nhà văn Sương Nguyệt Minh đầy hứng thú: Đại văn hào người Mỹ William Faulkner nói rằng: "Người nghệ sĩ không có thời gian để nghe các nhà phê bình". Đinh Đức Cường không những không có thời gian để nghe các nhà phê bình, mà ông cũng… chẳng nghe ai. Đối với nhà văn, viết là sự thôi thúc, giục giã, tự giác giải tỏa những ưu tư, và "những băn khoăn triết học", sau đó là muốn tự cắt nghĩa cuộc sống. Lúc đầu, Đinh Đức Cường cũng chẳng "băn khoăn triết học". Đố ai tìm được quyển sách lý luận phê bình văn học nào trong tủ sách nhà ông. Ông trình bày và phản ánh hiện thực bằng chính sự từng trải và kinh nghiệm sống. Ông viết bằng bản năng, cứ kể và tả tự nhiên chủ nghĩa, cứ lần mò theo cách nhận đường "dò đá qua sông". Sau thì cứ dần dần ngẫm nghĩ, tự ý thức nghề tiến dần đến chuyên nghiệp. Thế mà thành, "ra tấm ra miếng" từ lúc nào trong hành trình sáng tạo đơn độc đầy khổ ải, nhọc nhằn thì chỉ ông biết được.
Đọc tác phẩm của ông những ngày này càng hay và như nhiều người nói "càng đọc càng ngấm", bởi trong "giọng" văn ấy có đủ những ký ức buồn, mất mát trong trận mạc, đến đời sống mưu sinh đảo điên, trí trá, tính toán thời kinh tế thị trường. Ví như truyện ngắn "Gã thợ săn", Đinh Đức Cường đã chạm vào góc tăm tối cuối cùng của người lính, ông đánh thức nhân vật quáng mù để họ bước ra ánh sáng, tắm gội tâm hồn cho thanh sạch. Ông không thuộc dạng nhà văn xa thực tế, hoặc đẽo gọt câu chữ, làm văn du dương, kể tả sực mùi son phấn, salông. Ông là người viết của những vấn đề đang tồn tại ngang trái, éo le, trần trụi ngoài đời, với tư cách là người trực tiếp can dự hoặc quan sát chiêm nghiệm. Ông đắm mình vào cuộc sống và nhận diện cuộc sống, nhận mặt con người, nhập hồn bắt vía nhân vật không mấy khó khăn. Thế giới nhân vật của Đinh Đức Cường đa dạng, khác lạ: Thằng Koong ngố ngọng nghịu, dở người dở ngợm, trí tuệ đần độn mà vẫn khao khát yêu thương đến tội nghiệp (Thằng Koong); Tư Kiên đi qua chiến tranh, quên người cưu mang, quên cả tình yêu với cô gái trẻ, rồi tỉnh thức sám hối, đi tìm lại những giá trị đẹp tự đánh mất, dù muộn màng (Về với kỷ niệm xưa)… Thế giới nhân vật của Đinh Đức Cường còn sinh động ở sự đối lập tính cách, con vật trong tác phẩm cũng trở thành người, thành nhân vật và tính cách phát triển từ tự phát đến tự giác.
"Văn là người", Đinh Đức Cường là vậy khi trái tim luôn đồng hành cùng ngòi bút. Đọc trang văn nào của ông cũng có cảm giác nhà văn này đang cúi xuống nâng đỡ, dìu dắt những số phận tật nguyền, những kẻ yếu thiệt thòi, mất mát, bất hạnh. Điều này rõ nét trong tập truyện ngắn "Gã thợ săn" vừa ra mắt.