Nhân sự kiện này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khắc Lợi – Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, đơn vị chủ trì thực hiện và triển khai đề án.
Nhấn mạnh mô hình văn hóa
5 năm thực hiện đề án, ông có thể cho biết con số hay thông tin cụ thể để đong đếm chất lượng đạo đức lối sống của con người Thủ đô đang được nâng lên?
- Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần làm giảm đáng kể các đơn thư khiếu kiện; các mâu thuẫn trong gia đình, làng xóm, khu dân cư đều được các tổ hòa giải hòa giải thành công ngay tại cơ sở, các hiện tượng bạo lực gia đình giảm đáng kể, đối tượng nghiện mới ít phát sinh. Hầu hết các thôn xóm, tổ dân phố đã xây dựng được Quy ước về xây dựng gia đình văn hóa, được người dân đồng tình và cam kết thực hiện. Những nét đẹp văn hóa được giữ vững, tình nghĩa xóm làng, khu phố ngày càng được gắn bó bền chặt; nhiều gia đình đã biết khắc phục mọi khó khăn vươn lên để phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình nuôi dạy con tốt.
Trong quá trình thực hiện đề án, Sở VH&TT Hà Nội nhấn mạnh vào tuyên truyền các vấn đề gì?
- Ngay từ đầu Sở VH&TT đã phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí T.Ư và địa phương, chỉ đạo các cơ sở trên địa bàn TP tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống bằng nhiều nội dung và hình thức. Tập trung tuyên truyền có trọng tâm trọng điểm như: Tuyên truyền Luật Hôn nhân gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em.
Các văn bản của T.Ư và TP về công tác gia đình và các văn bản liên quan như: Chính sách liên quan đến việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững, đặc biệt là đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức lối sống, cách ứng xử trong gia đình… Ngoài ra, chúng tôi còn tập trung đến các nội dung liên quan đến việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, thể hiện trong Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy: Xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch trong giao tiếp, ứng xử; Nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp; thực hiện tốt các quy định về trật tự đô thị, xây dựng văn hóa giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông...
Một trong những nhiệm vụ cốt lỗi của việc tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam là phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa. Tại Hà Nội, phong trào này được triển khai riêng biệt và hiệu quả như thế nào?
- Đi đôi với việc đẩy mạnh công tác truyền thông, các địa phương đã thường xuyên tổ chức hoạt động lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, làng, khu phố văn hóa. Các phong trào do các tổ chức, đoàn thể phát động như: “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”; “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Gia đình dòng họ hiếu học”; phong trào “Xây dựng nông thôn mới”, “Xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”...
Cùng với việc tuyên truyền vận động đó, ở nhiều địa phương đã thành lập và đi vào hoạt động các loại hình Câu lạc bộ (CLB) như: CLB “Gia đình văn hóa”, CLB “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”; CLB Phòng, chống bạo lực gia đình... Xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình, tiêu biểu, tạo ra phong trào xây dựng gia đình ít con, no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, biểu dương kịp thời và nhân rộng các mô hình gia đình vượt khó vươn lên, gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình trẻ hạnh phúc, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em...
Việc thực hiện Đề án trên địa bàn TP góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa phát triển cả về số lượng và chất lượng. Công tác bình xét công nhận danh hiệu gia đình văn hóa trong những năm gần đây đạt kết quả đáng ghi nhận.
Tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa luôn đạt từ 84 – 85%, tỷ lệ làng, thôn được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa luôn đạt từ 53 – 55%, năm 2015 tỷ lệ Tổ dân phố được công nhận danh hiệu Tổ dân phố văn hóa đạt 70%. Việc triển khai thực hiện Đề án đã thực sự có tác động và làm thay đổi cuộc sống tinh thần, vật chất của nhiều gia đình. Nhiều gia đình có điều kiện tốt hơn để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, xây dựng gia đình khá giả, hạnh phúc.
Nhiều hộ đã thoát được nghèo, mức sống được nâng lên. Việc giáo dục truyền thống gia đình, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, chăm sóc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ được tăng cường; việc thực hiện nếp sống mới, giữ gìn vệ sinh môi trường, phát huy tình làng nghĩa xóm được đông đảo người dân chú trọng và đồng tình hưởng ứng.
Những kết quả bước đầu đạt được từ Đề án “Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam” qua 5 năm trên địa bàn TP không chỉ tác động đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân mà còn giữ gìn được những nét đẹp, truyền thống văn hóa của mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư, của quê hương, đất nước góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cả về bề rộng và chiều sâu, đặc biệt là việc tổ chức thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011 - 2015”.
Tệ nạn giảm nhưng không bền vững
Nếu nhìn vào những thành tích kể trên, có thể thấy mối lo của dư luận xã hội về tình trạng xuống cấp của đạo đức lối sống là không hợp lý. Tuy nhiên, phải thừa nhận rất nhiều câu chuyện bạo lực, hành vi thiếu văn hóa diễn ra trên địa bàn Thủ đô xuất hiện hàng ngày trên phương tiện truyền thông. Theo ông, nguyên nhân vì sao?
- Chúng tôi cũng thấy rằng các tệ nạn xã hội tuy có giảm song chưa bền vững; một số ít thanh thiếu niên vẫn còn có lối sống buông thả, thực dụng, xa rời truyền thống đạo đức, văn hóa của dân tộc, vẫn còn những mâu thuẫn trong gia đình, số làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa đạt tỷ lệ chưa cao.
Sau những mặt được và chưa được, trong thời gian tới, Sở VH&TT Hà Nội có kế hoạch tập trung vào các công việc nào để nâng cao hơn nữa đạo đức lối sống của các gia đình tại Thủ đô?
- Sở tiếp tục tập trung phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách pháp luật, xây dựng chuyên trang, chuyên mục về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục về vai trò, vị trí, ý nghĩa của đạo đức, lối sống cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình và các tổ chức, lực lượng xã hội đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, của dân tộc.
Thường xuyên nêu gương người tốt việc tốt, phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình; triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình và đạo đức lối sống trong gia đình với các nội dung hướng dẫn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán của từng địa phương.
Xin cảm ơn ông!
Một hoạt động hưởng ứng giáo dục lối sống gia đình tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: Thanh Loan
|