Giữ sức khỏe cho trẻ lúc giao mùa

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kèm theo những cơn gió se lạnh là yếu tố thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển.

Trong đó, thường gặp nhất là các bệnh lây nhiễm như chân tay miệng, sốt virus và viêm phế quản ở trẻ nhỏ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, những căn bệnh này sẽ biến chứng nặng.

Tăng số ca nhập viện

Mới bước vào đầu thời điểm giao mùa, số trẻ nhập viện điều trị các bệnh do virus, viêm phế quản tại Khoa Nhi, Bệnh viện (BV) Đa khoa Xanh Pôn đã tăng 10%. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thường – Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Phó Giám đốc BV Đa khoa Xanh Pôn, từ đầu tháng 8 đến nay đã có hơn 100 trẻ đến khám do mắc bệnh chân tay miệng (trong đó khoảng 20 ca phải nằm viện), khoảng 250 - 300 trẻ nhập viện do viêm phổi, viêm phế quản... Ngoài ra, số trẻ nhập viện điều trị do sốt virus kéo dài, sốt xuất huyết cũng tăng lên. Đây cũng là tình trạng chung thường gặp vào thời điểm giao mùa mỗi năm.
Khám cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa Đống đa. Ảnh: Công Hùng
Khám cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa Đống đa. Ảnh: Công Hùng
Như trường hợp của bé Phạm Bảo A. (huyện Ứng Hòa) mới 2 tháng tuổi nhưng đã một tháng nay phải nằm điều trị tại Khoa Nhi do viêm phổi cấp. Cả tháng trời ăn ở trong BV, mọi sinh hoạt của gia đình Bảo A. đều bị xáo trộn khi cả bố và bà ngoại phải nghỉ làm để thay nhau vào viện phụ chăm bé. Mẹ Bảo A. tâm sự, do lúc đầu bé bị sốt nhẹ, ho hắng chút nhưng gia đình chủ quan không đưa đi khám sớm mà điều trị tại nhà nên bé bị biến chứng vào phổi. Tương tự, bé Lê Tường M. (15 tháng tuổi, quận Đống Đa), vào ngày cơn bão số 1 vừa mới đi qua, thời tiết vẫn se lạnh, do chủ quan, bố M. đã cho bé đi chơi mà không mặc đủ ấm khiến bé bị nhiễm lạnh. Sốt kéo dài, ho nhiều về đêm nên khi đưa đến BV, bé M. được chẩn đoán mắc viêm phổi. Sau một tuần nằm viện, sức khỏe của bé đã có nhiều tiến triển.

Không chủ quan với các dấu hiệu bệnh

Theo bác sĩ Thường, viêm phổi là bệnh thường hay gặp ở trẻ nhỏ trong thời tiết giao mùa. Viêm phổi sơ sinh thường do các loại vi khuẩn như Listeria, Coli, các vi khuẩn Gram âm. Khi mắc bệnh, các phế quản nhỏ, phế nang và các tổ chức xung quanh phế nang bị viêm gây rối loạn trao đổi khí, rất dễ dẫn đến suy hô hấp. Ở trẻ sơ sinh, bệnh hay tiến triển nặng, thậm chí có thể gây tử vong. Trong khi đó, triệu chứng ban đầu của bệnh ở trẻ nhỏ thường rất nghèo nàn và không đặc hiệu, chủ yếu là sốt cao liên tục không hạ và trẻ bỏ ăn. Do vậy, bác sĩ Thường khuyến cáo, các bậc phụ huynh không được chủ quan với các dấu hiệu của bệnh, cần cho trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất khi trẻ có các dấu hiệu bất thường như ho, sốt kéo dài hay bỏ ăn.

Bên cạnh đó, phụ huynh nên cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Giữ ấm chân, tay và cổ khi thời tiết chuyển lạnh, đeo khẩu trang với trẻ lớn và che chắn kỹ với trẻ sơ sinh khi phải ra ngoài trời, nhất là về chiều tối khi trời se lạnh. Ngoài ra, cần đảm bảo giữ gìn VSMT xung quanh nơi trẻ ở, thường xuyên lau rửa các đồ chơi, rửa tay cho trẻ để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt, cần hạn chế tối đa cho trẻ tiếp xúc với những đối tượng đang mắc bệnh và những nguồn gây bệnh.