Tuy nhiên, để phát triển sản xuất, tiêu thụ RAT bền vững, Vân Nội rất cần sự vào cuộc của các nhà quản lý, nhà khoa học nhằm khẳng định chất lượng RAT với người tiêu dùng. Đưa sản xuất rau an toàn vào nền nếp Sản xuất RAT manh nha tại Vân Nội từ năm 1995, trải qua 21 năm, sản xuất RAT tại địa phương đến nay đã đi vào nền nếp. Toàn xã hiện có 93ha RAT với 16 HTX, công ty tham gia hoạt động tiêu thụ RAT, sản lượng trung bình 50 tấn/ngày. Sản phẩm được bán chủ yếu qua các kênh siêu thị, bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp. Với giá trị sản xuất đạt trung bình từ 400 – 500 triệu/ha/năm, RAT đã giúp người dân Vân Nội nâng cao đời sống. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,47%.
Cùng với kinh nghiệm sản xuất, các hộ trồng rau ở Vân Nội đều tuân thủ áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng ATTP. Đáng chú ý, cùng với sự hỗ trợ của Chi cục BVTV Hà Nội, Vân Nội đang duy trì sản xuất trên 20 loại rau, trong đó có rau trái vụ (su hào, cải bắp, súp lơ…) cho hiệu quả kinh tế cao. Chị Nguyễn Thị Hường, thôn Ba Chữ, xã Vân Nội chia sẻ, gia đình có 2.000m2 trồng các loại rau ăn lá. Mỗi tháng, trừ các khoản chi phí, thu lãi trên 10 triệu đồng. “Tham gia HTX, tôi được tập huấn đầy đủ kiến thức sản xuất an toàn, nắm bắt thị trường. Nhờ đó, sản phẩm RAT của gia đình luôn được HTX thu mua với mức giá cao và ổn định” - chị cho biết. Theo số liệu tổng hợp của Chi cục BVTV Hà Nội, có hơn 70% số hộ trên địa bàn xã Vân Nội tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật sản xuất RAT. Việc sử dụng phân hữu cơ và các loại thuốc BVTV cũng được các hộ dân nghiêm túc thực hiện. Đặc biệt là sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học vào giai đoạn sắp thu hoạch, đảm bảo thời gian cách ly. Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã lấy 8 mẫu rau tại vùng sản xuất RAT Vân Nội, kết quả phân tích 100% mẫu đều ở ngưỡng cho phép. Cần hỗ trợ nông dân nhiều hơn Là người có 20 năm kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ RAT, ông Trần Văn Mây – Chủ nhiệm HTX tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vân Nội cho hay, 2 năm trước, nông dân Vân Nội cứ phải loay hoay với việc làm thế nào để diệt trừ sâu đất. Bởi đây là loại sâu hại rau phổ biến nhưng trên thị trường chưa có thuốc đặc trị. Thế rồi từ kinh nghiệm thực tế, nông dân đã nghĩ ra cách bơm đầy nước có hòa vôi vào ruộng, ngâm từ 7 – 10 ngày là diệt trừ được loài sâu này. Ông Mây mong muốn các nhà khoa học ưu tiên nghiên cứu về rau nhiều hơn. Đồng thời, sáng chế ra các loại thuốc BVTV thảo mộc, sinh học để thay thế các loại thuốc BVTV hóa học. Hiện nay, với sản lượng RAT thực tế 34 tấn/ngày, Vân Nội chỉ đáp ứng khoảng 65% nhu cầu tiêu thụ. Do đó, các HTX, công ty “đành” phải nhập thêm rau từ các địa phương khác để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Điều này làm xuất hiện những kẽ hở trong quản lý kinh doanh RAT và ít nhiều làm ảnh hưởng đến thương hiệu RAT Vân Nội. Nhằm xóa bỏ sự nhập nhèm trong kinh doanh RAT, mới đây, xã Vân Nội đã đầu tư xây dựng chợ đầu mối RAT với diện tích 2,9ha, kinh phí đầu tư 60 tỷ đồng bằng phương thức xã hội hóa. Ngày 28/6 vừa qua, chợ đã chính thức khai trương và đi vào hoạt động. Để quản lý chặt chẽ khâu tiêu thụ, xã đã cấp phát thẻ cho từng hộ đăng ký buôn bán sản phẩm RAT tại chợ. Ông Ngô Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND xã Vân Nội kiến nghị, TP và huyện Đông Anh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ xã về kinh phí, nhân lực trong hoạt động quản lý, giám sát sản xuất và tiêu thụ RAT. Đồng thời, TP cần sớm thành lập Ban điều phối hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS) trong quản lý ATTP đối với sản phẩm rau. Đây là hệ thống giám sát có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân liên quan trực tiếp vào chuỗi cung ứng sản phẩm rau (người sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng) đang được nhiều tỉnh, thành áp dụng hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh (ngoài cùng bên phải) tham quan ruộng sản xuất RAT tại xã Vân Nội. Ảnh: Ánh Ngọc |
Hỗ trợ xây dựng thí điểm chuỗi cung ứng nông sản an toàn Liên minh HTX Việt Nam vừa thông qua kế hoạch hỗ trợ xây dựng chuỗi cung ứng nông sản an toàn và thí điểm 200 cửa hàng từ quý III/2016. Cụ thể, Liên minh sẽ hỗ trợ 100% kinh phí bồi dưỡng cán bộ HTX, xây dựng website, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm… Cùng với đó, hỗ trợ các HTX tối đa 60% kinh phí xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, ưu tiên xúc tiến thương mại. Trước mắt, kế hoạch sẽ ưu tiên việc cung ứng cho một số trung tâm đô thị lớn. (Lâm Nguyễn) |