Khi nào nên đi khám?
Glôcôm có 4 thể bệnh chính. Thứ nhất, glôcôm mạn tính: Đây là quá trình mạn tính của việc dẫn lưu thủy dịch bị cản trở qua nhiều năm tháng, gây tổn hại thị lực và thị trường mạn tính, không đau đớn và bất khả hồi. Glôcôm mạn tính thường gặp trên người phương Tây, đặc biệt là người di cư da màu, tuổi từ 40 trở lên. Cơ địa viễn thị, đái tháo đường, gia đình có người bị bệnh cũng làm căn bệnh này dễ phát triển. Do không có triệu chứng nên việc phát hiện bệnh chủ yếu là nhờ khám sàng lọc. Việc mất dần trường nhìn của mắt (khuyết hay co hẹp thị trường) là minh chứng bệnh đã phát tác. Bên cạnh đó, việc đo nhãn áp có hệ thống, khảo sát kỹ càng tình trạng của thị thần kinh cũng là những biện pháp giúp chẩn đoán dương tính thể bệnh này.
Thứ hai, glôcôm cấp tính: Phổ biến ở các nước phương Đông, do tắc nghẽn dẫn lưu thủy dị glôcôm cấp tính. Ngược lại với thể mạn tính vừa nêu, bệnh nhân sẽ có đau nhức dữ dội do áp lực nội nhãn bị tăng cao đột ngột. Mắt đỏ nhiều, giảm thị lực mạnh. Một số bệnh nhân có nôn mửa, nhìn đèn thấy quầng sắc màu ở giai đoạn sớm. Ở thể nhẹ, bệnh chỉ thể hiện bằng nhìn đèn có quầng xanh đỏ, hay xảy ra vào buổi tối. Nếu ở giai đoạn này, người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt sớm, để được chẩn đoán, xác định bệnh.
Thứ ba, glôcôm thứ phát: Là tình trạng tăng nhãn áp do các bệnh khác tại mắt như viêm màng bồ đào, một số bệnh lý của thể thủy tinh…
Thứ tư, glôcôm bẩm sinh: Xảy ra ở trẻ có bất thường ở hệ sản xuất và dẫn lưu thủy dịch, thường đi kèm với một số dị dạng của hệ thống tâm thần kinh và tim mạch.
Hai thể glôcôm này khá hiếm gặp trong cộng đồng, được phát hiện chủ yếu trong bệnh viện chuyên khoa mắt.
Điều trị bệnh glôcôm
Phát hiện sớm, điều trị ngay lập tức là điều tối quan trọng để ngăn chặn tiến triển xấu của bệnh. Bệnh glôcôm có thể điều trị bằng thuốc, laser, phẫu thuật kinh điển hoặc cải biên, phối hợp nhiều loại phẫu thuật… Có rất nhiều loại thuốc uống, thuốc nhỏ, đa chất hoặc đơn chất. Mục đích chung của việc dùng thuốc là làm giảm áp lực nhãn cầu xuống mức an toàn. Việc dùng thuốc yêu cầu phải thường xuyên, đều đặn, có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Một số thuốc có thể gây vài tác dụng phụ như đau đầu, bạc và rậm lông mi, đỏ mắt, cảm giác bỏng rát… Điều trị bằng laser, dùng tia laser chiếu từ bên ngoài để tạo hình vùng bè làm tăng khả năng dẫn lưu thủy dịch ra ngoài, giảm áp lực nội nhãn hữu hiệu. Đây là can thiệp không đau, chỉ cần bất động đầu và phối hợp tốt là được. Sau laser có thể phải dùng thêm một số thuốc giảm đau, chống viêm. Các loại phẫu thuật: Có thể được các bác sĩ chỉ định trong quá trình điều trị bệnh với mục đích tạo nên một đường dẫn lưu thủy dịch mới cho mắt, thay thế hoặc bổ sung cho các con đường cũ của “cha sinh, mẹ đẻ”. Phẫu thuật phải tiến hành trong phòng mổ, sau mổ phải dùng thuốc kháng sinh và chống viêm trong vài tuần. Khoảng 60 - 80% bệnh nhân sẽ có được ngưỡng nhãn áp an toàn nhờ các phương pháp phẫu thuật. Các biến chứng sau phẫu thuật phải tính đến là đục thể thủy tinh sớm, viêm và nhiễm trùng, biến chứng của giác mạc và sẹo bọng, nhãn áp bị hạ quá thấp…
Phương pháp điều trị cho các thể glôcôm hiếm gặp còn lại là tổ hợp của các biện pháp vừa nêu nhưng với hiệu quả thấp hơn nhiều. Đặc biệt với glôcôm thứ phát phải điều trị tốt bệnh gốc (bệnh gây tăng nhãn áp). Với glôcôm bẩm sinh, việc hạ nhãn áp không phải là công việc chính mà là sửa chữa lại giải phẫu bất thường của mắt, chống nhược thị cho trẻ.
Khám mắt cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt T.Ư.
|