Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ bỏ rào cản, khắc phục “độ vênh” giữa các luật

Ngọc An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/8, tại hội thảo về dự án “Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức, những sự không tương thích giữa các quy định của Luật Đầu tư, Luật DN với các quy định của các luật chuyên ngành khác, trong đó có Luật Đất đai đã được chỉ ra.

Phát sinh nhiều vướng mắc

Nhiều ý kiến nhận định, sau hơn một năm triển khai Luật Đầu tư và Luật DN, đã tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng hơn cho DN. Tuy nhiên trên thực tế cũng còn không ít vấn đề và vướng mắc phát sinh; có sự khác nhau, không tương thích, mâu thuẫn giữa các quy định của Luật Đầu tư, Luật DN với các luật chuyên ngành khác. Những vấn đề này đang gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước và DN. Theo TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, bất cứ chính sách nào tạo thuận lợi hơn cho người dân thì nên làm ngay. Không nên chờ đủ 100 vấn đề giải quyết một lúc, mà phát hiện vấn đề nào thì giải quyết vấn đề đó. Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung các luật liên quan về đầu tư, kinh doanh được đề xuất với tinh thần thực sự xóa bỏ rào cản và tạo thuận lợi cho DN.
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo. 
Tại cuộc hội thảo, một trong những vấn đề được nêu ra là nhiều thủ tục hành chính vướng mắc đều liên quan đến dự án đầu tư có sử dụng đất. Theo nhóm nghiên cứu của CIEM, quyền tiếp cận đất đai của DN có vốn đầu tư nước ngoài bị hạn chế trong trường hợp nhận chuyển nhượng đất. Theo điều 4 của Luật DN, DN Việt Nam là DN được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo pháp luật Việt Nam và có trụ sở chính tại Việt Nam. Như vậy DN có vốn đầu tư nước ngoài là DN Việt Nam. Tuy nhiên, Điều 3 Luật Đất đai lại loại trừ DN có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển cũng chỉ ra những chồng chéo bất cập trong những thủ tục cấp phép đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất. Theo đó, trong giới thiệu địa điểm xây dựng đang có sự “vênh nhau” giữa 3 luật: Đầu tư; Xây dựng; Nhà ở, nên khiến các địa phương hiểu theo nhiều cách. Vì thế, theo ông Nguyễn Mạnh Hiển, cần thực hiện thủ tục hành chính giới thiệu địa điểm đồng thời cùng lúc với thủ tục hành chính quyết định chủ trương đầu tư. Bởi vì cả hai thủ tục hành chính đều có sự tham gia ý kiến của các cơ quan có liên quan như: Sở Xây dựng, Sở TN&MT.

Tạo động lực cho cộng đồng DN

Chỉ ra có đến 24 thủ tục hành chính về dự án đầu tư có sử dụng đất được thực hiện ở nhiều cơ quan khác nhau như đầu tư; xây dựng, công thương, phòng cháy chữa cháy, ông Nguyễn Phương Bắc - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Bắc Ninh cho rằng: Nếu thực hiện hết các công đoạn này thì rất mất thời gian. Phải có quy trình lồng ghép các thủ tục thì mới thực hiện nhanh gọn được, nếu không địa phương thực hiện cũng khó. “Nên chăng xem xét để có quy trình tương đối phù hợp đảm bảo quản lý Nhà nước nhưng tạo điều kiện cho DN” - ông Bắc bày tỏ.

Ông Phan Đức Hiếu - Viện VICEM cho rằng, dự án đầu tư liên quan đến nhiều yếu tố, có dự án bị điều chỉnh của nhiều luật, nhưng lại tập trung vào “một số cơ quan”. Các thủ tục lặp đi lặp lại nhiều lần, cùng một vấn đề nhưng lấy ý kiến của 5 - 7 cơ quan. Sau đó lại xin ý kiến, lặp đi lặp lại cùng một vấn đề đó khiến nhà đầu tư phải chạy mà thực hiện theo. Như thế chính là gây lãng phí thời gian chi phí của nhà đầu tư.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 vừa qua, Chính phủ đã thảo luận về các dự án Luật, Nghị định, trong đó có Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về đầu tư kinh doanh. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tinh thần của Dự Luật này sau khi sửa đổi, bổ sung là phải kiên quyết xóa bỏ các rào cản, tạo động lực cho cộng đồng DN đầu tư kinh doanh. Đi đôi với việc đảm bảo không buông lỏng quản lý Nhà nước, thì cũng cần chú ý đến việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi theo quy luật kinh tế thị trường.