Theo ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, có hai "lỗ hổng" lớn mà các nhà tuyển dụng đang phải đương đầu với lực lượng lao động hiện nay. Trước tiên là lỗ hổng về kỹ năng thực hành. Các doanh nghiệp châu Âu cho biết, họ gặp khá nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng người ở hầu hết mọi cấp bậc. Chương trình giáo dục và đào tạo ở Việt Nam chưa lưu tâm đến nhu cầu của doanh nghiệp. Hai là, tác phong làm việc của người lao động Việt Nam kém chuyên nghiệp và chậm thích nghi với môi trường làm việc quốc tế.
Tại một hội thảo về cơ chế và xu hướng trong đào tạo nghề do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phản ánh một thực tế là có rất nhiều vị trí công việc đang được các doanh nghiệp cần tuyển dụng nhưng các cơ sở dạy nghề chưa đào tạo như: sản xuất gốm sứ, dệt len, lụa, thêu tay, chế biến thực phẩm (rượu, đồ hộp, đồ nguội…), hóa mỹ phẩm, bao bì… Điều này đặt ra yêu cầu là phải đào tạo những nghề mà thị trường đang cần chứ không phải những nghề mà các trường, cơ sở dạy nghề đang có. Mặt khác, đào tạo nghề phải gắn với kỹ năng sống, ý thức, tác phong, tính kỷ luật trong lao động cho học viên. Ông Đặng Xuân Thức, Vụ Dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề Việt Nam đã thừa nhận, cơ sở đào tạo nghề chưa thiết lập được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, nên mặc dù tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề vẫn tăng nhưng chất lượng thì chưa đảm bảo.
Vẫn biết đào tạo nhân lực là trách nhiệm của Nhà nước, nhưng nếu doanh nghiệp đứng ngoài cuộc, không trở thành một chủ thể trong hoạt động đào tạo, dạy nghề thì chất lượng nguồn nhân lực nước ta khó có thể sớm cải thiện. Đại diện EuroCham cho rằng, Việt Nam cần dỡ bỏ các hạn chế về sở hữu nước ngoài đối với các trường dạy nghề, đặc biệt trong các ngành dịch vụ để mở đường cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư góp vốn. Với tỷ lệ các ngành liên quan đến dịch vụ trong GDP đang tăng lên, Việt Nam cần có trình độ đào tạo hướng nghiệp quốc tế cao hơn....
"Việc đào tạo bổ sung những kỹ năng mềm cũng nên được quan tâm. Công tác hướng nghiệp cho giới trẻ cần được chú trọng hơn trong hệ thống giáo dục của Việt Nam" - ông Cany chia sẻ.
Các doanh nghiệp trong nước đề nghị, Tổng cục Dạy nghề hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho các doanh nghiệp để tuyển dụng lao động, đào tạo tại doanh nghiệp phù hợp cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Đổi lại, các doanh nghiệp cam kết với Tổng cục Dạy nghề và cơ quan chức năng là sau khi lao động được đào tạo sẽ được tiếp nhận làm việc tại doanh nghiệp với mức thu nhập ổn định. Theo cách này, cả người tuyển dụng, người lao động đều thấy yên tâm với đầu vào và đầu ra của mình, cơ quan nhà nước cũng bớt đi sức ép trong công tác đào tạo, dạy nghề.