Nhiều khó khăn
Ngành công thương đặt mục tiêu đưa tỷ trọng đóng góp GDP của ngành bán lẻ từ 13 - 14% GDP như hiện nay lên mức 18 - 20% GDP trong thời gian tới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này lại không dễ, bởi quy hoạch, chiến lược phát triển của ngành không rõ ràng dẫn đến tình trạng DN muốn làm cũng không chắc đã được phê duyệt.
Thực tế cho thấy, hiện ngành công thương chưa đưa ra quy hoạch phát triển thương mại gắn với phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng miền một cách rõ ràng làm cơ sở để DN có được định hướng đầu tư phát triển. Theo ông Hoàng Thọ Xuân - nguyên Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Hiện chưa có văn bản nào quy định riêng để điều chỉnh chung về bán buôn, bán lẻ. Những quy định này nếu có chỉ nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau gây khó cho DN.
Phát triển hệ thống bán lẻ cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong ảnh: Mua hàng tại Siêu thị Hapro. Ảnh: Hoài Nam
Vì vậy, hiện nay đang tồn tại tình trạng trong quá trình xây dựng hệ thống bán lẻ, DN phải phụ thuộc vào việc có tìm được mặt bằng xây dựng hay không mà không thể chú ý đến nhu cầu thị trường và các quy hoạch kinh tế - xã hội liên quan đã được phê duyệt.
Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) than phiền: Trong thời gian qua, Hapro đã cố gắng mở rộng hệ thống bán lẻ ở Hà Nội và các tỉnh bạn. Nhưng sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với việc phát triển hệ thống bán lẻ của các DN nội địa không đồng đều. Ngay cả chính sách về vay vốn cũng có bất cập, như trường hợp Hapro vay vốn, nếu DN vay vốn kinh doanh, các ngân hàng sẵn sàng đáp ứng, nhưng vay đầu tư siêu thị thì ngân hàng ngần ngại, vì lý do thị trường bất động sản đang trì trệ.
“Tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển hệ thống phân phối
Muốn DN phát triển hệ thống phân phối đòi hỏi Nhà nước, chính quyền các địa phương cần có biện pháp hỗ trợ cụ thể. Đóng góp ý kiến với Bộ Công Thương, nhiều chuyên gia kinh tế có chung ý kiến, Bộ Công Thương cần phải có quy hoạch phát triển hệ thống thương mại hiện đại gắn liền với phát triển kinh tế từng vùng, miền.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần dành một quỹ đất công cộng nhất định cho việc xây dựng hệ thống thương mại hiện đại.TS Lê Trịnh Minh Châu (Viện Nghiên cứu Thương mại) cho rằng: Bộ Công Thương phải phát huy được vai trò cầm trịch của cơ quan quản lý Nhà nước, bởi tự thân các DN không thể tự làm mọi việc mà cần có sự phối hợp, hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý.
Cùng với đó là việc tạo chuỗi cung ứng liên kết vùng, tạo nguồn cung hàng đảm bảo chất lượng và hỗ trợ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ trở thành các đại lý bán hàng chuyên nghiệp cho các DN.Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là việc cơ quan quản lý nên sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hoặc xây dựng mới các quy định về tiêu chí phân loại, quy hoạch phát triển và tiêu chuẩn thiết kế đối với loại hình cơ sở bán buôn, bán lẻ.
Mặt khác, cần có sự tái cơ cấu lại ngành bán lẻ theo hướng chuyển dịch phương thức tìm kiếm lợi nhuận bằng chênh lệch giá sang cung ứng giá trị chuyên nghiệp và có giá trị gia tăng; Chuyển dịch cơ cấu từ lạc hậu truyền thống sang kinh doanh hiện đại; Từ kinh doanh nhỏ lẻ sang kinh doanh lớn.Các DN trong quá trình phát triển hệ thống phân phối cũng nên tìm hiểu những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, từ đó có phương hướng vận dụng phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể.
Hiện hệ thống bán lẻ có quy mô nhỏ tại các khu dân cư đang rất thiếu. Đây là một hướng phát triển phù hợp với DN bán lẻ trong nước có tiềm lực kinh tế "khiêm tốn". Ngoài ra, nhà sản xuất và nhà phân phối cần tăng cường tính liên kết, từ đó phát triển chuỗi bán lẻ hiện đại, bền vững.