Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ khó cho sản xuất sau dồn điền đổi thửa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/10, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp cùng UBND huyện Đông Anh, báo Hànộimới tổ chức tọa đàm bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất sau dồn điền đổi thửa, góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng chủ trì buổi tọa đàm. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt, đại diện lãnh đạo nhiều sở, ban, ngành và các địa phương.

Chưa hết lo cho tổ chức sản xuất

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, đến hết tháng 9/2015, toàn TP đã thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) được 76.551,18/76.365,07ha, bằng 100,19% kế hoạch. Một số huyện thực hiện DĐĐT vượt kế hoạch TP giao, điển hình như Ba Vì, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Đông Anh,… Sau DĐĐT, các địa phương đã bắt tay vào đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Theo đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa có giá trị kinh tế cao đã được hình thành như hoa, cây cảnh ở Đan Phượng, Mê Linh; cây ăn quả ở Thanh Oai, Gia Lâm; chăn nuôi xa khu dân cư ở Chương Mỹ, Ứng Hòa; rau an toàn ở Hoài Đức, Đông Anh… Các mô hình sản xuất mới sau DĐĐT mang lại giá trị kinh tế cao, đưa nông nghiệp đóng góp ngày một lớn hơn trong cơ cấu kinh tế các địa phương. Quan trọng hơn là nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống cho người dân. 
Toàn cảnh buổi tọa đàm.	 Ảnh: Trọng Tùng
Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Trọng Tùng
Không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế sau DĐĐT là rất tích cực, tuy nhiên, việc phát triển sản xuất sau DĐĐT vẫn đang là bài toán không dễ đối với nhiều địa phương. Ông Phạm Văn Châm – Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, phần lớn diện tích đất nông nghiệp của địa phương nằm trong quy hoạch phát triển đô thị, công nghiệp nên Nhân dân chưa yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Thêm nữa, kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp còn thiếu và chưa đồng bộ gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Liên quan tới tiếp cận nguồn vốn tín dụng phát triển sản xuất, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ nhiệm Hợp tác xã chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (Ứng Hòa) cho hay, thực tế, việc tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án sản xuất sau DĐĐT phần lớn đều thông qua các ngân hàng thương mại, nhưng gặp nhiều khó khăn do thủ tục khắt khe, phức tạp. Thêm nữa, vốn cho khu vực tam nông hiện còn rất nhỏ...

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp sau DĐĐT, những năm qua, TP Hà Nội luôn quan tâm, đầu tư nguồn lực lớn cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Theo Sở KH&ĐT, trong 5 năm (từ 2011 – 2015), ngân sách TP đã huy động 49.893 tỷ đồng vốn đầu tư triển khai các dự án xây dựng cơ bản khu vực nông thôn, bằng 49% tổng đầu tư ngân sách toàn TP (vượt yêu cầu Chương trình 02-CTr/TU đề ra là 35%). Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của Thành ủy – HĐND – UBND TP đối với công tác xây dựng nông thôn mới nói riêng, phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung trên địa bàn TP, nhất là sau công tác DĐĐT. 

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, khó khăn hiện nay trong công tác phát triển sản xuất sau DĐĐT tập trung vào 3 vấn đề chính gồm: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng – vật nuôi và nguồn vốn cho phát triển sản xuất. Theo đó, kiến nghị Sở TN&MT, Sở Tài chính tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bà con nông dân yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất. Hiện, Sở NN&PTNT đang gấp rút hoàn thành Dự thảo hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa phương, sớm trình Thành ủy – HĐND – UBND TP xem xét, phê duyệt làm cơ sở quy hoạch vùng sản xuất. Liên quan tới vấn đề vốn cho phát triển sản xuất, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt yêu cầu, các sở ngành liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất; đồng thời, nghiên cứu tăng nguồn vốn cho Quỹ Khuyến nông và thực hiện cho vay hiệu quả, giúp cho bà con nông dân có tư liệu sản xuất…

Trước những khó khăn, bất cập còn tồn tại trong quá trình phát triển sản xuất sau DĐĐT, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, việc tháo gỡ những vấn đề này là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị từ T.Ư, TP đến các địa phương. Để công tác phát triển sản xuất sau DĐĐT đạt kết quả cao hơn nữa, Phó Bí thư Thường trực yêu cầu các sở ban ngành nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối kết hợp chặt chẽ, chủ động tham mưu Thành ủy – HĐND – UBND đề ra các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp. Trong giai đoạn tới, cần khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; Ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất; Quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu cho nông sản; Tăng đầu tư cho phát triển tam nông. Đồng thời, đơn giản hóa các thủ tục cho vay, hỗ trợ vốn giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất. Phó Bí thư Thường trực Ngô Thị Thanh Hằng cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương cần coi phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và cần được quan tâm, thực hiện thường xuyên.