Từ trước đến nay, nhà tái định cư thường làm theo hình thức Nhà nước giao cho một đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp xây dựng rồi nghiệm thu và phân cho người dân thuộc diện giải phóng mặt bằng. Áp đặt họ vào những khu riêng biệt được quy hoạch. Đấy là chưa kể đến quan niệm luôn làm người dân lo lắng: Nhà tái định cư chất lượng chưa tốt.
Một tư nhân bỏ vốn ra đầu tư bao giờ cũng vì lợi ích thu lại được cả vốn lẫn lãi, cũng như vậy khi người dân đã đóng góp chính căn nhà của mình, nên họ cần một căn nhà khác, đồng thời hưởng lợi từ sự đóng góp đó. Việc xây nhà tái định cư hiện nay mới chỉ giải quyết được vấn đề về nhà ở chứ chưa làm thỏa đáng về chỗ ở. Để đáp ứng được thực sự về chỗ ở cho người dân cần phải đáp ứng các nhu cầu hạ tầng xã hội, an sinh xã hội như chợ, bệnh viện, trường học… và quan trọng là có gần với nơi họ tạo ra thu nhập không. Chính vì thế, nên xây nhà tái định cư xen kẽ trong các khu đô thị để tiết kiệm chi phí cũng như giúp người dân có điều kiện hưởng các tiện ích. Đồng thời xóa bỏ được quan điểm phân biệt nhà thấp cấp. Bên cạnh đó, nên tạo điều kiện chọn vị trí, căn hộ cho người dân tái định cư vì đối tượng này cũng có rất nhiều nhu cầu và khả năng chi trả khác nhau.
Nhà tái định cư được xây dựng xen kẽ trong các khu đô thị vừa tiết kiệm được chi phí vừa giúp người dân được hưởng các tiện ích. Ảnh: Thanh Hải
Để nhà ở xã hội, nhà tái định cư phát triển, thu hút được các doanh nghiệp đầu tư cũng như đáp ứng được nhu cầu người dân vào sinh sống, cần thay đổi cơ chế thực hiện, nhất là cần tiêu chuẩn hóa về giá cả và chất lượng. Cụ thể, cần có mốc chính xác về chất lượng và giá cả. Tức là giá sẽ được xác định trên giá trị sử dụng, nội thất, tiện ích... hay chất lượng căn hộ quy định giá.
Nên lấy chất lượng và giá cả nhà ở xã hội ra để làm mốc chuẩn, khi đó Nhà nước có cơ sở để đánh giá năng lực nhà đầu tư đồng thời các phân khúc khác cũng sẽ có nền tảng để so sánh. Ổn định tâm lý người dân, cung cấp kiến thức để họ có thể định đoạt và phân định chính xác chất lượng cao thấp, trước những mức giá rất khác nhau: Giá nhà thương mại 40 triệu đồng/m2 hay 10 triệu đồng/m2, nhà xã hội, tái định cư lại ở mức 13 - 16 triệu đồng/m2.
Đồng thời, với việc xây dựng mốc chuẩn của loại hình nhà sẽ giúp xóa bỏ quan niệm nhà ở xã hội, tái định cư là nhà thấp cấp, chất lượng kém. Nâng tầm nhà xã hội, tái định cư như nhà thương mại để gắn chặt tránh nhiệm của chủ đầu tư với sản phẩm của mình.
Không nên quá đà
Nhà xã hội, tái định cư đang là cơ sở để thúc đẩy, khôi phục thị trường nhưng thực tế nguồn cung trên địa bàn Hà Nội không nhiều, mà chủ yếu tồn kho nhà thương mại. Chính vì thế thời gian qua, Nhà nước đã có những định hướng chuyển đổi để tháo gỡ khó khăn cũng như tập trung phát triển nhà ở xã hội, tái định cư. Bước đi này vừa cởi được nút thắt hàng tồn kho nhà thương mại vừa lấp được sự thiếu hụt của phân khúc nhà xã hội, tái định cư. Đồng thời đảm bảo được chất lượng của nhà và thay đổi định kiến nhà tái định cư, nhà ở xã hội là nhà thấp cấp, rẻ tiền. Tuy nhiên, cũng không nên quá tập trung vào thị trường đó mà cần tỉnh táo để giải bài toán, tránh tồn kho mới. Mặt khác, nhà thương mại xuất hiện theo quy luật cung cầu thị trường nên khuyến khích phát triển, vì đây còn là phân khúc hút dòng kiều hối, tiền nhàn rỗi. Cũng không nên cấm hoặc bỏ chính sách hỗ trợ phát triển, vì như thế thị trường BĐS sẽ lại khủng hoảng, thiếu hụt. Nhà nước cũng nên khuyến khích các doanh nghiệp có kinh nghiệm, tiềm lực tự vận động tìm thị trường, cân đối cung cầu và tự huy động vốn khi muốn đầu tư phát triển nhà thương mại.