Gỡ “nút thắt” cuối trong giải phóng mặt bằng đường Thanh Nhàn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án mở rộng nâng cấp đường Thanh Nhàn bắt đầu được triển khai giải phóng mặt bằng (GPMB) từ năm 2011, song do những vướng mắc về chính sách, thủ tục, điều chỉnh dự án… nên đến nay, công trình vẫn đang trong giai đoạn vừa thi công vừa GPMB, gây ô nhiễm môi trường, UTGT trong giờ cao điểm…

Để hoàn thành dứt điểm công tác GPMB vào cuối năm nay, dự án đang cần tháo gỡ những vướng mắc cuối cùng.

Theo Ban Bồi thường GPMB quận Hai Bà Trưng, dự án mở rộng nâng cấp đường Thanh Nhàn có tổng số 196 hộ thuộc diện thu hồi đất để GPMB, trong đó đến ngày 25/11, hầu hết đã nhận tiền hỗ trợ bồi thường và bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ chưa chấp nhận phương án, trong đó: 12 hộ phường Thanh Nhàn thuộc diện cắt xén có diện tích còn lại nhỏ hơn 15m2; 3 hộ tại phường Bạch Mai tranh chấp về nhà đất, đang đợi giải quyết tại Tòa án; 2 hộ khác tại mặt phố Bạch Mai (phường Bạch Mai) chưa chấp thuận mức giá bồi thường (khoảng 60 triệu đồng/m2).

 
Một đoạn Dự án mở rộng đường Thanh Nhàn đang được triển khai GPMB và xây dựng. Ảnh: Chiến Công
Một đoạn Dự án mở rộng đường Thanh Nhàn đang được triển khai GPMB và xây dựng. Ảnh: Chiến Công
Theo kiến nghị của 2 hộ dân này, những hộ mặt phố Thanh Nhàn đã di dời theo phương án duyệt năm 2011 được đền bù với mức giá cũng 60 triệu/m2 nhưng giá nhà tái định cư (TĐC) thời điểm đó tại khu Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) chỉ khoảng 7 - 9 triệu đồng/m2, trong khi giá nhà TĐC tại khu Cánh Đồng Mơ (quận Hoàng Mai) lên tới 14 triệu đồng/m2, lại nằm trong ngõ. Ngoài ra, các hộ dân cũng cho rằng, mức giá 60 triệu đồng/m2 thấp hơn quá nhiều so với giá thị trường hiện nay. Với 12 hộ dân phường Thanh Nhàn, ông Triệu Như Long - Phó Chủ tịch UBND phường chia sẻ: Các hộ dân này mong muốn được giữ phần diện tích còn lại (nằm ngoài chỉ giới GPMB) để làm ki-ốt kinh doanh để giải quyết nhu cầu mưu sinh. Thực tế trên địa bàn phường, các hộ thuộc dự án đường Vành đai I (đoạn Ô Đống Mác - Đê Nguyễn Khoái) đã được giải quyết theo cơ chế đặc thù này.

Về vấn đề này, ông Bùi Văn Hải - Trưởng Ban Bồi thường GPMB quận Hai Bà Trưng nhận định, nếu quận thu hồi các phần diện tích nhỏ dưới 15m2 thì cũng không thể sử dụng vào mục đích nào khác ngoài làm ki-ốt nhỏ, lại phải đầu tư ngân sách, nên để người dân giải quyết nhu cầu cuộc sống là hợp lý nhất. Vì vậy UBND quận đã có văn bản đề xuất cơ chế đặc thù này trình UBND TP xem xét, với điều kiện các hộ dân cam kết tuân thủ sự quản lý theo quy hoạch (không xây dựng cao tầng gây "siêu mỏng, "siêu méo"), tuy nhiên đến nay TP chưa có văn bản trả lời. "Quận và các phường sở tại đang tiếp tục công tác vận động thuyết phục, đồng thời nghiên cứu đề xuất thêm cơ chế chính sách sao cho tránh thiệt thòi cho người dân mà vẫn tuân thủ quy định của luật pháp. Trong trường hợp đã vận dụng tối đa các cơ chế có lợi nhất mà họ vẫn chây ỳ không bàn giao mặt bằng, quận bắt buộc phải tiến hành biện pháp cưỡng chế theo đúng luật để đảm bảo GPMB toàn tuyến chậm nhất vào cuối tháng 12/2014, hoàn thành thi công công trình trong tháng 3/2015" - ông Hải khẳng định.

Trước những bức xúc của người dân về việc dự án gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn và ùn tắc giao thông, đại diện UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, trong quá trình triển khai dự án, phải quây tôn ngăn một nửa đường, gây khó khăn cho các phương tiện vẫn lưu thông trên tuyến đường. Ngoài ra, việc các hộ dân đang vừa tự tháo dỡ mặt bằng vừa phải cải tạo chỉnh trang phần diện tích còn lại (vì phần lớn thuộc diện cắt xén) nên tuyến đường Thanh Nhàn gần như là đại công trường. Để hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm bụi và tiếng ồn, ùn tắc giao thông, Phòng TN&MT quận sẽ có trách nhiệm thường xuyên đôn đốc đơn vị thi công chú ý về phương tiện hoạt động, tưới nước khi thi công…, đồng thời yêu cầu chính quyền các phường nhắc nhở người dân khẩn trương phá dỡ công trình, không để dây dưa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần