Gỡ “nút thắt” để phát triển du lịch

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khi đã có điểm đến và sản phẩm du lịch tốt, đầu tư cho quảng bá xúc tiến một vấn đề hết sức quan trọng. Có thể nói rằng chúng ta đầu tư còn quá nhỏ bé cho hoạt động này so với các nước trong khu vực.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn: Cùng với nâng cao chất lượng, quảng bá xúc tiến là một trong những nút thắt mà chúng ta phải gỡ và phải có đột phá để phát triển du lịch.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tuấn nhận định chúng ta đầu tư còn quá nhỏ bé cho hoạt động này so với các nước trong khu vực.

Gỡ “nút thắt” để phát triển du lịch - Ảnh 1

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn. - Ảnh: VGP/Việt Hà

PV: Từ nay đến cuối năm, ngành du lịch đặt nhiệm vụ trọng tâm là cải thiện môi trường du lịch. Xin ông cho biết ngành đang triển khai nhiệm vụ này như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Chất lượng môi trường du lịch, cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch Việt Nam. Tình trạng lừa đảo ép khách, chặt chém, đeo bám đã trở thành một vấn nạn kéo dài, đặc biệt là ở những trung tâm du lịch lớn như TP.HCM, Nha Trang, Hạ Long, Hà Nội, Vũng Tàu. Chúng tôi đã nhiều lần tham mưu đề xuất để Bộ chỉ đạo các địa phương, nhất là các địa bàn trọng điểm tập trung ngăn chặn, xử lý tình trạng trên, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Bên cạnh đó, là tình trạng xả rác, ảnh hướng đến cảnh quan môi trường, tạo ấn tượng không đẹp đối với du khách.

Để giải quyết triệt để tình trạng trên, chính quyền địa phương cần có sự chỉ đạo thật kiên quyết, huy động lực lượng đủ mạnh và có những giải pháp quyết liệt, liên tục, thường xuyên. Phát triển du lịch tạo điều kiện  để người dân, cộng đồng đều có thể tham gia vào lĩnh vực này một cách có tổ chức, có kiểm soát chứ không phải mạnh ai người ấy làm.

Bảo vệ cảnh quan sinh thái môi trường cũng là một trong những điều kiện để chúng ta hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Trong 2 năm tới, ngành du lịch phấn đấu cơ bản thực hiện được mục tiêu ở  đâu có du lịch thì ở đó có nhà vệ sinh du lịch đạt chuẩn… Đây là việc làm rất cụ thể để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, nhận được sự ủng hộ của đông đảo các cấp, các ngành, của cộng đồng dân cư, các công ty và khách du lịch.

Gỡ “nút thắt” để phát triển du lịch - Ảnh 2

Việt Nam có khả năng cạnh tranh cả về cảnh quan, nghỉ dưỡng và dịch vụ du lịch biển. Trong ảnh là một khu nghỉ dưỡng tại Mũi Né, Phan Thiết. - Ảnh: VGP/Việt Hà

 

PV: Theo ông, trong điều kiện hiện nay, những yếu tố nào sẽ góp phần cải thiện chất lượng các dịch vụ  du lịch của Việt Nam?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Kết thúc chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2000-2010, chúng ta đã tạo được nền tảng về cơ sở hạ tầng, vật chất, cơ sở lưu trú, dịch vụ, sản phẩm du lịch, cộng đồng doanh nghiệp và lực lượng lao động.

Một trong những định hướng quan trọng nhất mà chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 - đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2011 -  xác định là trong giai đoạn tới, chúng ta tập trung chuyển từ phát triển diện rộng sang phát triển theo chiều sâu, chú trọng yếu tố hiện đại, chất lượng, hiệu quả, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh.

Đây là vấn đề lớn có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Muốn làm được, chúng ta cần nhận thực rõ vai trò của du lịch để có những chính sách, giải pháp huy động được các nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp trong nước, ngoài nước, từ cộng đồng.

Mỗi địa phương dựa vào các nguồn lực, điều kiện tiềm năng của mình để lựa chọn những ưu thế nổi bật và cạnh tranh để tìm ra nội dung, giải pháp đầu tư hiệu quả. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy một số địa phương đã bắt đầu có những đột phá về vấn đề này, như  Đà Nẵng với định hướng rất rõ ràng là tập trung phát triển các sản phẩm và các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, thu hút khách lưu nghỉ lâu và chi tiêu nhiều.

Trong 9 tháng đầu năm 2012, doanh thu du lịch của Đà Nẵng tăng 40% so với cùng kỳ. Cùng với Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An, Phan Thiết cũng đang có sự phát triển tích cực theo hướng trên.

Đến cuối tháng 10 năm 2012, Việt Nam đã đón và phục vụ hơn 5,349 triệu lượt khách quốc tế, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách du lịch nội địa đạt 27,7 triệu.

Năm 2012, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu thu hút 6,5 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ 32 triệu khách du lịch nội địa; phấn đấu đạt được mức tăng trưởng cao hơn so với kế hoạch dự kiến. 

Chúng ta cũng phải tiếp tục mở các đường bay kết nối Việt Nam với những thị trường tiềm năng. Hiện nay giá vé máy bay của Việt Nam còn khá cao trong khu vực, làm giá thành tour đến Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục minh bạch hóa và tạo điều kiện thật thông thoáng để các công ty du lịch quốc tế, người nước ngoài tiếp cận visa một cách đơn giản nhất, thuận lợi nhất. Chúng ta nên mở rộng hình thức cấp visa trực tuyến qua mạng và cấp visa tại cửa khẩu.

PV:  Điểm mấu chốt trong phát triển du lịch là sản phẩm du lịch và quảng bá xúc tiến. Khi chất lượng dịch vụ được nâng cao, phải chăng quảng bá là vấn đề quan trọng cần làm để khách quốc tế đến với Việt Nam, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Khi đã có điểm đến và sản phẩm du lịch tốt, đầu tư cho quảng bá xúc tiến một vấn đề hết sức quan trọng. Có thể nói rằng chúng ta đầu tư còn quá nhỏ bé cho hoạt động này so với các nước trong khu vực.

Ví dụ, trung bình một năm Thái Lan đầu tư 100 triệu USD cho hoạt động xúc tiến du lịch, Singapore gần 100 triệu USD, Malaysia gần 80 triệu USD. Trong khi đó, cả năm 2011, ngân sách Trung ương của chúng ta chỉ dành 2 triệu USD cho hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia, năm nay là 1,5 triệu USD. Con số này thậm chí còn ít hơn nhiều lần số tiền mà một doanh nghiệp du lịch lớn đầu tư cho hoạt động xúc tiến, tiếp thị. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ tập trung đầu tư cho hoạt động marketing, xúc tiến của doanh nghiệp chứ không làm thay vai trò xúc tiến, quảng bá điểm đến và thương hiệu quốc gia được.

Nếu chúng ta có sản phẩm du lịch tốt, nhưng không có quảng bá thì không có cách thức để tiếp cận với thị trường. Đây chính là một trong những nút thắt mà ngành du lịch phải gỡ và phải có đột phá.

Xin trân trọng cảm  ơn ông!