Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ nút thắt từ phía người chồng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngăn chặn nạn bạo hành gia đình với phụ nữ thường xuyên được nhắc đến với nhiều chương trình, đề án, giải pháp…, nhưng gần như chưa thể giải quyết được nếu thiếu vai trò của người chồng. Đó cũng là vấn đề đặt ra trong Ngày Quốc tế về chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ (25/11) năm nay.

 Những con số buồn

Theo thống kê của Hội LHPN Việt Nam, 34% số phụ nữ đã có gia đình bị chồng bạo hành (tức là trung bình cứ 3 người phụ nữ đã kết hôn có một người đã từng bị chồng bạo hành). Tuy nhiên, đa phần nạn nhân vẫn im lặng dù năm 2007, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Sự im lặng có nhiều lý do nhưng tựu trung lại là sự yếu mềm và lòng vị tha của người phụ nữ.

Một nghiên cứu mới đây về nam tính và bạo lực giới cho thấy, thái độ và hành vi áp đặt của nam giới vẫn tiếp tục làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng giới. Trong khi đó, tổn thất mà bạo lực gây ra không chỉ với người phụ nữ, với gia đình họ, mà còn với cả sự phát triển kinh tế - xã hội. Bởi khi trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, phụ nữ bị giảm thu nhập tới 35%, cả nước sẽ bị mất tới hơn 4.500 tỷ đồng, tương đương với 1,78% GDP. Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cảnh báo, bạo lực gia đình không những làm xói mòn đạo đức xã hội mà còn ảnh hưởng xấu đến thế hệ tương lai; nguy cơ gây tan vỡ gia đình.

Gỡ nút thắt từ phía người chồng - Ảnh 1

Đổi thay

Trong cuộc tọa đàm về "Phòng chống bạo lực gia đình không thể thành công nếu không có nam giới" vừa được Hội LHPN Việt Nam tổ chức, chính người trong cuộc đã kể lại những câu chuyện thật về bạo lực trong chính gia đình họ. Và cũng chính ở đây, mọi người được chứng kiến giọt nước mắt xót xa, ân hận của những người đàn ông vì đã có những ngày tháng làm khổ vợ con. Từ những câu chuyện đầy ý nghĩa của họ, chúng ta thấy rằng, nếu nhận thức về vai trò và trách nhiệm của nam giới trong xây dựng hạnh phúc gia đình thay đổi, và có sự chung tay của xã hội, thực trạng đáng buồn này hoàn toàn có thể được cải thiện.

Chị Phạm Thị Hạ (thị trấn Thanh Nê, Kiến Xương, Thái Bình) kể lại nỗi thống khổ của mình trong những ngày liên tục bị chồng đánh. Cuộc sống của chị buồn tủi trong ngôi nhà lạnh lẽo... Nhưng cuộc sống của chị đã có nhiều điều đổi khác khi chồng chị - người tự nhận là "đánh vợ nhiều nhất thị trấn Thanh Nê" đã quả quyết: "Đánh vợ là dại". Giờ đây, anh rất yêu thương, chăm sóc, sẻ chia việc nhà với chị. Anh còn là một tuyên truyền viên tích cực vận động các ông chồng cùng địa phương không đánh vợ, chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc. Anh bảo: "Giờ mình quyết tâm sửa bằng cách vận động anh em trong ngõ cùng hiểu cái sai mà cư xử cho đúng. Đấy là chưa kể nhỡ tay, vợ bị làm sao thì áy náy cả đời".

Theo bà Mandeep K. O'Brien, Quyền trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam, nam giới có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, chấm dứt bạo lực gia đình. Những tấm gương điển hình nam giới không bạo lực cần được khuyến khích. Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa hai giới, thông qua các tổ chức hội, đoàn thể, để tạo tính bền vững.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Gia đình xã hội (Hội LHPN Việt Nam), việc phòng chống bạo lực gia đình mới chỉ tập trung vào nữ giới, vì cho rằng họ là nạn nhân và cần được hỗ trợ, giúp đỡ… Chính vì vậy, trong thời gian tới, cần phải nỗ lực hơn nữa để lôi cuốn sự tham gia của nam giới và trẻ em trai vào công tác phòng chống bạo lực gia đình. "Nam giới mới là người "gỡ nút thắt", nếu chỉ phụ nữ nỗ lực thôi, sẽ khó giải quyết được tận gốc vấn đề" - bà Mai nói.