Gỡ rào cản đưa nông sản an toàn về Hà Nội

Thắng Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoạt động kết nối đưa nông sản an toàn của các tỉnh, TP về Hà Nội đã bước đầu vận hành tốt, song số lượng sản phẩm còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của Thủ đô.

Đó là những vấn đề được đánh giá tại hội nghị tổng kết chương trình hợp tác xúc tiến thương mại (XTTM) nông nghiệp giữa Hà Nội với các tỉnh, TP năm 2016 tổ chức cuối tuần qua.
Vẫn còn vướng mắc
Có thể nói, năm 2016 là một năm khá thành công trong lĩnh vực XTTM của ngành nông nghiệp Hà Nội khi mà rất nhiều hoạt động trao đổi, ký kết hợp tác với các tỉnh, thành trên cả nước được triển khai. Từ đầu năm đến nay, các đoàn hợp tác của Hà Nội đã đưa được 53 lượt DN liên kết tiêu thụ sản phẩm với cơ sở sản xuất tiêu biểu của các tỉnh, TP. Hiện, các DN tham gia chương trình hợp tác của Hà Nội đã kết nối được với trên 70 cơ sở sản xuất có sản phẩm tiêu biểu tại các tỉnh, thành, trong đó có trên 20 hợp đồng được ký kết với gần 200 chủng loại sản phẩm đưa về tiêu thụ trên các kênh phân phối của Hà Nội.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm an toàn bên lề hội nghị. Ảnh: Quang Thiện

Ông Nguyễn Văn Liêm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long chia sẻ, hiện nay, tỉnh đang nỗ lực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Do đó, việc sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là liên kết đưa nông sản ra tiêu thụ tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Theo ông Liêm, nhờ chương trình hợp tác với Sở NN&PTNT Hà Nội, thời gian gần đây, lượng nông sản hàng hóa của tỉnh Vĩnh Long đưa ra Thủ đô tiêu thụ đã nhiều hơn và đảm bảo chất lượng, thương hiệu. Tuy nhiên, trên thực tế, việc vận hành mối liên kết vẫn còn những vấn đề vướng mắc cần phải tháo gỡ như giá cả, chất lượng, quy cách đóng gói, vận chuyển cũng như giải quyết các tình huống phát sinh hậu hợp đồng.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, số DN lớn và cơ sở sản xuất của Hà Nội và các tỉnh, TP tham gia liên kết, hợp tác chưa nhiều. Số lượng sản phẩm tiêu thụ tại Hà Nội qua khớp nối còn hạn chế, chưa tương xứng với nhu cầu của Hà Nội và tiềm năng sản xuất của các địa phương. Bên cạnh đó, việc khớp nối và trao đổi thông tin trong quá trình hợp tác giữa đơn vị quản lý Nhà nước của mỗi địa phương với các cơ sở sản xuất, DN tham gia kết nối chưa thường xuyên nên chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN.
Mở rộng liên kết
Hà Nội là một trong những thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm lớn nhất cả nước. Chính vì vậy, trao đổi tại hội nghị, đại diện Sở NN&PTNT cũng như DN của nhiều tỉnh, thành như Nam Định, Sơn La, Vĩnh Long... đều bày tỏ mong muốn được mở rộng hợp tác, kết nối đưa nông sản an toàn của các địa phương về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Ở góc độ DN, ông Nguyễn Tiến Hưng – Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam chia sẻ, hiện nay, khoảng 70 – 80% lượng trái cây an toàn trong hệ thống của Công ty đang phân phối trên địa bàn Hà Nội là thông qua chương trình XTTM của ngành nông nghiệp TP. Theo ông Hưng, Việt Nam có nhiều sản phẩm an toàn, chất lượng nên cần thiết phải duy trì chương trình XTTM nông nghiệp bền chặt, lâu dài để phục vụ cho người tiêu dùng Thủ đô.
Bên cạnh đó, các địa phương cần phải có chính sách đủ mạnh để hỗ trợ DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp cũng như mạnh dạn liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các DN về khâu vận chuyển, kho bãi, sơ chế, chế biến và bao gói sản phẩm, nhất là đối với sản phẩm trái cây tươi. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ đề nghị, sở NN&PTNT các tỉnh, TP tham mưu cho địa phương cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho các DN tham gia liên kết, hợp tác. Đồng thời, tăng cường trao đổi thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan đến công tác XTTM nông nghiệp với Hà Nội để việc hợp tác đạt hiệu quả cao hơn.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị các cơ sở sản xuất, DN sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm của TP và các tỉnh, thành phải cam kết đảm bảo ATTP, rõ nguồn gốc, xuất xứ, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Song song với đó, thường xuyên có ý kiến phản hồi kịp thời đến cơ quan quản lý Nhà nước để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong quá trình liên kết, hợp tác.