Gỡ rào cản xuất khẩu thủy sản

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đạt mục tiêu năm 2018, ngành hàng thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu (XK) 9 tỷ USD, Bộ NN&PTNT và cộng đồng DN thủy sản đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp mở rộng thị trường.

Năm 2018, ngành thủy sản đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị thủy sản đạt từ 5,3 - 5,8%; tổng sản lượng thủy sản đạt từ 7 - 7,5 triệu tấn. Trong đó, nuôi tôm các loại là 750.000 tấn, tăng 3,6%; sản lượng cá tra đạt 1,3 triệu tấn, tăng 3,9% so với năm 2017.
 Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty XNK thủy sản Cafatex, Hậu Giang. Ảnh: Việt Linh 

Cơ hội đi liền thách thức

Năm 2018 nhu cầu thủy sản tại một số thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, và Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, Hiệp định tự do thương mại EVFTA giữa Việt Nam và EU được kỳ vọng sẽ là cơ hội và động lực cho các DN thủy sản Việt Nam đẩy mạnh XK thủy sản sang thị trường này. Nếu vấn đề thẻ vàng IUU được khắc phục và cải thiện thì không chỉ tôm mà các mặt hàng hải sản sẽ có cơ hội gia tăng thị phần tại thị trường EU.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, khó khăn lớn nhất đối với ngành thủy sản trong năm nay là ở khu vực khai thác và tổ chức ngành khai thác theo hướng bền vững khi Việt Nam đang bị EU cảnh báo thẻ vàng về IUU. Về thị trường, mặc dù Việt Nam đang khai thác tốt thị trường truyền thống Mỹ, EU và những thị trường mà nước ta có lợi thế khi có hiệp định thương mại tự do như Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, song vẫn khai thác hạn chế những thị trường tiềm năng là các nước ASEAN và Trung Quốc.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho rằng, năm 2018, XK thủy sản sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi một số hàng rào kỹ thuật, như: Chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ, thuế chống bán phá giá tôm, cá tra sang Mỹ và thẻ vàng IUU… Bên cạnh đó, tại thị trường nội địa, khó khăn về thiếu nguyên liệu, vấn đề kháng sinh, giá thành sản xuất vẫn còn đang trong quá trình cải thiện.
Những yếu tố này nếu không được giải quyết hiệu quả thì sẽ là nguy cơ triệt tiêu các nỗ lực tích cực. Đơn cử như, việc không quản lý chặt chẽ chất lượng cá tra XK sang Trung Quốc đang được gia công chế biến tràn lan sẽ gây tổn hại đến uy tín chất lượng cá tra Việt Nam tại các thị trường XK khác.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Theo ông Trương Đình Hòe, để duy trì mức tăng trưởng XK thủy sản ấn tượng đạt trên 8,3 tỷ USD, vấn đề quản lý chất lượng thủy sản phải được đặt lên hàng đầu. Bởi, không chỉ các thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản mới đưa ra những yêu cầu khắt khe mà giờ đây thị trường Trung Quốc cũng đòi hỏi cao hơn rất nhiều.
Do đó, VASEP đã kiến nghị Chính phủ xem xét và chỉ đạo thực hiện quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế đối với mặt hàng thủy sản XK sang Trung Quốc bằng đường bộ thông qua việc cấp và kiểm tra bắt buộc chứng thư chất lượng VSATTP trước khi XK. Đồng thời kiến nghị Chính phủ có chương trình kiểm tra điều kiện sản xuất của các cơ sở gia công, sơ chế thủy sản XK cho thị trường Trung Quốc hiện nay để bảo đảm chất lượng sản phẩm XK.

Để đạt được mục tiêu XK thủy sản trong năm nay, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo ngành thủy sản, ngay từ những tháng đầu năm tập trung phát triển sản xuất, cùng với đó xây dựng các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Thủy sản sửa đổi, tăng cường thanh tra đột xuất vật tư đầu vào.
Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho hay, ngành thủy sản đang tập trung vào các khâu bảo quản, chế biến để gia tăng giá trị, chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ để gia tăng sản lượng, chất lượng tôm nuôi công nghiệp, nuôi tôm sú quảng canh. Đối với cá tra tập trung vào 2 khâu chính là con giống và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, Bộ chú trọng việc tập trung tháo gỡ rào cản về thị trường, thương mại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần