Gỡ vướng cho số hóa dữ liệu hộ tịch

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hà Nội đang tập trung số hóa, thực hiện kết nối, đồng bộ dữ liệu hộ tịch trên địa bàn TP với cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc.

 Ảnh minh họa
Trưởng phòng Hành chính tư pháp (Sở Tư pháp Hà Nội) Phạm Thị Thanh Hương cho biết, thời gian qua, việc khai sinh, khai tử, kết hôn trên địa bàn TP Hà Nội đã được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, trình tự giải quyết thủ tục hành chính. Người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của giấy tờ hộ tịch. Các sự kiện hộ tịch cơ bản đã được đăng ký đúng thời gian quy định của pháp luật, hạn chế được tình trạng “sinh không khai, tử không báo” như trước đây.
Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn công tác quản lý hộ tịch, chứng thực trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng Luật Hộ tịch, các quy định chi tiết thi hành và văn bản pháp luật liên quan. Quy định của Luật Hộ tịch xây dựng trên hệ cơ sở dữ liệu hoàn thiện để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân và cung cấp cho hệ dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, đến nay hệ cơ sở dữ liệu vẫn chưa được hoàn thiện. Bên cạnh đó, các việc về hộ tịch trong thực tế luôn phát sinh đa dạng và phức tạp. Trong khi, Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành chưa quy định điều chỉnh cụ thể, dẫn đến khó khăn trong thực hiện.
Thực tế, việc cấp giấy chứng sinh chưa được quản lý chặt chẽ nên vẫn để lại những hệ quả phức tạp. Một số trường hợp trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài nhưng chưa được đăng ký khai sinh ở nước ngoài; nay công dân đem con về Việt Nam làm thủ tục đăng ký khai sinh nhưng lại không xuất trình được giấy tờ. Các trường hợp này gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước trong đăng ký, quản lý hộ tịch, mặt khác không đảm bảo kịp thời quyền của trẻ em. Nhiều trường hợp cũng gây khó khăn cho cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch như: Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản nhưng cha ruột chết khi con sinh ra quá 300 ngày kể từ ngày người cha chết. Thậm chí, có trường hợp công dân Việt Nam đã định cư ở nước ngoài nhưng vẫn còn hộ khẩu thường trú trong nước, có yêu cầu đăng ký hộ tịch... Trong những trường hợp này, cơ quan đăng ký hộ tịch còn lúng túng trong việc xác định thẩm quyền. Thậm chí có nơi thực hiện sai thẩm quyền dẫn đến phải thu hồi, hủy bỏ giấy tờ đăng ký hộ tịch.
Nhằm nâng cao hơn nữa công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, chứng thực, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, Sở Tư pháp Hà Nội đã đề xuất, kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành có liên quan phối hợp số hóa các sổ hộ tịch hiện có và cập nhật dữ liệu hộ tịch lịch sử vào hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch; chỉ đạo thực hiện kết nối, đồng bộ dữ liệu hộ tịch trên địa bàn TP với cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. Về phía Bộ Tư pháp cần nghiên cứu bổ sung trong văn bản quy phạm pháp luật cơ sở pháp lý cho việc giải quyết đăng ký hộ tịch, chứng thực đối với các trường hợp vướng mắc trên. Đồng thời, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch.
Thời gian qua, tư pháp xã, phường, thị trấn đã có nhiều dấu ấn, cách làm hay như: Trao giấy chứng tử tại nhà cho gia đình có người mất cùng với thư chia buồn, trao giấy khai sinh cùng thư chúc mừng… Đây là những cách làm hiệu quả, góp phần tăng thêm sự gắn kết giữa người dân và chính quyền.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn