Kinhtedothi - Tại buổi giao lưu trực tuyến "Cải cách hành chính trong xây dựng NTM" do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức chiều qua (31/10), nhiều vấn đề về thủ tục đấu giá đất, quy hoạch, vay vốn phát triển sản xuất... đã được đại diện các sở, ngành của TP tập trung tháo gỡ.
“Nóng” vấn đề đất đai
Một trong những nguồn lực quan trọng triển khai xây dựng NTM của các địa phương là từ đấu giá quyền sử dụng (QSD) đất. Tuy nhiên, hiện nay việc đấu giá của hầu hết các địa phương đều khó khăn. Bà Hoàng Thị Huyền - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu do thị trường bất động sản bị đóng băng. Còn về thủ tục đấu giá QSD đất, Sở TN&MT đã có hướng dẫn khá cụ thể. Hơn nữa, UBND TP cũng đã chỉ đạo các ngành có liên quan phối hợp giúp các địa phương giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về xử lý đất xen kẹt, đẩy nhanh tiến độ đấu giá QSD đất, tạo nguồn lực xây dựng NTM.
Cũng trong nội dung trên, nhiều địa phương đề nghị TP phân cấp đấu giá QSD đất đối với những diện tích dưới 5.000m2 cho huyện, thị xã. Trả lời vấn đề này, ông Chu Mạnh Tuấn - Trưởng phòng Pháp chế (Sở TN&MT) cho biết, UBND TP đã có Quyết định số 29/2011/QĐ-UBND ngày 14/9/2011 của UBND TP về đấu giá QSD đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn TP. Theo đó, việc triển khai tổ chức thực hiện đấu giá QSD đất đối với các ô đất xen kẹt dưới 5.000m2 đã được giao cho UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện.
Qua kiểm tra, có thể thấy quy định về lập hồ sơ thu hồi đất, tổ chức đấu giá QSD đất đối với các ô đất xen kẹt về cơ bản đã được các sở, ngành tháo gỡ trong khuôn khổ các quy định hiện hành của T.Ư. Còn về đề xuất ủy quyền cho UBND các huyện, thị xã được ban hành quyết định thu hồi quỹ đất phục vụ đấu giá, hiện nay quy định của Luật Đất đai chưa cho phép. Tuy nhiên, Sở TN&MT cũng đã kiến nghị Bộ TN&MT xem xét, chỉnh sửa trong quá trình xây dựng Luật Đất đai sửa đổi để tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho các địa phương.
Ngoài việc đấu giá QSD đất, khá nhiều độc giả gửi câu hỏi về báo Kinh tế & Đô thị quan tâm đến vấn đề cấp đất dịch vụ. Về nội dung này, đại diện Sở TN&MT cho hay, đất dịch vụ là diện tích đất Nhà nước giao cho các hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh nhằm ổn định cuộc sống sau khi bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp. Đến nay, việc giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân của hầu hết các huyện đều đạt tỷ lệ thấp. Nguyên nhân là do các khu đất đề xuất xây dựng hạ tầng kỹ thuật để giao đất dịch vụ phải đợi quy hoạch chung Thủ đô. Một số khu đất phải điều chỉnh lại cho phù hợp với quy hoạch. Ngoài ra, kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất rất lớn, vượt khả năng cân đối của địa phương và TP. Trước khó khăn này, UBND TP đã có văn bản đôn đốc các địa phương lập kế hoạch thực hiện xong công tác giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân trước ngày 30/6/2014.
Không để thất thoát ngân sách
Đề án xây dựng NTM của mỗi địa phương bao gồm khá nhiều hạng mục công trình và dự án. Theo phản ánh của nhiều địa phương, khi triển khai mỗi dự án, yêu cầu phải cấp mã số đang gây khó khăn không nhỏ về thủ tục, nhất là với những dự án lồng ghép. Bà Vũ Thị Như Hoa - Phó Trưởng phòng Ngân sách quận, huyện, xã, phường (Sở Tài chính) cho biết, việc cấp mã số là yêu cầu bắt buộc đối với các dự án xây dựng cơ bản có sử dụng ngân sách Nhà nước. Mục tiêu là phục vụ công tác quản lý ngân sách, đảm bảo dự án thực hiện đúng quy định, tránh tình trạng nguồn vốn không đủ dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản tràn lan.
Theo bà Hoa, từ khi quy định về cấp mã số có hiệu lực (năm 2007), đến nay toàn TP đã cấp được khoảng 20.000 mã số dự án xây dựng cơ bản, trong đó trên 1.000 mã liên quan đến xây dựng NTM. Để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, Sở Tài chính đã tích cực thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, yêu cầu khi cấp mã số đều rất đơn giản, chỉ gồm những nội dung cơ bản nhất liên quan đến dự án. Hơn nữa, thời hạn trả kết quả theo quy định là tối đa 5 ngày làm việc nhưng thực tế sau 3 ngày đã có kết quả.
Ngoài vấn đề trên, hiện nay, UBND TP đã có chính sách hỗ trợ sau đầu tư cho xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng bằng vật tư. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn về thủ tục thanh toán nguồn hỗ trợ này, liệu có tình trạng địa phương khai khống khối lượng công trình để nhận hỗ trợ nhiều hơn không? Đại diện Sở Tài chính cho biết, Sở đã có Văn bản số 4791/STC-NSQH ngày 12/10/2012 hướng dẫn cụ thể nội dung, mức hỗ trợ, phương thức hỗ trợ và trình tự thực hiện. Việc phân bổ kinh phí hỗ trợ từ ngân sách TP được thực hiện theo các nguyên tắc ưu tiên các xã tích cực thực hiện, xã điểm của TP và các xã đăng ký phấn đấu sớm hoàn thành chương trình xây dựng NTM… Đặc biệt, thiết kế kỹ thuật, định mức vật tư phải tính theo định mức quy định của Nhà nước và quy định đầu tư theo chuẩn mực NTM. Điều này sẽ tránh được tình trạng địa phương khai khống dự toán đầu tư các hạng mục. Đến thời điểm này, UBND TP đã cấp 1.008 tỷ đồng cho các địa phương để triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ trên.
Bên cạnh đó, UBND TP đã chỉ đạo các huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các xã triển khai thực hiện các dự án, công trình xây dựng NTM. Ngày 17/10/2013, Sở Tài chính cũng có văn bản hướng dẫn một số nội dung vướng mắc, khó khăn khi triển khai thực hiện các dự án, công trình xây dựng NTM để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho các địa phương.
Mở đường cho phát triển sản xuất
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình xây dựng NTM. Thời gian qua, TP đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, song thực tế đi vào cuộc sống chưa nhiều. Chị Hoàng Thị Ngọc, huyện Quốc Oai gửi câu hỏi đến buổi giao lưu trực tuyến: "TP đã có chính sách hỗ trợ mua máy móc, cơ giới hóa nhưng việc hỗ trợ mới dừng lại ở lãi suất vốn vay ngân hàng và thủ tục còn rườm rà. Xin hỏi có chính sách nào hỗ trợ trực tiếp đến tay người dân chúng tôi hay không?". Hay ông Chu Văn Bình, huyện Thanh Oai cũng bày tỏ vướng mắc về thủ tục vay vốn từ Quỹ Khuyến nông TP để phát triển sản xuất.
Trả lời những câu hỏi này, bà Hoàng Thị Huyền chia sẻ, theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 6/7/2012 của UBND TP, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi mua các loại máy móc, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp được ngân sách TP hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn tín dụng theo mức lãi suất của Ngân hàng NN&PTNT tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn. Mức vốn vay tối đa được hỗ trợ lãi suất 100% giá trị sản phẩm. Ngoài ra, ngân sách TP cũng quy định mức hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn cơ giới hóa nông nghiệp, bảo quản chế biến, nghề muối và ngành nghề nông thôn. Trong đó, đối với vùng đồng bằng được hỗ trợ mua máy móc tối đa 50% chi phí nhưng không quá 75 triệu đồng/mô hình. Về thủ tục, Sở NN&PTNT đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị để phối hợp với các địa phương hướng dẫn, tháo gỡ, mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ dân vay vốn phát triển sản xuất, nhất là nguồn vốn từ Quỹ Khuyến nông TP.
Ngoài ra, một số địa phương cũng băn khoăn là việc phát triển sản xuất gặp khó khăn do các quy hoạch chồng lần và dự án treo. Trước băn khoăn này, ông Chu Mạnh Tuấn - Trưởng phòng Pháp chế (Sở TN&MT) cho biết, quy hoạch là định hướng phát triển trong một giai đoạn cụ thể nên không có khái niệm quy hoạch treo mà chỉ có dự án treo. Tức là sau khi giao đất hoặc cho thuê đất, các chủ đầu tư không triển khai được dự án. Để xảy ra tình trạng này, theo ông Tuấn, nguyên nhân là do khó khăn về GPMB, trách nhiệm nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư không đảm bảo... Do vậy, các huyện, thị xã cần căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình làm quy hoạch gốc, là cơ sở để triển khai các quy hoạch phát triển sản xuất.
Tại buổi giao lưu trực tuyến, đại diện các sở, ngành của TP đã giải thích rõ nhiều vấn đề mà người dân quan tâm. Ảnh: Đức Giang
Trả lời bạn đọc về chính sách hỗ trợ đối với xây dựng hạ tầng sản xuất ở vùng bãi ven sông, ông Nguyễn Tuấn Khải - Phòng Kế hoạch NN&PTNT, Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, hiện nay TP đang thực hiện thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn giai đoạn 2012 - 2016 phục vụ xây dựng NTM. Trong đó có công trình giao thông, thuỷ lợi nội đồng. Tuy nhiên, chưa có chính sách hỗ trợ nào đối với xây dựng hạ tầng sản xuất ở vùng bãi. |