Mặc dù thời gian qua, trong phát triển kinh tế, Việt Nam đã có những thành tựu cơ bản, song trong quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, với nhiều việc phải làm - đó là chia sẻ khá cởi mở của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam với cựu Thủ tướng Anh Tony Blair trong chuyến thăm Việt Nam vào đầu tháng 3 này.
Và với tư cách một khách mời tham vấn chính sách, cựu Thủ tướng Anh trong chuyến đến Việt Nam lần này đã có những cách nhìn nhận, đánh giá cũng như bước đầu đề cập đến những góc nhìn mới trong những vấn đề cũ: Cải cách DN Nhà nước.
Nhà nước quản lý về chiến lược, để tư nhân phát triển
Việt Nam tiếp tục kiên định con đường hoàn thiện nền kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng với thế giới. Tuy nhiên, ông Tony Blair khẳng định, vai trò của DN Nhà nước trong nhiều nền kinh tế cần thay đổi. "Những năm 40 - 50 của thế kỷ trước là kỷ nguyên DN Nhà nước nắm quyền chi phối. Vào lúc đó, người ta nghĩ rằng đó là cách để nền kinh tế phát triển và bảo vệ lợi ích người lao động. Nhưng theo thời gian, hiệu quả của mô hình này cần được nhìn nhận lại và cải cách là quan trọng" - ông Tony Blair nêu quan điểm. Theo cựu Thủ tướng Anh, Việt Nam có lợi thế là trên thế giới có nhiều ví dụ, cả thành công và thất bại, ở cả những nước đang phát triển và phát triển, để rút kinh nghiệm và học tập: Nhà nước có tầm quan trọng chiến lược trong một số lĩnh vực, cần có để đảm bảo phúc lợi xã hội, lợi ích quốc gia, đặt ra khuôn khổ cho nền kinh tế.
Cựu Thủ tướng Anh nhận định: Cải cách DN Nhà nước không phải lúc nào cũng thành công, cũng khó có thể khẳng định đó là cách tốt nhất, nhưng nếu làm kiên trì và hiệu quả sẽ tác động tích cực đến tổng thể nền kinh tế. Vấn đề đặt ra ở đây là làm như thế nào chứ không phải là có làm hay không. Đó cũng là những khuyến nghị mà nghiên cứu của Văn phòng Tony Blair đưa ra cho Việt Nam: Làm rõ mục tiêu của sở hữu Nhà nước và cổ phần hóa, xây dựng lộ trình thực hiện với các công cụ và cơ chế phù hợp…
Tại cuộc hội thảo do Bộ KH&ĐT tổ chức, TS Trần Du Lịch đã đề cập đến một trong những vấn đề còn đang gây nhiều tranh cãi hiện nay đó là quan điểm, Nhà nước phải sở hữu một số DN, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực quan trọng để làm công cụ điều tiết… Ông Tony Blair đã có những trao đổi thể hiện rõ quan điểm của mình. Lấy ví dụ Na Uy, nền kinh tế mà ở đó khu vực tư nhân mạnh, chiếm phần lớn trong nền kinh tế, khu vực Nhà nước cũng rất lớn, nhưng ông Blair cho rằng, dù có là DN Nhà nước quản lý song vẫn độc lập khỏi Chính phủ, hướng tới sự quản lý của khu vực tư nhân nhiều hơn.
Còn về điều phối, cơ quan T.Ư hay bộ chuyên ngành, kinh nghiệm tổ chức không quan trọng mà phải xem người lãnh đạo có thật sự mang lại hiệu quả. "Chắc chắn chính phủ không thể quản lý công ty tốt nhưng vai trò điều tiết, quản lý của Nhà nước là quan trọng bởi họ đưa những vấn đề tốt nhất đến với DN... Tuy nhiên, chừng nào vẫn chưa minh định được vai trò của kinh tế Nhà nước (nòng cốt là DN Nhà nước) với kinh tế tư nhân thì rất khó tìm được hướng cải cách phù hợp" - ông Blair nhấn mạnh.
Tất cả cải cách, thay đổi đều khó khăn
Đó là ý kiến mà cựu Thủ tướng Tony Blair đưa ra. Dẫn ra câu chuyện thời điểm nước Anh thực hiện tư nhân hóa Công ty Viễn thông khi mình còn là Thủ tướng, ông chia sẻ: "Tôi đã phải đứng suốt đêm trước Quốc hội để giải trình. Tuy nhiên, việc cải cách, tư nhân hóa DN Nhà nước đã mang lại sự thay đổi lớn cho nền kinh tế, trong đó có thúc đẩy thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài".
Liên quan đến những hành động chống đối, ông Tony Blair cũng nhận được câu hỏi khá hóc búa của TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư: Nếu những người chống đối nằm ngay trong đảng cầm quyền, là người đồng nghiệp thì sẽ xử lý như thế nào?
Thẳng thắn trả lời, cựu Thủ tướng Anh cho biết, để vượt qua sự phản kháng, ông sẽ ưu tiên chọn những trường hợp đang yếu kém nhất để cải cách, bởi khi đó rất ít ý kiến có thể lập luận mô hình hiện tại đang hiệu quả. "Phải chọn cẩn thận để làm sao thực hiện có kết quả. Đây phải là các dự án điển hình và thiết thực để chỉ cho mọi người thấy kết quả và nhân rộng" - ông bày tỏ. Tuy nhiên, ông cũng đề cập đến khía cạnh "tốt" khi những lời phản biện sẽ giúp cho cải cách toàn diện hơn. Chẳng hạn như khi đề xuất cải cách tiền lương, không thấy ai phát biểu, vị cựu Thủ tướng Anh không lấy làm mừng mà còn lo lắng bởi "im lặng" chính là chưa có sự đổi mới rõ rệt. "Thực tế, khi cải cách thật thì người ta la hét. Do đó, chống đối sẽ là điều đương nhiên phải đối mặt và nhà điều hành cần vượt qua" - ông nhấn mạnh thêm.
Tất cả cải cách, thay đổi đều khó khăn, tuy nhiên đó là việc Việt Nam đang và sẽ phải làm trước yêu cầu phát triển, hội nhập. Nhìn rộng ra các nền kinh tế thành công trên thế giới hôm nay, câu trả lời rõ ràng vì họ cởi mở về kinh tế, trong đó Nhà nước quản lý về chiến lược, để tư nhân phát triển.
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và Bộ trưởng Bộ KH& ĐT Bùi Quang Vinh tại hội thảo ''Vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế - kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam''.
|
Viện trưởng Viện Nghiên cứu DN vừa và nhỏ Phạm Thành Hưng: Cải cách DN Nhà nước phải triệt để Cổ phần hóa DN Nhà nước là chủ trương từ lâu của Việt Nam nhưng chúng ta làm chưa đến cùng, chưa thật triệt để. Tôi ủng hộ quan điểm của ông Tony Blair, cổ phần hóa là công việc không thể trì hoãn thêm nữa, phải tiến hành cải cách DN Nhà nước đến nơi đến chốn. DN Nhà nước hiện vẫn chi phối nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, chỉ chiếm 1% tổng số DN nhưng đóng góp 85% sản lượng điện, 90% dịch vụ viễn thông, 56% tài chính tín dụng, 70% đầu mối xuất khẩu gạo... Nhưng hiệu quả và vai trò trong nền kinh tế quốc dân của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, nhất là những DN 100% vốn Nhà nước, vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Tới đây, ngoại trừ những lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc phòng bắt buộc phải là Nhà nước nắm giữ, còn những lĩnh vực khác như điện, nước, viễn thông... nên giao cho tư nhân làm, khuyến khích xã hội hóa, họ sẽ có trách nhiệm đóng thuế cho Nhà nước. Nhà nước có tầm quan trọng chiến lược trong một số lĩnh vực để đảm bảo phúc lợi xã hội, lợi ích quốc gia, đặt ra khuôn khổ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, Nhà nước không giỏi điều hành các tổ chức kinh doanh, và không giỏi trong đổi mới, sáng tạo. Trong khi đó, tư nhân rất nhanh nhạy và linh hoạt, bằng chứng là sau 20 năm cổ phần hóa DN Nhà nước và phát triển khu vực kinh tế tư nhân, chúng ta có rất nhiều DN tư nhân thành công. Trong quá trình cải cách, dù có vấp phải sự phản đối thì cũng không được dao động vì như ông Blair nói: Cải cách mà không có ai phản đối tức là không cải cách gì. |
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Cổ phần hóa cần minh bạch Những nhận xét của ông Tony Blair về quá trình đổi mới DN Nhà nước tại Việt Nam rất thẳng thắn. Chính phủ đã có quyết định đẩy mạnh công cuộc cổ phần hóa và dự kiến đến cuối năm 2015 có thể cổ phần hóa 432 DN Nhà nước. Nhưng cho đến nay, tốc độ cổ phần hóa đó chưa đạt được như mong đợi. Theo công bố, trong năm 2015 sẽ phải cổ phần hóa vài trăm DN Nhà nước. Đó là tốc độ chưa từng thấy và tôi nghĩ là rất khó khăn. Một ý mà ông Blair nói rất đúng là việc thực hiện cổ phần hóa cần được thực hiện một cách minh bạch, đúng cách thức, và hướng đến sự thay đổi về chất. Theo tôi, ý nghĩa quan trọng nhất của việc cổ phần hóa DN Nhà nước là phải cải thiện được quản trị DN, thu hút được các nhà đầu tư chiến lược tham gia vào DN. Nếu số cổ phần bán ra ở các DN Nhà nước đối với các nhà đầu tư nước ngoài là quá nhỏ, sẽ không ai muốn mua. Nhà đầu tư nước ngoài muốn là việc mua cổ phần sẽ đi kèm với sự đại diện của họ và có sự cải cách mạnh mẽ về mặt nhân sự và quản trị DN. Với số cổ phần bán cho họ quá thấp thì họ chỉ có thể gửi tiền của mình vào đó, và để cho nhân sự cũ kinh doanh bằng đồng tiền của họ. Đó là điều mà họ không sẵn sàng làm. Gần đây, đại diện của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nói, việc cổ phần hóa cần được thực hiện thiết thực hơn. Ở đây có ý là phải để cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vào trong hội đồng quản trị để có thay đổi về nhân sự, thay đổi về quản trị DN thì mới có thể cải thiện hiệu quả của các DN Nhà nước được cổ phần hóa. Tôi cho rằng, mô hình cổ phần hóa của Vietcombank là mô hình tốt. Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản đã có vai trò là cổ đông chiến lược, có đại diện tại hội đồng quản trị của Vietcombank và giúp ngân hàng này thay đổi theo hướng tốt hơn. |