Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Góc nhìn nhà giáo: Nghiêm trị để giữ kỷ cương

Trung Anh (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, sự việc nhóm phụ huynh kéo đến trường trách mắng, ép cô giáo Bùi Thị Cẩm Nhung - trường Tiểu học Bình Chánh (Bến Lức, Long An) phải quỳ suốt 40 phút để xin lỗi vì làm con họ sợ đi học không chỉ khiến những người trong nghề buồn lòng, mà còn khiến dư luận xã hội phẫn nộ.

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, chuyện cô giáo Nhung phải quỳ trước mặt phụ huynh để xin lỗi, dù tự nguyện hay ép buộc, những hành động này cần phải xử lý nghiêm khắc, làm gương cho những kẻ coi thường nhân phẩm nhà giáo nói riêng, xã hội nói chung.

Theo thầy Vỳ, hành vi cô giáo phạt học sinh (HS) quỳ là không nên. Việc này không chỉ cô Nhung cần rút kinh nghiệm, mà tất cả thầy cô cũng phải xem lại mình cách xử lý khi HS vi phạm. Nhưng điều đáng buồn hơn, việc phụ huynh bắt cô giáo phải quỳ xin lỗi lại diễn ra công khai, ngay tại ngôi trường mà cô đang giảng dạy, trước sự thờ ơ, bỏ mặc của người lãnh đạo cao nhất nhà trường. Hiệu trưởng đã không làm tròn trách nhiệm, không bảo vệ giáo viên, nhân viên của mình. Việc này, bản thân hiệu trưởng, bảo vệ và những người liên quan cũng phải chịu trách nhiệm, phải kỷ luật nghiêm.

Về phía phụ huynh, đây là sự vi phạm về nhân phẩm, nhân cách con người, ảnh hưởng đến uy tín của các nhà giáo nói chung, cô Nhung nói riêng, điều này không thể chấp nhận. Thay vì dạy trẻ con biết tha thứ, hành động của những vị phụ huynh trên đang gieo vào đầu con trẻ về cách trả thù, thói hư tật xấu từ chính những hành động họ đối xử với thầy cô. Điều này, chính họ tự tay “gieo mầm họa” cho tương lai của con em mình.

Tuy nhiên, xảy ra hiện tượng giáo viên dùng những hình phạt chưa mang tính giáo dục đối với HS vi phạm, trong đó, một phần có yếu tố đào tạo giáo viên thời gian qua chưa chú trọng đến việc giáo dục đạo đức, nhân cách sinh viên… "Theo tôi, trong các trường sư phạm, bên cạnh đào tạo kiến thức cơ bản, chú trọng và đẩy mạnh việc rèn luyện phẩm chất, nhân cách người thầy tương lai. Đồng thời, Luật Giáo dục cũng cần có những quy định cụ thể để bảo vệ chính đáng cho người thầy".

Thầy Vỳ cũng cho rằng, dù còn nhiều thông tin trái chiều, nhưng những hành động như vậy cần phải nghiêm trị để giữ gìn kỷ cương truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam.