Thực tế cho thấy, do cuộc sống bận rộn, nên nhiều phụ huynh ngoài việc giao con cho người giúp việc, gửi các lớp học, mỗi khi ở nhà cũng mua đồ chơi để trẻ tự chơi hoặc bật tivi cho trẻ xem. Chưa kể nhiều người còn cho rằng, chơi với con mất thời gian và mau chán. Nhưng họ lại không biết rằng, vì không được nói chuyện với cha mẹ nên dễ dẫn bé đến sự sợ sệt và tách rời mọi người, trở nên lầm lì, ít nói. Ngoài ra, trẻ luôn cảm thấy lo lắng với lỗi mà chúng gây ra và sẽ không thể thoát khỏi cảm giác mắc lỗi này trong những ngày tiếp theo.
Theo các chuyên gia tâm lý, trầm cảm có thể bám theo trẻ cho đến tuổi trưởng thành và có thể hình thành từ những bất ổn tinh thần ở giai đoạn sơ sinh đối với trẻ không được gần gũi cha mẹ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, ở trẻ thiếu tình thương của cha mẹ, trẻ mồ côi, tỷ lệ rối loạn trầm cảm khi trưởng thành sẽ cao hơn... Do đó, cha mẹ nên dành nhiều thời gian quan tâm đến con như vào những ngày cuối tuần, nên cho con đi đến các khu vui chơi giải trí như công viên, câu lạc bộ thiếu nhi… Một phương thức cũng rất hiệu quả là trước lúc đi ngủ, thời gian vàng để cha mẹ trò chuyện cùng con về trường lớp, bạn bè, trả lời thắc mắc của con. Cha mẹ có thể đọc truyện, đọc thơ, hát, chơi trò chơi cùng con. Việc này không chỉ giúp bé phát triển ngôn ngữ mà còn phát triển tư duy sáng tạo, khả năng tiếp thu. Trò chơi giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, trí tuệ, cảm xúc, khả năng ứng xử, quan hệ xã hội… Việc chơi không chỉ giúp xây dựng mối quan hệ cha - mẹ - con, tạo được sự yêu thương, tin cậy, gắn bó giữa các thành viên trong gia đình mà còn giúp con trưởng thành thực sự, đấy cũng là một cách rất giản dị để hình thành cho con kỹ năng sống tốt nhất.