Thủ tướng trao Bằng khen cho các cá nhân và tập thể đóng góp trong quá trình xúc tiến phát triển FDI. Ảnh: VGP |
Sau 3 thập kỷ, khu vực FDI đã có những đóng góp to lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam, nhiều DN nước ngoài đã gắn bó và đồng hành với Việt Nam. Đặc biệt 5 năm gần đây (2013 - 9/2018), Việt Nam đã thu hút được hơn 150 tỷ USD vốn FDI, chiếm gần 45% tổng vốn FDI Việt Nam thu hút được trong 30 năm qua. Các dự án FDI đã góp phần rất lớn để Việt Nam có thể đạt tổng kim ngạch xuất khẩu trên 400 tỷ USD trong năm 2017; từ một nước nhập siêu lớn, Việt Nam đã bắt đầu xuất siêu từ năm 2012. Trong 9 tháng năm 2018, xuất siêu đã ở mức 5,39 tỷ USD… Đó là một kết quả tích cực, cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cũng như thực hiện chiến lược thu hút, quản lý và sử dụng vốn FDI.Tuy vậy, nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "vui và tự hào, nhưng cần nhìn thẳng vào thực tại và nhìn thấy những điều chúng ta còn thua thiệt". Nhược điểm chính của FDI hiện nay chính là tác động lan tỏa. Hiện Việt Nam có 21% DN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi đó ở Thái Lan tỷ lệ này là 30%, ở Malaysia là 46%. Những hiện tượng trốn thuế, chuyển giá của một số DN FDI là những "con sâu" mà lâu nay chúng ta chưa thể loại trừ triệt để. Những dự án FDI gây ô nhiễm môi trường là bài học cảnh tỉnh rất đắt giá cho chúng ta.Tổng kết 30 năm thu hút FDI, nhìn về phía trước, Việt Nam phải có chính sách để làm sao khắc phục được những tồn tại, hạn chế này. Hơn nữa, những thay đổi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, khu vực và trong nước cũng đang đặt ra yêu cầu phải có những thay đổi trong định hướng chiến lược về thu hút FDI giai đoạn tới. Cần phải đặt vấn đề tiếp tục thu hút nhưng có trọng tâm, trọng điểm hơn và gắn với quá trình cải cách, tái cơ cấu; gắn với Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 để khu vực FDI thực sự tạo ra sự lan tỏa vùng miền, liên kết DN nội, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, tập trung dự án thân thiện môi trường, công nghệ cao hơn... Cùng với đó, có chiến lược để không còn sự chênh lệch quá lớn trong thu hút FDI giữa các địa phương… nâng cao năng lực cạnh tranh để lựa chọn, thu hút các dự án FDI chất lượng cao, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như những biến đổi của khoa học công nghệ trong cuộc CMCN 4.0 và xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư quốc tế.Chính phủ Việt Nam đã cam kết duy trì ổn định an ninh - chính trị; ổn định chính sách thu hút đầu tư nước ngoài; không ngừng đổi mới, cải cách để thu hút vốn FDI. Một chu kỳ mới, động lực mới, bước phát triển mới cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã bắt đầu, từng bước kết nối hai khu vực trong nước và nước ngoài thành một thể thống nhất, cùng nhau phát triển phồn vinh.