Gom, ghép những ký ức về liệt sĩ làng Lai

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỷ vật về các liệt sĩ có thể là bức ảnh thờ, hoặc bức hình hoen ố khi mới lên 5 rồi ra đi mãi mãi ở tuổi 20, hoặc bức ảnh cưới giản dị tổ chức vội vã trước khi lên đường ra chiến trường. Những mảnh ghép đang lưu lại trong ký ức người thân liệt sĩ, đã được một nhóm sinh viên khoa Di sản Văn hóa (Đại học Văn hóa Hà Nội) và các chuyên gia văn hóa gom, ghép trong 2 tháng để trưng bày trong triển lãm “Ký ức về liệt sĩ làng Lai”, tại Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá từ 25/7 đến hết tháng 10/2019.

Người dân và du khách tham quan triển lãm “Ký ức về liệt sĩ làng Lai”. Ảnh: Linh Anh
Nỗi day dứt của người còn sống
Triển lãm diễn ra dịp tháng 7, để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, thế nhưng không phải để kể về chiến công của người đã khuất, mà kể về nỗi day dứt của người ở lại. Nỗi day dứt ấy có thể là của bà Nguyễn Thị Bích, vợ liệt sĩ Trần Ngọc Dem, sau 50 năm chồng ra đi nơi chiến trường nhưng vẫn chưa tìm được hài cốt để thắp nén hương lên nấm mộ. Gặp bà Nguyễn Thị Bích tại buổi khai mạc triển lãm “Ký ức về liệt sĩ làng Lai”, trong lòng người phụ nữ nay đã ở tuổi 77 này vẫn chất chứa bao tâm sự. Câu chuyện trong triển lãm được bà kể cho các thành viên tham gia sưu tầm. Các bức ảnh, các kỷ vật về người chồng vẫn được bà lưu giữ trong chiếc hộp gỗ nhỏ ở nhà. Nhưng đến đây, cùng với sự gợi nhớ của các người bạn về một đám cưới diễn ra cuối tháng 6 âm lịch năm 1969, cùng kỷ niệm ông Dem thổi kèn lá đầy lãng tử…, lại khiến nỗi nhớ ùa về trong bà Bích.

“Tôi đã từng sang Campuchia, nơi chồng tôi tham gia chiến đấu, gặp một vài đồng đội của anh. Có người kể cho tôi rằng vì thất lạc thông tin quê nhà, mấy năm sau anh ấy lấy vợ và sinh một bé gái. Không rõ thực hư, nhưng nếu là có thực tôi mong được gặp chị ấy để chị em nhận nhau, con trai tôi và con gái chị ấy có thể nhận anh em ruột” - bà Bích chia sẻ.

Trong câu chuyện kể lần này tại triển lãm, còn có những ký ức của người em về người anh liệt sĩ. Khi anh ra chiến trường vào một chiều chập choạng tối, nhưng hình ảnh bộ quần áo xanh bộ đội vẫn ám ảnh người em của liệt sĩ Phạm Văn Tịnh. Những ký ức này, theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - cố vấn nội dung cho triển lãm, một người con của làng Lai Xá: “Nhiều người dân đã giấu hay hủy đi các hiện vật của người thân, để trốn đi sự đau thương mất mát quá lớn. Thời gian trôi đi, bố mẹ các liệt sĩ lần lượt qua đời, đàn em lớn lên nhớ về các anh trong một ký ức mờ nhạt. Và nhiệm vụ của những người sưu tập, lưu giữ là đi tìm, lưu lại các ký ức đó từ chính một làng quê”.

Tâm huyết của thế hệ 9x và 10x

Điều đặc biệt, các thành viên làm nên triển lãm, ngoài ban cố vấn là các chuyên gia văn hóa, thì từ đội ngũ sưu tầm, nhân viên thiết kế, thi công đều là những người sinh ra ở thế hệ 9x và 10x. Hơn 2 tháng hè, họ không quản trời nắng, trời mưa, tìm đến từng người thân của gia đình 50 liệt sĩ làng Lai Xá, nghe họ kể chuyện, góp nhặt những kỷ vật còn sót lại, để vừa gợi ký ức vừa kể cho công chúng câu chuyện hậu chiến tranh.

“Những ngày cuối tháng 6/2019, nhóm sinh viên “đi tìm ký ức Lai Xá” quay lại đến xóm 4 thăm gia đình liệt sĩ Đinh Văn Cường (1954 - 1974). Liệt sĩ Đinh Văn Cường là con út của bà Kiều Thị Tuệ (vợ lẽ của ông Đinh Văn Chăm). Nay bà Tuệ đã mất. Nhóm gặp được bà Bùi Thị Bảy, “mẹ già” (bà vợ cả) năm nay đã 92 tuổi. Kí ức sâu đậm nhất còn lại của bà về liệt sĩ Cường là cảnh hai mẹ con anh Cường tiễn nhau đi bộ đội. Đó là năm 1971, tại địa điểm cây xăng Lai Xá hiện nay, nơi giao quân, lần cuối cùng 2 mẹ con anh Cường bịn rịn bên nhau” - sinh viên Lý Thu Thảo - thành viên tham gia nghiên cứu sưu tầm triển lãm “Ký ức về liệt sĩ làng Lai” chia sẻ.

Chính vì cách tiếp cận với nhân vật khác với tất cả các triển lãm khác, nên câu chuyện, cách trưng bày trong triển lãm lần này cũng cuốn hút người xem. Ba phần của triển lãm: Những ký ức sâu đậm, Day dứt những nỗi đau, Những ký ức mong manh được trưng bày như chiếc cửa sổ để lật dở từng hiện vật. Từ khâu thiết kế, đến khâu thể hiện vừa dung dị tâm sự của những người làng quê Lai Xá, nhưng hiện đại trong phương pháp trưng bày. Để rồi, dù triển lãm diễn ra ở một làng nghề, nơi có những bảo tàng tư nhân bé nhỏ cách xa trung tâm Hà Nội đến 40 cây số vẫn thu hút cả nghìn người đến xem và cảm nhận.