Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gom hàng rong về một điểm cố định: Liệu có khả thi?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đề án "Triển khai mô hình cải thiện an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống tại các quận, thị xã và thị trấn của các huyện thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015" vừa được xây dựng đã nhấn mạnh yêu cầu: gom hàng ăn rong về một điểm cố định để dễ quản lý vệ sinh thực phẩm (VSTP). Tuy nhiên, đây là điều không dễ dàng thực hiện trong điều kiện hiện nay.

Sẽ quản lý tập trung

Theo lãnh đạo Chi cục An toàn VSTP Hà Nội, hàng ăn rong thiếu hạ tầng cơ sở và các dịch vụ vệ sinh môi trường, việc kiểm soát vệ sinh thực phẩm khó khăn. Hàng ăn rong chính là một trong những thủ phạm gây nhiều vụ ngộ độc thực phẩm cũng như số ca mắc tiêu chảy cấp hàng năm. Mặc dù nguy cơ được cảnh báo, tuy nhiên, công tác kiểm tra giám sát VSTP các gánh hàng rong lại mang tính hình thức, tập trung cao điểm ở tháng hành động, Tết Nguyên đán, Rằm Trung Thu và phụ thuộc vào việc bố trí sắp xếp thời gian của cán bộ y tế và lãnh đạo địa phương. Chính vì vậy, để tiện cho công tác quản lý hàng ăn rong cũng như đảm bảo VSTP, Đề án đưa ra mô hình quản lý dựa trên nguyên tắc: Người bán hàng rong được bố trí tập trung tại một địa điểm cố định do doanh nghiệp hoặc cá nhân đại diện quản lý tập trung, thuê, mượn mặt bằng. Đảm bảo cung cấp nước sạch, bố trí các khu chế biến ăn uống hợp vệ sinh. Người bán hàng được tham gia các lớp tập huấn để cung cấp kiến thức về an toàn VSTP, được khám sức khoẻ, xét nghiệm định kỳ.

Theo cơ quan soạn thảo, mô hình này sẽ khắc phục được nhược điểm của hàng rong tạm bợ, mang tính mùa vụ khiến cơ quan quản lý không thể kiểm soát được.

Khó thực hiện

 Một lãnh đạo ngành y tế Hà Nội lập luận, trong điều kiện lực lượng thanh tra y tế kiêm nhiệm quản lý về an toàn VSTP mỏng như hiện nay, việc tập trung những người làm dịch vụ ăn uống vào một điểm cố định sẽ khiến việc quản lý dễ dàng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc gom hàng rong sẽ làm mất đi lợi thế là sự thuận tiện cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, gần một nửa hàng ăn cố định có phép trên địa bàn TP vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận an toàn VSTP. Kể cả những cơ sở được cấp vẫn vi phạm an toàn VSTP. PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm cho rằng, trong điều kiện hiện nay, Hà Nội khó có thể thực hiện nội dung này. Ngoài ra, việc không có không gian công cộng, nước sạch khan hiếm, nồng độ bụi cao, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì hàng ăn rong ngồi vào đâu? Vì sao ở nhiều nước họ quản lý rất tốt hàng ăn rong, bởi phát triển qui hoạch hợp lý, vào cuộc đồng bộ, kiên quyết, thực hiện nghiêm, xử lý kịp thời. Ông Đáng so sánh: "Bánh mì bán rong đầy đường vành đai, đường cao tốc, khắp các ngã tư đường phố, ô nhiễm, sao chính quyền địa phương không xử lí? Việc đơn giản như thế không làm được, thì việc gom hàng rong về một điểm làm sao làm xuể?".

Ngoài việc gom hàng ăn rong về một điểm, đề án còn xây dựng thêm mô hình xe đẩy chuyên dụng. Những chiếc xe đẩy này được phép lưu hành trên các ngõ, phố. Nhớ lại, mô hình này cũng đã được triển khai tại một số phường điểm ở Hà Nội từ năm 2006, nhưng đến nay vẫn không triển khai rộng vì người bán hàng không thực hiện.

Đề án này sẽ triển khai trong 5 năm với kinh phí ước tính khoảng 70 tỉ đồng. Sẽ là không "đắt" nếu người tiêu dùng thực sự có được những bữa ăn "sạch" tại những điểm thức ăn đường phố nói chung và những gánh hàng rong nói riêng. Nhưng sẽ lãng phí nếu đề án thực hiện nửa vời như tình trạng quản lý thức ăn đường phố hiện nay.