KTĐT - Các nhà làm luật châu Âu vừa gửi thư cho Google, yêu cầu gã khổng lồ tìm kiếm giải thích về cơ chế xếp hạng các kết quả tìm kiếm của hãng, sau khi nhận đơn khiếu nại từ nhiều doanh nghiệp châu Âu về việc họ bị Google "chèn ép".
Theo tờ Telegraph của Anh, "nguyên đơn" bao gồm website chuyên so sánh giá cả Foundem và Ciao, một website khác cũng chuyên về giá cả thuộc quyền sở hữu của Microsoft. Riêng Foundem đã ca cẩm về việc bị Google cố tình dìm thứ hạng website dưới sức ép cạnh tranh từ lâu.
Phía Google đã xác nhận rằng họ nhận được thư từ Uỷ ban châu Âu, tuy nhiên, như thường lệ, gã khổng lồ tìm kiếm vẫn tuyên bố rằng mình chẳng làm gì sai. "Dù sẽ vẫn phản hồi và cung cấp thông tin đầy đủ cho họ nhưng chúng tôi hoàn toàn tự tin rằng mình đang hoạt động và kinh doanh vì lợi ích của người dùng lẫn các đối tác, trong khuôn khổ của luật cạnh tranh châu Âu".
Mặc dù vậy, dường như việc Uỷ ban châu Âu mở cuộc điều tra chính thức nhằm vào Google chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi. Google đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ vài năm trở lại đây từ các đối thủ nhỏ hơn, cùng với việc hãng này trở thành kẻ thống trị mạng Internet. Thị phần của Google tại thị trường quảng cáo tìm kiếm và tìm kiếm châu Âu thậm chí còn cao hơn ở Mỹ (khoảng 90%).
Tháng 8 năm ngoái, Foundem đã khiếu nại rằng Google cố tìm dìm đường link của hãng xuống các thứ hạng rất thấp khi hiển thị kết quả tìm kiếm. Lập luận mà phía Foundem đưa ra là có thể Google cảm thấy bị đe doạ bởi mô hình kinh doanh của Foundem. Tất nhiên, Google phủ nhận mọi lời cáo buộc này tại thời điểm đó và nói rằng Foundem cũng chỉ như mọi website khác, cần phải đưa ra được các nội dung "có liên quan" để được xuất hiện ở những kết quả tìm kiếm đầu tiên.
Trong một bài post trên blog ngày hôm qua, Google cũng ám chỉ rằng đơn khiếu nại của Ciao là do có sự "chỉ đạo" của Microsoft, đối thủ lớn nhất hiện nay của Google trên địa hạt công nghệ. "Ciao là một đối tác lâu năm của dịch vụ AdSense của chúng tôi, và vì thế, giữa hai bên luôn duy trì một quan hệ tốt đẹp. Nhưng kể từ sau khi Microsoft mua lại Ciao! vào năm 2008, chúng tôi mới bắt đầu nhận được những lời phàn nàn liên quan đến điều kiện hợp tác", Google phản pháo.