Grab đang trục lợi từ Nghị định 126/2020?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không phải ngẫu nhiên mà Grab đang đối mặt với làn sóng phản đối của cả đội ngũ tài xế và người tiêu dùng. Phải chăng DN này đang lợi dụng Nghị định 126/2020/NĐ-CP để trục lợi?

Tài xế phải chịu toàn bộ 10% thuế VAT
Grab vừa chính thức lên tiếng về những tranh cãi liên quan đến việc DN này tăng giá cước và tăng phần trăm khấu trừ trên mỗi chuyến xe của tài xế để bù vào 10% thuế VAT phải nộp theo quy định của Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5/12/2020. Theo đó, đại diện Grab khẳng định, phần trăm khấu trừ vẫn giữ nguyên 20% (đối với tài xế Grabbike) còn phần trăm tăng thêm chính là phần thuế VAT của các tài xế mà Grab có trách nhiệm thu hộ.
Đại diện Grab lý giải, theo quy định của Nghị định 126/2020/NĐ-CP, 10% thuế VAT được áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, bao gồm cả phần doanh thu vận tải của đối tác tài xế. C
ụ thể, Grab cho biết, trước đây mức chiết khấu 20% + thuế VAT 3% và 1,5% thuế thu nhập cá nhân (trên phần 80% doanh thu mà tài xế được nhận). Khi Nghị định 126/2020/NĐ-CP áp dụng từ 5/12 trở đi, chiết khấu trên mỗi cuốc xe thì thuế VAT sẽ từ 3% lên 10% trên doanh thu mỗi cuốc xe, tức tăng 7% so với trước.
 Làn sóng phản đối Grab của đội ngũ tài xế ngày càng lan rộng. Ảnh: Thành Đạt
Như vậy, phần chiết khấu mà Grab đang áp dụng với GrabBike 27,273% thực chất đây là phần thuế cộng vào để thu hộ chứ hãng không tăng chiết khấu. Về việc tăng giá cước từ ngày 5/12/2020, là thời điểm 126/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, đại diện Grab cho rằng DN này đã đề xuất giá cước mới phù hợp, đồng thời tiến hành khấu trừ nghĩa vụ thuế VAT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng hiện đang chi trả.

Như vậy, trước khi Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực, Grab chịu 3% thuế VAT và “bổ” luôn xuống đầu tài xế. Đến khi mức thuế này tăng từ 3% lên 10% theo quy định của Nghị định 126/2020, ngay lập tức 7% thuế VAT tăng thêm được Grab “bổ” tiếp xuống đầu các tài xế. Không những vậy, cùng với việc tăng phần trăm khấu trừ trên mỗi cuốc xe của tài xế, Grab còn tăng giá cước từ 5 - 6% dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên toàn quốc.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu?

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, Grab đang có dấu hiệu trục lợi từ chính văn bản pháp lý được cho là sinh ra để quản lý việc nộp thuế của DN này. “Đương nhiên, sự ra đời của Nghị định 126/2020/NĐ-CP là cần thiết và kịp thời để quản chặt những DN kiểu như Grab trong nghĩa vụ nộp thuế. Nhưng Grab lại đổ nghĩa vụ nộp thuế đấy cho tài xế và cả người tiêu dùng là không được” – Luật sư Bùi Đình Ứng nói.

Theo phân tích của chuyên gia pháp lý này, lâu nay Grab luôn không chịu nhận mình là đơn vị kinh doanh vận tải dù luôn quyết định giá cước các cuốc xe. Điều này là không thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, trong mối quan hệ “đối tác” như cách gọi của chính Grab về các tài xế thì DN này cũng lợi đủ đường. Luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng, trên danh nghĩa được gọi là đối tác nhưng tài xế chịu chi phí rất nhiều, từ mua sắm phương tiện, đổ xăng xe, bỏ công sức lái xe, tiền sửa chữa, bảo hành xe... trong khi Grab chỉ cung cấp ứng dụng gọi xe.
Thế nhưng Grab được quyền quyết định giá cước, được quyền đưa ra phần trăm chiết khấu... còn tài xế lại phải chịu toàn bộ thuế VAT, chịu thuế thu nhập... “Grab không thể vừa tăng phần trăm khấu trừ cuốc xe của tài xế vừa tăng cước để thu thêm tiến của người tiêu dùng được. Như thế là họ đang “ăn hai mang”. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ vấn đề này” – luật sư Bùi Đình Ứng đề nghị.

Đánh giá vấn đề qua góc nhìn kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, câu chuyện Grab tăng giá cước và phần trăm khấu trừ trên mỗi cuốc xe của tài xế cho thấy hành lang pháp lý để quản lý những DN như Grab vẫn còn nhiều lỗ hổng. “Ở đây cần phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, đó là phải xác định rõ loại hình kinh doanh của Grab là gì, từ đó áp dụng mức thuế cho phù hợp” – PGS.TS Nguyễn Trọng Thịnh nói.

Về việc Grab cho rằng nghĩa vụ nộp 10% thuế VAT thuộc về các tài xế, PGS.TS Nguyễn Trọng Thịnh khẳng định là không chính xác. Việc coi các tài xế chỉ là đối tác đã là sai rồi. Các tài xế là người trực tiếp lao động, mang lại lợi nhuận cho Grab.
“Các tài xế phải được coi là người lao động và phải được đối xử như người lao động. Đúng ra, họ phải có hợp đồng lao động, được hưởng các chế độ theo Bộ luật Lao động. Đằng này lại coi họ là đối tác và bắt họ chịu toàn bộ 10% thuế VAT. Như vậy là không được. Grab phải có trách nhiệm nộp 10% thuế VAT như tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải khác” – PGS.TS Nguyễn Trọng Thịnh khẳng định.

Trả lời Kinh tế & Đô thị chiều 9/12 liên quan đến việc thực hiện Nghị định 126/2020/NĐ-CP, đại diện Bee Group cho biết, DN này đã đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực vận tải ngay từ ngày thành lập và hoạt động theo mô hình công ty vận tải cung cấp ứng dụng công nghệ. Be Group cũng cam kết mọi hoạt động kinh doanh của công ty đều tuân thủ các quy định pháp luật như đóng đúng và đủ thuế, hỗ trợ các đối tác trong việc kê khai, đóng thuế. Liên quan đến Nghị định 126/2020/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 5/12, đại diện Bee Group cho hay, DN này sẽ tiếp tục chờ đợi thông tư hướng dẫn cụ thể từ cơ quan thuế, để có căn cứ chính xác thực hiện nghĩa vụ thuế và hỗ trợ các tài xế tuân thủ quy định pháp luật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần