GS Mỹ chia sẻ cách làm bài kiểm tra hiệu quả từ làm bài khó trước

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi– Tại Hội thảo "Học cách học - Learning how to learn" tại ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội ngày 12/11, GS Barbara Oakley- Đại học Oakland (bang Michigan- Mỹ) đã chia sẻ cách dạy và học dựa trên trí não; từ đó giúp học sinh, sinh viên, giáo viên có những cách học hiệu quả.

Nếu như ở Việt Nam, cách làm bài được các thầy cô gợi ý là “làm từ dễ đến khó” thì GS Barbara Oakley có cách tư duy ngược lại khi cho rằng: Học sinh nên làm bài từ khó đến dễ.

GS Barbara Oakley- Đại học Oakland (áo hoa, đứng giữa) bên các sinh viên
GS Barbara Oakley- Đại học Oakland (áo hoa, đứng giữa) bên các sinh viên

Theo GS, đối với những học sinh đã dành những khoảng thời gian chất lượng để học bài, một cách hiệu quả để làm tốt bài kiểm tra là phương pháp khởi động bằng bài khó.

Để áp dụng phương pháp này, ngay khi có bài kiểm tra, học sinh nên đọc nhanh một lượt để tìm câu hỏi khó nhất. Đó là câu mà các em nên thử làm trước. Nhưng các em cũng nên chuyển sang câu khác ngay khi cảm thấy mình mắc kẹt, thường là một hoặc hai phút sau khi bắt đầu. 

Với phương pháp này, sau khi cảm thấy bế tắc với bài khó, học sinh nên ép bản thân chuyển sang các câu đơn giản hơn. Làm các bài dễ hơn một chút cho phép chế độ phân tán đồng thời hoạt động ngầm để giải quyết câu khó. Sau đó, khi hướng sự tập trung trở lại câu này, các em thường có thể hoàn thành hoặc ít nhất là có nhiều tiến triển hơn. 

Theo GS Barbara Oakley, phương pháp khởi động bằng bài khó hiệu quả hơn nhiều so với việc bắt đầu với những câu dễ trước và giải quyết câu khó nhất vào cuối bài kiểm tra, khi học sinh đã mệt mỏi về tinh thần và căng thẳng vì thời gian còn lại quá ít.

“Nó tận dụng lợi thế của chế độ phân tán để sử dụng não bộ như một loại xử lý kép, giải quyết câu hỏi hóc búa ở chế độ nền. Tất nhiên, nếu học sinh chưa chuẩn bị tốt thì vẫn nên bắt đầu với những câu hỏi dễ để lấy điểm”- GS Barbara Oakley cho biết. 

GS chia sẻ: Bà từng dạy môn Điện từ học cho cả bậc cử nhân và sau đại học- ngành học áp dụng giải tích cao cấp để định lượng sự đan xen của từ trường và điện trường. Do đó, từ học kỳ này qua học kỳ khác, bà đã chứng kiến sinh viên vật lộn với học hành. 

Bà nhận ra rằng, sinh viên tư duy nhanh nhạy trong khóa học- có bộ não như xe đua có thể lao tới vạch đích bằng những câu trả lời nhanh chóng. Các sinh viên khác trong lớp lại có bộ não "đi bộ". Họ cũng có thể cán đích nhưng chậm hơn khá nhiều. Hầu hết người học đều sẽ là "xe đua" trong một số môn và "người đi bộ" trong những môn khác. 

Thế nhưng, tốc độ không hẳn là lợi thế. Người điều khiển xe đua về đích nhanh chóng nhưng mọi thứ trôi qua mờ mịt. Người đi bộ chậm hơn nhưng có thể chạm tay vào những điều mà người điều khiển xe đua không cảm nhận được. Như vậy, có thể khẳng định, dù bộ não nhanh hay chậm thì đều có ưu điểm nhất định và không cần là thiên tài bẩm sinh thì các em vẫn có thể học tốt.

Hội thảo "Học cách học - Learning how to learn" do Trung tâm nghiên cứu giáo dục Edlab Asia phối hợp Cty cổ phần xuất bản và dữ liệu ETS tổ chức với chia sẻ của GS Barbara Oakley đã cung cấp nhiều kiến thức bổ ích xoay quanh mối quan hệ phức tạp giữa khoa học về hệ thần kinh và thói quen, hành vi, từ đó gợi ý phương pháp học tập và giảng dạy hiệu quả; đồng thời chỉ ra nguyên nhân gây suy giảm động lực, gây trì hoãn và cách khắc phục chúng.